6/7/21

Sơn La chủ động phòng, chống lũ quét và sạt lở đất

Cũng như các tỉnh miền núi nói chung, tỉnh Sơn La có đặc thù địa hình phức tạp chia cắt mạnh bởi những thung lũng, sông, suối, khe rạch có độ dốc lớn. Những năm gần đây, mưa lớn, lũ quét, sạt lở xảy ra ngày càng khốc liệt, bất thường, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi tỉnh cần đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống, nhất là sắp xếp, di dời, ổn định đời sống nhân dân trước và sau thiên tai.
Sơn La chủ động phòng, chống lũ quét và sạt lở đất
Trận mưa cuối tháng 6 làm tuyến tỉnh lộ 109 đoạn qua huyện Mường La bị sạt lở, gây ách tắc giao thông.

Thiên tai ngày càng khốc liệt

Sơn La có tổng diện tích đất tự nhiên 1.410.983 ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp 409.321 ha, đất lâm nghiệp 642.750 ha. Là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp chia cắt mạnh bởi thung lũng, sông, suối, khe rạch có độ dốc cao, vào mùa mưa lũ, lượng mưa và dòng chảy chiếm khoảng 80% tổng lượng nước cả năm, gây xói mòn, rửa trôi mạnh. Tỉnh có hai hệ thống sông chính là sông Đà và sông Mã, với mạng lưới sông suối dày có mật độ trung bình 1,8 km/km2 đất tự nhiên và nhiều thung lũng hẹp, hiểm trở.

Những năm gần đây lũ quét, sạt lở xảy ra cực đoan, bất thường ở hầu hết các lưu vực lớn nhỏ, thung lũng mỗi khi mưa lớn. Lũ quét, trượt lở đất đá cuốn trôi, vùi lấp, sạt lở khu dân cư, nhiều diện tích đất canh tác, phá hỏng hệ thống công trình giao thông, thủy lợi.

Do tập quán và điều kiện sinh sống của đồng bào các dân tộc ở tỉnh miền núi, mỗi cộng đồng dân cư sinh sống gần nguồn nước, ven bờ sông, suối, ở vùng thung lũng hay trên các sườn núi cao làm nương rẫy... là những nơi có nguy cơ và tần suất cao xảy ra lũ quét, sạt lở.

Lũ quét, sạt lở là loại hình thiên tai phức tạp, bất ngờ, bất thường, khó dự báo và phòng ngừa, phòng tránh, trong khi đó nhân dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng cao còn nhiều khó khăn, yếu và thiếu về kiến thức, kỹ năng, thông tin dự báo. Nhiều cộng đồng và nơi ở của người dân từ bao đời nay sinh sống an toàn, ổn định hiện nay đã không còn an toàn và nằm trong vùng nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở.

Năng lực dự báo, cảnh báo, thông tin phục vụ cộng đồng và người dân chưa đáp ứng được thực tế. Ứng phó với lũ quét, sạt lở ở tỉnh miền núi đòi hỏi các phương tiện, thiết bị cứu hộ, cứu nạn mang tính đặc thù, bảo đảm phù hợp đặc điểm, điều kiện địa hình phức tạp. Chưa kể đến trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, khai thác tài nguyên phá vỡ cân bằng sinh thái, thảm phủ thực vật suy giảm là nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở, ngập lụt ngày càng cao. Công trình cơ sở hạ tầng manh mún nhỏ lẻ, còn nhiều công trình tạm, hoặc đầu tư tạm thời; năng lực phòng, chống, chế ngự thiên tai thấp.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra thiên tai lũ quét và sạt lở đất rất khốc liệt, gây thiệt hại ước tính 5.142,5 tỷ đồng.

Sắp xếp ổn định dân cư và chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Công tác PCTT luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Các ngành chức năng nỗ lực, kịp thời triển khai các giải pháp kỹ thuật khôi phục nhà ở, công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng và sản xuất cho nhân dân. Tổ chức tiếp nhận các khoản ủng hộ, hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân chuyển trao tới người dân bị thiệt hại bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh huy động 1.139,2 tỷ đồng khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Công tác sắp xếp ổn định dân cư, khắc phục cơ sở hạ tầng, khắc phục hậu quả thiên tai được sự quan tâm sát sao, kịp thời, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng toàn thể hệ thống chính trị. Tỉnh huy động kịp thời các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kịp thời đầu tư, bố trí các nguồn vốn xây dựng các điểm tái định cư, sơ tán, di chuyển dân bảo đảm nhanh chóng ổn định đời sống, sinh hoạt nhân dân vùng thiên tai.

 Khắc phục, sửa chữa các tuyến đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, thông tin liên lạc, viễn thông... cho nhân dân vùng lũ; kịp thời hỗ trợ khai hoang mới để khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định sinh kế cho nhân dân tái định cư sau thiên tai. Tuy nhiên, do là tỉnh miền núi, có địa hình phức tạp, hiểm trở; quỹ đất, nguồn nước hạn hẹp cho nên việc bố trí mặt bằng xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi và sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; nơi tái định cư vẫn còn nhiều nguy cơ chịu ảnh hưởng lũ ống, lũ quét, sạt lở; suất đầu tư xây dựng các hạng mục công trình lớn.

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La chịu tác động của thiên tai trên cả bốn mùa trong năm với các loại hình thiên tai như: Mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, ngập lụt, nắng nóng, hạn hán, rét hại, sương muối, lốc, sét, mưa đá... đã làm giảm năng suất, sản lượng, mất trắng nhiều diện tích cây trồng, diện tích nuôi trồng thủy sản. Hằng năm, các công trình thủy lợi thường xuyên bị ảnh hưởng mưa lũ tàn phá, hư hỏng, giảm năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra với ngành nông nghiệp Sơn La là cần có chiến lược phát triển bền vững như bảo vệ môi trường sinh thái, cơ cấu giống, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi phù hợp; quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích nghi từng vùng miền, phòng tránh thiên tai hiệu quả, bền vững.


ĐỂ hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, tỉnh Sơn La đã đề ra các giải pháp cụ thể như: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục Pháp Luật, nâng cao nhận thức, ý thức, kiến thức PCTT đến mọi tầng lớp nhân dân; đề cao ý thức trong phòng ngừa, né tránh, chủ động ứng phó thiên tai. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo sớm, bổ sung các trạm đo mưa đầu nguồn các lưu vực, các thiết bị thông tin, truyền tin kịp thời đến nơi ở, sinh hoạt và sản xuất của cộng đồng và người dân.

 Củng cố và phát triển các đội xung kích PCTT ở cơ sở, nâng cao năng lực cứu nạn, cứu hộ. Đối với nhóm giải pháp công trình, tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống công trình PCTT: Đầu tư xây dựng các công trình phòng tránh, chế ngự lũ quét, sạt lở đất, đẩy mạnh công tác trồng rừng và bảo vệ rừng, nâng cao độ che phủ, thảm phủ thực vật để hạn chế tình trạng sạt lở đất khi có lũ lớn xảy ra.

Nguồn Tin:

Adblock test (Why?)

Related Posts: