
Số ca tử vong liên tục giảm
Tháng 8/2021, số ca tử vong vì mắc Covid-19 tại Việt Nam ở mức cao, trung bình 300-400 ca/ngày. Đỉnh điểm vào ngày 31/8, toàn quốc ghi nhận tới hơn 800 ca tử vong. Cùng thời điểm này thì số ca nhiễm trong cộng đồng cũng tăng cao
Để giảm số ca tử vong nhiều biện pháp được ngành y tế đưa ra như tăng cường điều quân chi viện, lập thêm các bệnh viện hồi sức, điều trị bệnh nhân Covid-19 ngay từ ban đầu…
Nhờ đó, sang tháng 9, số ca tử vong tại các địa phương giảm dần, xuống mốc trung bình 200-300 ca/ngày. 10 ngày qua, số ca tử vong liên tục giảm xuống dưới mốc 200.
Lý giải nguyên nhân số ca tử vong do Covid-19 trên cả nước và tại TP HCM giảm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, có nhiều yếu tố then chốt quyết định tới tới việc giảm tỷ lệ tử vong trong thời gian gần đây.
Thứ nhất, là nhờ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xác định: "xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ", "chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của toàn dân", các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội rất tốt với nhiều biện pháp quyết liệt.
Thứ 2, là chiến dịch xét nghiệm diện rộng đã được thực hiện rất nhanh chóng, kịp thời trong từng thời kỳ, đúng trọng tâm, trọng điểm, cố gắng xét nghiệm phát hiện các trường hợp F0 đi trước sự lây lan của virus.
Ngành y tế đã xây dựng mô hình điều trị 3 tầng hiệu quả - Ảnh Huy Hậu.
"Với vùng đỏ, vùng cam, chúng ta xét nghiệm 48 giờ/lần và vùng xanh, vùng vàng có thể xét nghiệm mẫu đơn, gộp, phát hiện các trường hợp F0 trong cộng đồng rất cần thiết. Đây là mấu chốt tạo nên tỷ lệ tử vong giảm tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh, thành phố phía nam trong thời gian qua", Thứ trưởng nói.
Ông Sơn nhấn mạnh thêm nhờ có các biện pháp xét nghiệm, các địa phương đã phát hiện sớm F0, tổ chức chăm sóc y tế, tổ chức gói an sinh xã hội, gói thuốc cho người bệnh tự theo dõi, điều trị tại nhà.
Về điều trị, ngành y tế đã xây dựng mô hình điều trị 3 tầng hiệu quả, có sự liên kết với nhau bao gồm: các bệnh viện hồi sức tích cực ở tầng 3, các bệnh viện dã chiến ở tầng 2, các đơn vị thu dung tại tầng 1.
Quản lý F0 cách ly tại nhà và tại khu cách ly một cách bài bản
ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho hay, số ca tử vong tại TP HCM là do nhiều yếu tố, trong đó có hệ thống y tế tại các Trung tâm Hồi sức COVID-19 chỉ tập trung cứu chữa cho các ca nặng. Bác sĩ tuyến trên hỗ trợ hết sức cho các bệnh viện tuyến dưới qua các hội chẩn chuyên môn, đánh giá tình hình bệnh nhân.
Các ca nặng được chuyển viện phù hợp trong hoàn cảnh có những thời điểm, ca bệnh phát sinh quá nhiều và tất cả các bệnh viện đều bị quá tải.
Bên cạnh đó, việc quản lý F0 tại nhà và tại khu cách ly đều được chăm sóc, theo dõi, phát các gói thuốc điều trị cho các F0 mới phát hiện; kịp thời ghi nhận những chuyển biến căng thẳng nhất và đưa các ca chuyển nặng đi điều trị kịp thời.
Một trong những đổi mới trong công tác điều trị đợt dịch thứ tư là đã triển khai mô hình trạm y tế lưu động, quản lý F0 cách ly tại nhà và tại khu cách ly một cách bài bản, giúp chăm sóc, theo dõi, phát các gói thuốc điều trị cho các F0 mới phát hiện; kịp thời phát hiện những chuyển biến nặng của người bệnh để đưa đi điều trị kịp thời.
Mô hình trạm y tế lưu động được triển khai - Ảnh Huy Hậu.
Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, trong một thời gian ngắn đã bao phủ được một lượng lớn những người đã được tiêm vaccine mũi 1, có tác dụng bảo vệ người dân rất tốt. Khi đã tiêm được 1 mũi, nếu có bị nhiễm SARS-CoV-2 thì số bệnh nhân chuyển nặng cũng đã ít đi rất nhiều.
Phát hiện sớm bệnh nhân chuyển nặng để cứu bệnh nhân
BS Vũ Văn Thành, Phó Giám đốc trung tâm Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc bệnh viện Phổi Trung ương tại bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) cho hay: "Chúng tôi cũng thường xuyên gắn kết giữa các tầng nhằm phát hiện sớm, điều trị đúng và chuyển tuyến kịp thời những trường hợp chuyển biến nặng. Đó là "cơ hội vàng" để cứu bệnh nhân.
Dù chúng ta có nhiều kỹ thuật tiên tiến như nhân lực đủ, thuốc tốt nhưng nếu bệnh nhân chuyển biến nặng, hoặc quá nặng nhưng không cấp cứu kịp thời thì cơ hội sống của bệnh nhân sẽ giảm đi. Do đó, phòng vệ từ xa là quan trọng trong phát hiện, điều trị người bệnh Covid-19", BS Thành nói.
Theo các chuyên gia, để giảm bệnh nhân nặng và tử vong nhanh chóng, các bác sĩ nhấn mạnh việc cần theo dõi sát trong 5 ngày đầu nhiễm bệnh. Riêng đối tượng nguy cơ cao như có bệnh nền đái tháo đường, suy tim, phổi, đặc biệt thừa cân, béo phì, nguy cơ tử vong cao nên cần đặc biệt theo dõi sát sao.
Các bước chẩn đoán, xử trí cơn bão cytokine cũng được các bác sĩ hướng dẫn cụ thể để bác sĩ tuyến dưới có thể tiên lượng sớm tình trạng nặng và chuyển tuyến nhanh chóng.