6/4/17

ĐBQH Dương Trung Quốc: Nếu ‘người nhà’ mà giỏi thì càng cần phải cất nhắc

“Xã hội từng có những người xuất thân từ rất bình thường trở thành nhân vật xuất sắc. Tuy nhiên, trên thực tế mặt bằng hiện nay người ta rất mất lòng tin, bất kỳ cái gì người ta cũng đặt câu hỏi: Có đúng không? Đòi hỏi này là chính đáng”.


Nhà sử học, ĐBQH khoá 14 tỉnh Đồng Nai, Dương Trung Quốc
Nhà sử học, ĐBQH khoá 14 tỉnh Đồng Nai, Dương Trung Quốc

Đòi hỏi chính đáng

Thời gian vừa qua, dư luận cả nước đã nhiều lần "xôn xao" và tỏ ý nghi ngờ có sự khuất tất trước việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, hay sự thăng tiến "thần tốc" của một vài cá nhân tại các địa phương, cơ quan nhà nước, chính quyền. Mới đây, kết quả nghiên cứu về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2016 (PAPI) được công bố ngày 4/4 cho thấy, khoảng 54% số người dân cho rằng cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước, cao hơn tỉ lệ 51% của năm 2015 và 46% của năm 2011. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có lần nhấn mạnh, việc tuyển chọn, bổ nhiệm là ’để tìm ra người tài chứ không phải tìm người nhà’.

Phải chăng, công tác bổ nhiệm và lựa chọn nhân sự của khối các tổ chức, cơ quan nhà nước đang có vấn đề? Và làm thế nào để "tìm được người tài" phục vụ? Phóng viên Infonet đã có cuộc trò chuyện với ĐBQH Dương Trung Quốc xung quanh vấn đề này.

Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng từ một ông lái xe, một "hot girl" hay một diễn viên điện ảnh mà được bổ nhiệm làm lãnh đạo nếu thực sự họ có tài thì không có gì phải bàn cãi. Nhưng thời gian vừa qua, việc bổ nhiệm những “nhân tài” này không được dư luận “tâm phục khẩu phục” là do người ta mất lòng tin, do chúng ta chưa có cơ chế để bảo đảm dân chủ, sự giám sát của xã hội và của cộng đồng.

“Ví dụ như ở Mỹ, họ có quy định luật pháp và quá trình bầu cử thể hiện rõ năng lực. Còn ở nước ta lâu nay dựa quá nhiều vào bằng cấp. Mặc dù bằng cấp không phải không quan trọng nhưng đã tuyệt đối hóa quá trình năng lực chuyên môn. Chúng ta chưa có những phương thức để định giá, định lượng năng lực của lãnh đạo”- ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Một lần nữa, ông Quốc cho rằng, không nên đặt vấn đề tại sao một ông lái xe lên làm lãnh đạo hay từ một cô nhân viên đánh máy (trường hợp "hot girl Thanh Hóa" Trần Vũ Quỳnh Anh – PV)  lên làm phó hoặc trưởng phòng nhưng nếu chỉ nhờ vào quan hệ, đút lót thì rõ ràng là vi phạm pháp luật.

“Rõ ràng, vấn đề là phương pháp đề bạt”- ông Dương Trung Quốc khẳng định. Người dân đã mất lòng tin quá nhiều vào việc đề bạt, cất nhắc cán bộ.

“Xã hội từng có những người xuất thân từ rất bình thường trở thành nhân vật xuất sắc. Tuy nhiên, trên thực tế mặt bằng hiện nay người ta rất mất lòng tin, bất kỳ cái gì người ta cũng đặt câu hỏi: Có đúng không? Đòi hỏi này là chính đáng”- ông Quốc phân tích.

Chính vì thế, theo ông Quốc điều quan trọng nhất là xem người đó có làm đúng, có đạt với quy trình và hơn tất cả là giám sát hiệu quả. Trong khi đó, tiêu chí chức vụ lãnh đạo của chúng ta hiện nay có những tiêu chí rất mơ hồ. Đây chính là chỗ để tạo ra kẽ hở để những cá nhân, tổ chức lợi dụng.

“Một ông lãnh đạo được bổ nhiệm làm làm đối ngoại (nếu không thông thạo ngoại ngữ thì chỉ cần hỏi là biết ngay), có khó gì đâu. Hay ví dụ như quy định PGS, anh phải thông thạo một ngoại ngữ thì chỉ cần kiểm tra là lòi ra ngay. Rõ ràng những tiêu chí này không khó để kiểm tra. Còn về chuyên môn thì đúng là hơi khó hơn, nhưng nếu những người giám định ngay thẳng và có  trình độ thì tôi cho rằng không hề  khó”- ông Quốc nhấn mạnh.

Quy chuẩn cụ thể hơn nữa?

Vậy làm thế nào để tuyển được người tài thực sự vào bộ máy công quyền? Trả lời câu hỏi này của phóng viên, ông Quốc dẫn giải, không phải nhìn đâu xa, “chỉ cần nhìn giữa tuyển công chức nhà nước với tuyển nhân lực của khối doanh nghiệp tư nhân. Tại sao họ (khối tư nhân) chuẩn hơn? Vì  họ rất cụ thể, rất thực tế bởi nhân lực liên quan đến lợi ích của chính họ. Nếu thuê người dốt sẽ tổn hại lợi ích của họ, nhưng vì nhà nước vẫn có tình trạng rằng là "của chùa", "tiền chùa" nên người ta vẫn ban phát cho nhau”.

Chủ trương "tìm người tài chứ không tìm người nhà" của Thủ tướng Chính phủ là đúng, nhưng theo ông Dương Trung Quốc không nhất thiết không được cất nhắc người nhà nếu giỏi. Rõ ràng có ông Nguyễn Cơ Thạch (tên khai sinh Phạm Văn Cương - nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao -PV) thì mới có ông Phạm Bình Minh (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao), có ông Tôn Thất Tùng (Giáo sư bác sĩ, Viện sĩ) thì mới có ông Tôn Thất Bách… và nhiều nước đánh giá rất cao truyền thống gia đình của các cá nhân.

“Theo tôi không nên tuyệt đối hóa vấn đề nào hết. Tuyệt đối hóa tôi cho không phải, bởi trong những gia đình đó họ có điều kiện hơn (vật chất, tinh thần, nghề nghiệp) chắc chắn những nhà đó con cái họ được đào tạo tốt hơn. Giữa người giàu và người nghèo thì chắc chắn người giàu điều kiện thuận lợi hơn. Do đó, không nên tuyệt đối hóa, mà cần đặt ra vấn đề là mặc dù hai người xuất thân ở hai môi trường khác nhau nhưng cần có chung tiêu chí… có đáp ứng được vị trí mà anh ta được giao phó hay không mà thôi.

Chúng ta không cần học đâu xa, những vấn đề ngày nay chúng ta đặt ra nó cũ xưa lắm rồi. Ví dụ luật Hồi tỵ (hạn chế những móc ngoặc tham nhũng) có từ lâu rồi, nhưng giờ chúng ta có làm đâu? Thứ hai nữa, luân chuyển cũng có từ lâu rồi. Một ông Nguyễn Công Trứ quê ở Hà Tĩnh nhưng có lúc ông ở Huế, có lúc lên Cao Bằng thậm chí vào tận Kiên Giang, An giang rồi ra Thái Bình ra Ninh Bình; lúc đi khai hoang lúc đi cầm quân… làm đủ mọi thứ. Điều này giúp cho các quan có điều kiện học hỏi và thể hiện năng lực đa dạng của mình.  Tất nhiên chúng ta không so sánh năng lực của công chức ngày trước với bây giờ nhưng quan niệm dùng người rõ ràng có những điều cần phải học”- nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Related Posts: