
Để chủ động đối phó với các tình huống biến đổi thời tiết xảy ra, nhất là rét đậm, rét hại gây hại, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố chủ động sớm phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, theo dõi sát diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến chính quyền và Nhân dân, chủ động triển khai các biện pháp an toàn cho người, cây trồng và vật nuôi, đặc biệt là đối với các địa phương có khả năng nhiệt độ xuống thấp.
UBND các huyện, thành phố rà soát, cập nhật tổng hợp các đối tượng có nguy cơ ảnh hưởng của rét đậm, rét hại và báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở NN&PTNT (trước ngày 31/12/2021); tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh, hạn chế hoạt động ngoài trời lạnh, không dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người; căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng, chống đói, rét; triển khai phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt trong tình huống cần thiết để đảm bảo an toàn; hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản; tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh...
Đối với đàn vật nuôi, cần vận động người dân thu gom phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân, lá cây ngô, ngọn lá mía, dây khoai lang, lá sắn, cây lạc… làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò; hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp xử lý, chế biến để dự trữ và nâng cao giá trị dinh dưỡng của thức ăn; tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức khỏe cho đàn vật nuôi, tuyên truyền người chăn nuôi gia cố, tu sửa, che chắn chuồng trại đảm bảo giữ ấm cho đàn vật nuôi trong mùa đông. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin định kỳ, vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nơi tập trung mua bán động vật và sản phẩm động vật, những nơi có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh... nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế lây lan dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất.
Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại xảy ra, sử dụng bạt, bao tải, nilon... để che chắn chuồng nuôi, giữ nền chuồng sạch và khô để tránh trâu, bò bị cước chân. Khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C phải đưa trâu, bò vào nơi nuôi nhốt để kiểm soát và chăm sóc; ngoài thức ăn thô cần bổ sung thêm thức ăn tinh như cám ngô, sắn, cám gạo; dùng chăn cũ, bao tải đay quấn quanh cơ thể gia súc để giữ ấm; sử dụng củi, trấu để đốt nhằm sưởi ấm cho gia súc.
Thủy sản chưa đủ kích cỡ thu hoạch cần nuôi lưu qua đông, duy trì mực nước ao nuôi độ sâu trên 1,5m, chủ động nguồn nước vào; nếu nhiệt độ xuống dưới 15 độ C thì ngừng cho cá ăn; trong suốt thời gian trú đông, không dùng lưới đánh bắt gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cá và có thể dẫn đến cá bị nhiễm bệnh và chết. Thả bèo 1/2 đến 1/3 diện tích ao về phía Bắc để chắn gió, hoặc dùng tre làm giàn có bạt, nilon, lá cọ... che phủ để tránh gió lùa, tăng khả năng giữ nhiệt; dưới đáy ao sử dụng các sọt rơm, rạ đã được tưới vôi và phơi khô để làm chỗ trú đông cho cá khi trời rét đậm, rét hại.
Các địa phương cần tổng hợp kịp thời tình hình thiệt hại do rét đậm, rét hại, dịch bệnh của cây trồng, vật nuôi để có biện pháp chỉ đạo kịp thời; chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ thiệt hại sản xuất cho các hộ bị thiệt hại. Các cơ quan truyền thông tăng cường thời lượng phát sóng, thông tin về diễn biến thời tiết; tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật về phòng, chống rét cho cây trồng; phòng, chống đói, rét, thiên tai, dịch bệnh trên đàn vật nuôi