
Những phụ huynh mà đến giờ vẫn chưa biết "ở nhà giãn cách" là gì...
Câu chuyện ở nhà giãn cách đã trở thành một vấn đề không của riêng ai vào thời điểm cả nước đều đang chung tay phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên mỗi một gia đình vẫn có những câu chuyện hoàn toàn khác nhau mà đôi lúc nó bỗng vô cùng... khó cho ai biết. "Vì nói ra hàng xóm kỳ thị, bà con xa lánh. Có khi người ta còn báo chính quyền xuống cũng nên..."
Nghe qua chắc bạn tưởng người ta lại nói quá.
Xem Video: Những ngày giãn cách ở Đà Nẵng- Bạn trẻ lập team tiếp tế lương thực mỗi nhà một ít cùng vượt qua đại dịch
Nhưng thực chất đây là một vấn đề vô cùng nan giải ở thời điểm hiện tại, nó gây ra không biết bao nhiêu áp lực cho những gia đình khi có phụ huynh lớn tuổi mắc "tính-dửng-dưng-với-Covid". Điển hình như trường hợp của gia đình chị N.T.Phương ngụ tại TP.HCM (tên nhân vật đã được thay đổi).
"Bố chồng mình sẵn sàng mắng hết đám con cháu trong nhà hễ có ai dám bảo "ra đường là có nguy cơ nhiễm Covid!".
Chị Phương cho biết, bố chồng chị trước kia là một Trưởng phòng kinh doanh của một công ty chuyên sản xuất giày dép khá lớn. Sau khi đến tuổi về hưu, bố gần như chỉ ở nhà làm các công việc vặt, thời gian còn lại sẽ đi đánh cờ, hội họp với các ông bạn già trong hẻm và tập thể dục dưỡng sinh trong công viên 2 buổi sáng, chiều.
Tuy nhiên vào đợt dịch Covid đầu tiên xảy ra vào năm 2020, bố chồng của chị Phương đã nhiều lần ý kiến rằng "bệnh này chẳng nguy hiểm lắm đâu, người ta cứ làm quá lên thôi rồi từ từ cũng có thuốc trị". Thoạt đầu chị Phương cho rằng có thể bố nói thế để vợ chồng chị bớt hoang mang, thay vào đó suy nghĩ tích cực hơn tránh xao lãng công việc. Nhưng rồi dần dần chị phát hiện "suy nghĩ ấy của bố chồng là biểu hiện cho một chuyện vô cùng... nguy hiểm về sau".
"Trong khi mọi người đã phải ở nhà giãn cách 3 lần, mỗi lần kéo dài vài tuần thì đến nay bố chồng chị chưa bao giờ ở yên trong nhà quá 2 ngày. Lúc thì ông bảo muốn sang nhà bác hàng xóm xem đá banh, khi thì đòi ra công viên tập thể dục. Vợ chồng mình lên tiếng từ thuyết phục đến năn nỉ bố ở nhà, người ta cấm không cho ra đường khi không có lý do chính đáng thì bố vẫn dửng dưng xem như đó là chuyện "cảm, ho, sổ mũi".
Trong khi nhiều tháng nay công việc kinh doanh của gia đình hoàn toàn là số 0. Công ty của chồng mình cũng phải tạm ngưng ở nhà, chi phí sinh hoạt mọi thứ đều được dùng từ tiền tiết kiệm ít ỏi. Chưa kể khu nhà mình cách đây vài tháng đã có ca F0, cuộc sống mọi người gần như đảo lộn.
Trước đó trong xóm của chị Phương đã có một trường hợp bị dương tính nhưng bố chị Phương vẫn xem Covid là một chuyện gì đó rất xa xôi.
Cách nhà tầm 1km còn là cái bệnh viện lớn của quận, xe cứu thương chạy ra chạy vào liên tục mình là người trẻ đây mà còn thấy sợ, thấy lo. Trong khi bố là người lớn tuổi, cũng có sự hiểu biết với vị trí công việc cao thế mà chỉ vì không chịu được việc phải ở nhà nên nói ngang, làm liều, bất chấp cả sức khỏe của bản thân lẫn con cháu.
Không riêng gì chị Phương, gia đình anh B.Q.Minh (TP.HCM) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Anh kể: "Để được ra khỏi nhà, ba mình còn bảo là đi khám bệnh, nhưng thực chất có khám đâu. Về hỏi sổ bệnh viện kết quả như nào thì mới lòi ra là sang nhà ông bạn ăn đám giỗ...
Ơi là trời còn gì để mà nói nữa không!?"
Bỏ 2 triệu sắm luôn 10 bộ test Covid tại nhà vì nỗi sợ... "ở suốt trong mà có khi mở mắt ra là dính Covid"
Biết tính bố chồng không thể chỉ có nói mà giải quyết được vấn đề nên chị Phương lúc đầu dùng thêm "chiêu", nào là cho bố xem nhiều về các trường hợp nhiễm bệnh và không qua khỏi làm gia đình lâm vào cảnh khốn khó, ly tán, hay "dọa" bố một chút về số lượng người là F0, F1 ở trong xóm để bố nghe mà "ngán" đồng ý ở trong nhà.
"Xui" thay cách nào cũng không hiệu quả. "Được 1, 2 ngày nằm yên trong nhà rồi bố cũng lẳng lặng xách nón xuống nhà lái xe đi dạo... "
"Không lẽ bây giờ mình canh bố đi rồi thay luôn ổ khóa?" - chị Phương vì quá tức giận nên từng buột miệng thốt ra điều này với chồng và bị anh phản đối. Nhưng anh cũng không giận gì chị vì anh thừa biết hiện tại ở nhà ngoài 2 vợ chồng còn có 3 đứa con nhỏ nên người lớn mà nhiễm bệnh thì các con chắc chắn cũng không thể tránh khỏi.
Chính vì vậy chị Phương đành tự tìm cách "phòng tránh", "để nếu có bị nhiễm thì mình cũng phát hiện thật sớm bằng cách mua thêm lọ Vitamin C, các loại thuốc cơ bản cần có trong gia đình và quan trọng nhất là bỏ ra vài triệu đồng để mua 10 bộ test Covid dự trữ cứ cách 3 - 4 ngày là dùng 1 lần. Hết 10 bộ thì mua tiếp 10 bộ khác" - chị nói.
Chị Phương mua hẳn 10 bộ test để dành dự trữ trong nhà vì bố chồng thường xuyên ra khỏi nhà.
Trước khi dọn về nhà mẹ, chị Phương đã kéo hết các thành viên trong gia đình ra để kiểm tra và rất may là mọi người đều âm tính.
"Chị lo đến mức nằm mơ thấy 3 đứa con nhiễm bệnh là chuyện xảy ra thường xuyên. Ở chung nhà nhưng lúc nào cũng bảo tụi nhỏ đừng có lại gần ông nội, ăn cơm cũng phải kiếm cớ để bố ăn trước rồi tụi nhỏ ăn riêng trong phòng. Vậy đó mà hôm trước bố chồng chị còn bảo chứ "đứa nào bệnh thì tao chữa" làm mình tức đến mức soạn quần áo mang 3 đứa con về nhà ở tạm.
Mình nghĩ chuyện con cái lo cho bố mẹ vào thời điểm này là chuyện vô cùng bình thường. Vì chính các ông các bà lớn tuổi nếu có nhiễm bệnh thì họ là người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Thế mà không hiểu sao bố mình lại như thế, thậm chí còn chẳng chịu nghĩ đến sức khỏe bản thân lẫn cho con cháu...
Chồng mình bảo có thể do bố về hưu, không có gì làm suốt ngày đều tìm niềm vui ở những người hàng xóm. Bây giờ lại bắt bố ở suốt trong nhà dễ làm bố buồn, bức bối mà người già thì lại càng khó thích ứng với cái mới nên phải thông cảm cho bố. Nhưng mình cũng đã tìm đủ mọi cách để bố thông cảm mà vẫn cảm thấy không yên vì mình thì có thể không sao nhưng 3 đứa nhỏ là không thể chịu được".
* Câu chuyện với góc nhìn và quan điểm của riêng nhân vật.