6/7/17

Đòi thực hiện di chúc của mẹ, em gái kiện gia đình anh trai suốt 12 năm

Bà mẹ trước khi mất có di chúc cho con gái thừa kế ngôi nhà ở phố cổ Hà Nội song gia đình người con trai quyết không giao.


Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Vào những năm 1930, cụ Tạ Thị Bê sở hữu nhiều căn nhà ở Hà Nội. Năm 1961, trong quá trình cải tạo công thương, cụ hiến tặng nhà nước 4 ngôi nhà, chỉ giữ lại một căn ở phố Hàng Bồ rộng hơn 40m2. Ngoài ngôi nhà ở Hàng Bồ, cụ cùng chồng là cụ Nguyễn Văn Luật (đã chết năm 1986) còn có tư gia tại 34A An Trạch, diện tích hơn 1.000m2 với cả nhà, vườn, ruộng.

Sau khi chồng qua đời, cụ Bê sống với bà Nguyễn Thị Mỹ, vợ của con trai Nguyễn Ngọc Đĩnh tại Hàng Bồ. Khu đất ở An Trạch chuyển cho gia đình ông Đĩnh quản lý, sử dụng. Con gái Nguyễn Thị Hồng Vân của cụ vào Cần Thơ sống, làm việc.

Cuối năm 1991, cụ Bê tới Phòng công chứng số 1 Hà Nội lập di chúc để lại toàn bộ căn nhà ở Hàng Bồ cho bà Vân. Từ năm 1992 đến khi chết (2003), cụ Bê đã nhiều lần yêu cầu vợ chồng con trai trả nhà nhưng không thành.

Năm 2004, bà Vân về Hà Nội khởi kiện yêu cầu hưởng thừa kế căn nhà ở Hàng Bồ, theo di chúc mẹ để lại. Xác định người liên quan vụ việc có yếu tố nước ngoài nên TAND Hà Nội thụ lý vụ án.

Tại phiên sơ thẩm đầu tiên do TAND Hà Nội mở cuối năm 2006, bị đơn là ông Đĩnh trình bày, gia đình ông ở toàn bộ ngôi nhà phố Hàng Bồ từ năm 1953. Theo ông Đĩnh, cha mẹ khi qua đời đều không để lại di chúc. Ông không chấp nhận bản di chúc do bà Vân xuất trình, cho đó là giả. 

Vợ ông Đĩnh nói mẹ đã bán nhà ở Hàng Bồ cho vợ chồng bà song không viết văn bản. Khi cụ Bê còn sống, vợ chồng bà chăm sóc chu đáo. Vợ chồng bà Vân ở trong Nam, đến khi cụ Bê chết mới ra chịu tang nên không có việc cụ Bê lập di chúc cho bà Vân căn nhà này. Bà cho rằng di chúc em dâu đưa ra là giả...

Bản án sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu xác nhận thừa kế theo di chúc của bà Vân với ngôi nhà ở Hàng Bồ, cho rằng đây là di sản của cụ Bê. Di chúc bà Vân cung cấp là hợp pháp. Vì vậy, tòa buộc gia đình ông Đĩnh dọn đi, trả lại toàn bộ  nhà ở Hàng Bồ cho bà Vân. Bà Vân phải thanh toán cho gia đình anh trai hơn 34 triệu đồng tiền sửa chữa nhà.

Tại phiên phúc thẩm mở giữa năm 2007 theo kháng cáo của gia đình ông Đĩnh, tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, sau đó Viện trưởng VKSND Tối cao có kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm, phúc thẩm, giao hồ sơ về TAND quận Hoàn Kiếm xét xử sơ thẩm lại. Trong năm này, ông Đĩnh qua đời.

Quyết định giám đốc thẩm vào cuối năm 2008 đã hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm trước đó giao hồ sơ cho TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm lại. Theo đó ngôi nhà ở Hàng Bồ được xác định là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của cụ Bê và Luật, không phải tài sản riêng. 

Khi bà Vân khởi kiện (23/3/2004), thời hiệu khởi kiện về quyền đối với di sản của cụ Luật đã hết. Vì vậy, theo cấp giám đốc thẩm, lẽ ra, tòa án chỉ công nhận di chúc của cụ Bê với phần tài sản của cụ, đồng thời làm rõ sau khi cụ Luật chết có những ai đang quản lý tài sản của cụ Luật thì mới đủ cơ sở để giải quyết vụ án. Trong khi đó, tòa án cấp sơ và phúc thẩm đều chưa xác minh vấn đề trên.

Quyết định giám đốc thẩm còn yêu cầu tòa án xem xét có hay không việc vợ chồng ông Đĩnh đưa tiền cho cụ Bê, trích từ di sản thừa kế của cụ để thanh toán cho ông này.

Từ năm 2008 đến 2015, vụ việc này trải qua hai lần xét xử sơ thẩm - phúc thẩm song vẫn chưa được giải quyết. Người em gái vẫn cho rằng mình được hưởng cả ngôi nhà ở Hàng Bồ, còn những người thừa kế của ông anh giữ quan điểm không giao nhà.

Tại phiên sơ thẩm thứ ba mở giữa năm 2015, do phần tài sản của cụ Luật hết thời hiệu khởi kiện nên vợ con ông Đĩnh muốn được giao toàn bộ ngôi nhà ở Hàng Bồ để tiếp tục quản lý, sử dụng. Đổi lại, họ sẽ thanh toán một nửa giá trị ngôi nhà cho bà Vân bằng tiền.

Chủ phiên tòa hôm đó xác định chỉ chia tài sản của cụ Bê vì cho rằng thời hiệu khởi kiện chia tài sản của cụ Luật đã hết. Bản án sơ thẩm lần 3 khi được tuyên vẫn kết luận ngôi nhà ở Hàng Bồ là tài sản chung của cụ Bê, Luật. Cụ Bê được hưởng 55% giá trị ngôi nhà do có công sức nhiều hơn, còn cụ Luật hưởng 45%. Di chúc của cụ Bê hợp pháp, không có căn cứ kết luận cụ đã bán ngôi nhà cho vợ chồng con trai. Bà Vân được thừa kế 55% giá trị ngôi nhà.

Ngôi nhà được định giá hơn 13 tỷ đồng, Tòa tuyên chia cho bà Vân hơn 7,2 tỷ là phần giá trị tài sản của cụ Bê. Do 9 nhân khẩu gia đình bà Mỹ đang sinh sống ở đây nhiều năm nay, nếu chia cho bà Vân 55% giá trị thì không thể sở hữu, sử dụng độc lập. Do vậy, tòa tuyên gia đình bà Mỹ phải trả hơn 7,2 tỷ cho bà Vân.

Cả hai bên vẫn chưa đồng tình sau bản thứ 5 này, cùng kháng cáo. Sau hơn 12 năm khởi kiện, trong phiên phúc thẩm lần 3 mở vào cuối tháng 6 vừa qua, bà Vân cùng luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình đề nghị hoãn xử bởi trong thành phần HĐXX có một thẩm phán từng là chủ tọa một phiên tòa trước đây của  vụ việc này.

Bà Vân cho rằng ngôi nhà ở phố Hàng Bồ là tài sản riêng của mẹ, nay phải thuộc về bà theo di nguyện. Bà phải thực hiện di nguyện của người mẹ quá cố để nếu có “ra đi” thì cũng thanh thản. Đây sẽ là nơi thờ cúng tổ tiên, bà rất lo ngại nó sẽ bị bán vào một ngày nào đó.

Related Posts: