
dịch bệnh kéo dài gần 3 tháng tại Sài Gòn đã khiến không ít người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những khách nước ngoài bị "mắc kẹt". Dẫu vậy, trong những ngày qua họ vẫn nhận được tình thương của người Việt Nam, thông qua hộp cơm, chai nước thiện nguyện.
Theo VnExpress, từ những ngày đầu tiên thành phố giãn cách, các thành viên của một nhóm tình nguyện đã thực hiện dự án tặng bánh, tiền cho người ngoại quốc không thể về nước.
Nhóm này gồm nhiều bạn trẻ, có khoảng 65 thành viên và mỗi người sẽ đảm nhận một nhiệm vụ riêng như hỗ trợ oxy cho F0, nấu cơm 0 đồng hoặc đi phát cơm miễn phí. Mỗi ngày, nhóm thiện nguyện sẽ kêu gọi hỗ trợ, thực hiện hơn 1.000 suất cơm. Bên cạnh đó, họ còn nỗ lực xin thêm rau củ quả, lương thực, mắm muối, gạo mì,...để vận chuyển tới khu cách ly, địa bàn phong tỏa và dành tặng cho những gia đình khó khăn trong mùa dịch.
Người nước ngoài có văn hóa ẩm thực khác người Việt nên nhóm thiện nguyện thường phát quà bao gồm bánh mì, xúc xích, sữa hoặc nước ngọt. Sau đó, họ chạy dọc các đường tập trung nhiều người ngoại quốc như Nguyễn Huệ, phố Tây Bùi viện,...để tặng. Thông thường, những người ngoại quốc vô gia cư ngồi tại khu vực nhà chờ xe bus, công viên,...để trú mưa hoặc ngủ qua đêm.
Nhiều khách nước ngoài phải ở tạm tại các bến xe bus. (Ảnh: VnExpress)
Nhận được phần quà từ những bạn trẻ Việt Nam, ông David (quốc tịch Anh, 52 tuổi) - giáo viên tiếng Anh vô cùng cảm động. Chia sẻ với VnExpress, ông cho biết đã sống ở Việt Nam 5 năm nhưng hơn 3 tháng qua, dịch bùng phát nên thất nghiệp. Gần một tuần qua, ông phải ở trạm xe bus và lang thang khắp quận 1, thậm chí có khi phải nhịn đói tới 2 ngày. Chia sẻ thêm, ông xúc động nói: "Bữa giờ được tặng đồ ăn tôi cảm kích lắm, cảm ơn người Việt Nam rất nhiều".
Một số người mang quốc tịch Hàn Quốc hay Estonia cũng nhận được quà từ đội thiện nguyện, hầu hết ai cũng cảm động vì hành động giàu lòng nhân ái này.
Anh Tây vô gia cư được người Việt hỗ trợ công việc. (Ảnh: Dân Trí)
Trong đầu tháng 8, theo Tuổi Trẻ, UBND TP.HCM cũng hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19 cho một số người nước ngoài sống và làm việc trên địa bàn. Theo đó, riêng quận 7 đã tổ chức 4 điểm tiêm, giúp đỡ 18.000 người nước ngoài. Các loại vắc xin sử dụng cho đợt tiêm là AstraZeneca hoặc Moderna tùy tình trạng sức khỏe của người đến tiêm theo chỉ định của bác sĩ.
Chia sẻ về việc được UBND thành phố ưu tiên tiêm vắc xin, ông Cho Eui Kwon (67 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) nói: "Cảm giác bây giờ của tôi rất an tâm khi được tiêm vắc xin Moderna - loại ít phản ứng cho người lớn tuổi. Tôi rất cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đến chúng tôi, đất nước các bạn thật chu đáo".
Một người nước ngoài được kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm vắc xin. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Liên quan đến vấn đề người Việt giúp đỡ khách nước ngoài, trước đó đã có rất nhiều câu chuyện diễn ra khiến dân mạng xúc động. Như vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi "hành trình chữa lành đôi chân của ông Tây".
Cụ thể, một giáo viên tiếng Anh - Bruce Bramer (53 tuổi) quê ở Bắc Phi bị thương ở chân sau sự cố nên không thể đi lại. Sau khi bị ngã, ông đã bò ra ngoài sân để nhờ mọi người hỗ trợ. Do cơ thể của Bruce khá nặng nên mọi người sắp xếp cho ông nằm ở sân, dưới hiên nhà và tiếp tế thêm một số đồ dùng, bánh kẹo.
Ngay sau khi nghe được câu chuyện của ông, một số mạnh thường quân đã ủy thác YouTuber T.S.G hỗ trợ hơn 5 triệu đồng. Nam YouTuber đã có mặt, nhờ hàng xóm đưa ông lên taxi và chuyển tới bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.
Ông Bruce được mọi người giúp đỡ, đưa đi bệnh viện. (Ảnh: Chụp màn hình)
Được biết, Bruce đã tới Việt Nam được 4 năm, do dịch bùng phát nên không thể về nước và phải dùng toàn bộ tiền tiết kiệm để duy trì cuộc sống. Đoạn clip được mọi người quan tâm cũng quay từ trước ngày 25/7, khi thành phố chưa siết chặt phương án giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Vào tháng 9/2020, dân mạng cũng từng xôn xao về câu chuyện một kỹ sư địa chất người Nga "mắc kẹt" ở Phan Thiết (Bình Thuận) và nhận được sự giúp đỡ của ngư dân nơi đây. Cụ thể, theo báo Vietnamnet, ông Andrey Anatolevich (Quốc tịch Nga) từng đến Việt Nam du lịch vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, tới đầu năm 2020, khi chuẩn bị về nước thì dịch bùng phát, ông "mắc kẹt" lại Việt Nam.
Ông Andrey chụp hình cùng "ân nhân". (Ảnh: Báo )
Thời gian này, ông Andrey bị ngã xe trong một lần tham quan khu vực biển Hàm Tiến. Thương vị khách Tây không có nơi nương tựa, bà con khu vực này đã quyên góp tiền, giúp ông vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, một cặp vợ chồng còn hỗ trợ ông chiếc lán nhỏ, dạy cách bắt cá sống qua ngày.
Người Việt Nam có tính hào sảng, thương người và luôn giúp ai khó khăn vượt qua cơn hoạn nạn mà không phân biệt giàu nghèo hay quốc tịch. Mong rằng với hình ảnh đẹp này, câu chuyện về lòng nhân ái sẽ được viết thêm nhiều phiên bản tuyệt vời hơn nữa.