31/12/20

Hưng Yên: Bao giờ mới xử lý được tình trạng ô nhiễm môi trường?

Tình trạng ô nhiễm môi trường do tái chế rác thải đang dần trở nên trầm trọng trên địa bàn thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
Phế liệu chất từ đầu đường vào thôn Minh Khai.

Xem Video: Ô nhiễm môi trường vì những xưởng sản xuất nhôm trái phép

XEM VIDEO CLIP:
Loading...

Khi rẽ từ đường quốc lộ 5 vào thôn Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), điều đầu tiên PV nhận thấy là khói bụi, mùi khét lẹt bốc lên ngay từ cổng chào của thôn. Từ ngoài đường lớn, mùi khét nồng nặc cùng bụi hòa quyện vào với nhau làm người đi đường dù có đeo khẩu trang cũng ít nhiều cảm thấy choáng váng. Nhiều người cho rằng, đây là “đặc sản” của thủ phủ tái chế phế liệu.

Để đi sâu vào thôn Minh Khai thì phải đi qua một con đường lớn dài khoảng 1km với hai bên là nhà xưởng lợp bằng tôn. Phía trước của những nhà xưởng này là một vài quán nước, quán cơm bình dân cho người lao động, xen kẽ với hàng tấn rác được chất thành từng đống lớn chồng lên nhau. Dù con đường có chiều rộng khá lớn nhưng đường vào thôn rất khó đi bởi các núi rác xếp vương vãi, tràn ra mặt đường, gây mất mỹ quan, có nguy cơ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nếu các núi rác không may bị sạt lở xuống. Phần lớn trong số rác này là túi ni lông, nhựa tổng hợp, bao bì thức ăn gia súc…. Tiếng nghiền nhựa từ các nhà xưởng phát ra liên tục, kèm theo là tiếng động cơ xe tải tấp nập vào lấy rác.

Qua con đường nói trên để vào thôn Minh Khai, người dân phải đi qua một con kênh màu đen, bốc mùi xú uế, ngập tràn rác thải. Đến thôn Ngọc Quỳnh, theo quan sát của PV Diễn đàn Pháp Luật, rác chất từ cửa sau của các nhà xưởng, trong các bao tải, túi ni lông... nằm rải rác trên bờ rồi trôi thẳng xuống kênh. Điều đáng nói, toàn bộ số rác này có dấu hiệu chưa qua xử lý. Phần kênh đen nhất và có mùi nồng nặc nhất là đoạn nối thẳng từ thôn Minh Khai sang thôn Ngọc Quỳnh. 

Rác chất ở cửa sau nhà xưởng xuống đến bờ kênh tại địa phận thôn Ngọc Quỳnh.

Rác chất thành đống trên đoạn đường dọc kênh từ thôn Minh Khai sang thôn Như Quỳnh.

Trao đổi với PV Diễn đàn Pháp Luật, ông Nguyễn Hồng Vương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh xác nhận có tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa bàn thôn Minh Khai và thôn Ngọc Quỳnh, nhưng rác dọc kênh ở đây không phải do người dân xung quanh vứt ra mà nguyên nhân nằm ở việc ô nhiễm từ sông Bắc Hưng Hải.

“Hiện địa phương đang mắc kẹt ở chỗ này. Chúng tôi đã đưa kiến nghị đến Đại biểu Quốc hội trong buổi tiếp xúc cử tri. Ở đây, giờ không thể trồng cây cối được. Tình trạng này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm nghiệm và đánh giá tác động”, ông Vương nói thêm.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh, phần kênh bị ô nhiễm kéo dài từ thôn Minh Khai đến thôn Ngọc Quỳnh nằm trong giai đoạn 2 của dự án làng nghề được phê duyệt. Ngay cạnh đoạn kênh bị ô nhiễm này là mảnh đất trước đây một phần là bãi tha ma.

Đoạn kênh bị ô nhiễm nối giữa địa phận thôn Minh Khai và thôn Ngọc Quỳnh, giáp với phần đất trước đây một phần là bãi tha ma (phía bên phải), xung quanh là các cơ sở tái chế rác thải (Ảnh chụp từ Google Maps).

Trước ý kiến phản ánh về tình trạng ô nhiễm nguồn nước của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, tập trung rà soát các nguồn thải, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Pháp Luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có hoạt động xả thải ra lưu vực, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải, hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng đầu tư các công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo các thông số môi trường trong nước thải sau xử lý phải đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép trước khi thải ra môi trường.

Rác chiếm nửa chiều rộng đoạn kênh nối từ thôn Minh Khai sang thôn Ngọc Quỳnh.

Cũng theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, căn cứ kết quả quan trắc, phân tích mẫu nước sông Bắc Hưng Hải trong các năm 2016, 2017, 2018 và 2019 cho thấy, chất lượng nước sông Bắc Hưng Hải chưa có sự cải thiện đáng kể, nguyên nhân chủ yếu là do: Hệ thống Bắc Hưng Hải đã bị ô nhiễm từ nhiều năm qua, thông số ô nhiễm chủ yếu là các chỉ tiêu hóa sinh (COD, BOD5, NH4 + , PO4 3-, NO2 - , Coliforms,...), hàm lượng chất ô nhiễm gia tăng nhất là vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 12) do hệ thống sông Bắc Hưng Hải đóng để trữ nước phục vụ cho công tác thủy nông nên tình trạng nước bị ứ đọng, không có dòng chảy (thông số DO rất thấp, trung bình chỉ từ 1 – 3 mg/l); Sông Bắc Hưng Hải phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung, nước thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nước thải chăn nuôi, nước thải từ các làng nghề trên địa bàn, ngoài ra, con sông này còn phải tiếp nhận nguồn nước bị ô nhiễm từ các sông trong khu vực chảy vào (sông Cầu Bây thuộc thành phố Hà Nội, các nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên, kênh T2, sông Sặt và sông Cửu An của tỉnh Hải Dương,…) làm cho tình trạng ô nhiễm sông gia tăng thêm.

Nguyên nhân trong công tác quản lý đã được xác định là từ khâu quy hoạch (quy hoạch phân bố các nguồn gây ô nhiễm và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật thu gom và xử lý các nguồn ô nhiễm) đến tổ chức thực hiện. Công tác thống kê và kiểm soát các nguồn thải (bao gồm cả nguồn lực) còn rất nhiều hạn chế (cả từ cấp Trung ương đến địa phương). Vấn đề quản lý tổng hợp chất lượng nước lưu vực sông chưa được triển khai đồng bộ.

Diễn đàn Pháp Luật sẽ tiếp tục thông tin.

Let's block ads! (Why?)