29/5/21

Vì sao dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh khó dập?

Dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát do đa ổ dịch, đa hình thái lây nhiễm và đa biến chủng, trong đó có biến chủng lai hoàn toàn mới lây rất nhanh.
Vì sao dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh khó dập?
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm công nhân KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang, ngày 15/5. Ảnh: Giang Huy.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19, sáng 29/5.

Theo Bộ trưởng, đặc điểm dịch tễ đợt dịch này ở Bắc Giang, Bắc Ninh có nhiều khác biệt. Thứ nhất là đa ổ dịch. Cùng một thời điểm, xuất hiện rất nhiều ổ dịch ở các tỉnh, thành phố khác nhau. Đến ngày 29/5, Bắc Giang có 9 ổ dịch, ở 5 khu công nghiệp, 4 trong cộng đồng. Bắc Ninh ghi nhận ổ dịch ở tất cả 8 huyện, thị xã và thành phố, trong các cụm, khu công nghiệp. TP HCM xuất hiện ba chuỗi chưa xác định được nguồn lây, diễn ra ở 16 quận, huyện...

Đợt dịch này còn đa hình thái lây nhiễm. Trong đó nổi trội nhất là lây nhiễm trong khu công nghiệp, sau đó lây lan nhanh ra cộng đồng, nhất là các khu đông công nhân lưu trú, và ngược lại.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến dịch bùng mạnh, khó kiểm soát là đa chủng virus, ông Long nhận định. Qua giải trình gene cho thấy có hai biến chủng phổ biến đang lưu hành tại Việt Nam, gồm Ấn Độ và Anh. Chủng Ấn Độ phổ biến nhất, ở Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM, Hà Nội... Chủng Anh xuất hiện tại Đà Nẵng và một số địa phương khác. Đặc biệt, Bộ Y tế phát hiện một chủng mới hoàn toàn, lai giữa hai biến chủng trên.

Chủng lai tạo này tốc độ lây nhiễm rất nhanh, phát tán rộng và mạnh trong không khí, nhất là môi trường thông khí kém như nhà máy, công xưởng. Khi được nuôi cấy trong môi trường thí nghiệm và thực tế, chỉ trong hai ngày đã đạt nồng độ virus cao trong dịch hầu họng. Chỉ cần một đến hai ngày đã có một vòng lặp lây nhiễm mới, theo cấp số nhân.

Thêm nữa, biến chủng này có dấu hiệu khiến bệnh tăng nặng. Ngành y tế cố gắng cứu chữa hết sức nhưng vẫn có 12 bệnh nhân t‌ử von‌g, 28 ca chuyển biến rất nặng.

Bắc Giang đang là địa phương ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục, 1.881 ca trong 22 ngày. Những ngày gần đây, số ca mắc mới tăng liên tục, từ 100-300 mỗi ngày, hầu hết trong khu cách ly. Việc gia tăng nhanh số ca gây khó khăn trong việc tổ chức cách ly, truy vết, thực hiện các biện pháp nhằm cắt đứt nguồn lây trong thời gian ngắn.

Bắc Ninh đã ghi nhận 736 ca nhiễm, gần đây mỗi ngày ghi nhận thêm 50-100 ca. Ông Long cho biết, Bắc Ninh có nhiều chuỗi lây nhiễm khác nhau, không rõ mối liên hệ nên chưa thể xác định được nguồn lây. Trong khi đó, xu hướng lây từ cộng đồng vào khu công nghiệp đang diễn tiến phức tạp hơn.

"Về cơ bản các địa phương đã kiểm soát được tình hình. Nhưng Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn rất đáng lo ngại, dù hai địa phương đã dồn hết sức nỗ lực phòng chống dịch", Bộ trưởng Long nói.

Ông nêu 4 yếu tố nguy cơ làm tăng số ca nhiễm trong khu, cụm công nghiệp. Trong đó, mật độ công nhân rất đông; không gian làm việc hẹp, khép kín, thông khí kém; công nhân dùng chung nhà vệ sinh; ăn uống chung tại các nhà ăn tập thể. Ngoài ra, các công nhân còn đi chung xe, ở chung khu nhà trọ đông người, xen kẽ nhân sự giữa các công ty với nhau.

Theo báo cáo từ lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, đợt dịch này các F1 chuyển thành F0 rất nhanh, tỷ lệ khá cao (55 đến 79%). Riêng tại công ty Hosiden Bắc Giang, gần 1.000 người nhiễm trong số 4.800 công nhân. Bộ trưởng dự báo "thời gian tới cả hai điểm nóng này sẽ thêm nhiều ca nhiễm mới và ca bệnh nặng nữa", do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng.

Chính phủ và ngành y tế đã thực hiện mọi biện pháp, hỗ trợ hai điểm nóng dập dịch. Bộ Y tế đã tung tất cả các lực lượng mũi nhọn tới Bắc Ninh, Bắc Giang, thành lập hai sở chỉ huy tiền phương, huy động 1.500 nhân viên y tế, sinh viên y khoa hỗ trợ chống dịch. Lực lượng y tế có kinh nghiệm về chuyên khoa hồi sức cấp cứu cũng đã được điều động tới đây.

Bắc Giang đã chuẩn bị phương án 5.000 ca nhiễm, Bắc Ninh có 3.000 ca. Để giảm tải cho các cơ sở y tế địa phương, Bộ Y tế đã phân các ca bệnh thành các mức độ khác nhau, như cấp cứu, điều trị, theo dõi giám sát để có biện pháp xử trí phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các địa phương có dịch sàng lọc thường xuyên, lấy mẫu tầm soát trên diện rộng, bằng nhiều cách thức, trong đó test nhanh kháng nguyên với phương châm "thà nhầm còn hơn bỏ sót". Mỗi khu công nghiệp phải tầm soát cho tối thiểu 20% công nhân.

"Đợi dịch này khó khăn bằng cả ba đợt dịch trước cộng lại", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó thủ tướng cho hay, với các đợt dịch trước, truy vết nếu chậm một tuần vẫn còn có thể đuổi kịp tốc độ lây. Nhưng bây giờ, chậm một tuần muốn đuổi kịp phải tăng nhanh tốc độ truy vết gấp 10 lần. Thực tế, như Bắc Ninh, Bắc Giang và một số ổ dịch ở bệnh viện chúng ta đã chậm một tuần, vì nhiều người nhiễm không có triệu chứng.

"Nguyên lý vẫn là truy vết nhanh, khoanh vùng diện rộng để điều tra và thu hẹp dần, tiếp tục giãn cách linh hoạt", phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn Tin:

Adblock test (Why?)

Related Posts:

  • Xoài rất tốt cho sức khỏe nhưng đừng ăn quá nhiềuXoài đang vào mùa nên được nhiều người mua ăn, tuy xoài tốt cho sức khỏe nhưng cần hạn chế ăn quá nhiều, vì ăn quá nhiều xoài có thể rơi vào những trường hợp sau: ảnh minh họa Tăng cân Một trái xoài chín trung bình có khoản… Read More
  • Cô giáo đánh 16 học sinh vì không thuộc bài hátCô giáo dạy âm nhạc đã đánh tổng cộng 16 học sinh, mỗi em 20 roi chỉ vì các học sinh này không thuộc bài cũ. Trường tiểu học Võ Văn Mùi. Ảnh: Zing.vn UBND huyện Tân Trụ, tỉnh Long An cho biết cô giáo Lê Thị Thu Thảo, giáo v… Read More
  • Nghi án buồn gia đình người đàn ông tìm cái chếtNgười đàn ông nghi có chuyện buồn tử vong trong tư thế treo cổ tại chuồng nuôi gia súc của gia đình ở quận 12. Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ việc. Vụ việc vừa xảy ra tại con hẻm 25, khu phố 1, phường Hiệp T… Read More
  • Con trẻ phải điều trị tâm thần vì... áp lực thi cửBất ổn về sức khỏe thể chất, rối loạn lo âu về tâm lý..., không ít trẻ nhỏ phát bệnh xuất phát từ áp lực thi cử. Nhiều học sinh phải “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương“ vào mùa thi để chạy đua với áp lực điểm số (Ảnh minh họa) … Read More
  • Hà Nội lên kịch bản chống ngập tại 18 “điểm đen”Công ty Thoát nước Hà Nội dự kiến trong mùa mưa bão năm nay, trên địa bàn thành phố có 18 điểm ngập úng, tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Tô Lịch, sông Nhuệ… Mùa mưa năm nay, dự kiến trên địa bàn Hà Nội vẫn còn 18 “điểm đen… Read More