
Xem Video: Người dân hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An
CCB Phạm Văn Sản (bên phải), thôn Vĩnh An, xã Song Mai hiến hơn 30m2
Đã hiến thì không tính thành tiền
Ông Trần Xuân Hùng, Chủ tịch Hội CCB xã Song Mai cho biết: Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã và các chi bộ về mở rộng đường giao thông, sau khi tổ chức họp Hội, 100% hội viên có diện tích đất ở, đất vườn, đồi, rừng đều nhất trí, đồng thuận hiến phần đất liên quan.
Đi qua các thôn Đồng Bùi, Nhân Lễ, Phương Đậu, Vĩnh An…đâu đâu cũng như đại công trường xây dựng. Xe ô tô chở vật liệu, xe múc đất, cần cẩu và những người thợ làm việc như con thoi, phấn đấu hoàn thành các tuyến đường trước Tết. Bên bức tường dài vừa xây lùi vào khoảng 1m, tôi trò chuyện với ông Phạm Văn Sản (SN 1953) ở thôn Vĩnh An -CCB miền Đông Nam Bộ.
Theo quan sát, mặc dù chỉ lùi vào 1m nhưng tổng chiều dài cả tuyến mà gia đình ông Sản hiến là 30,8m2. Dãy nhà bếp, nhà tắm, vệ sinh tự hoại, chuồng trại chăn nuôi xây dựng kiên cố sát đường vài năm trước nay được ông tự nguyện phá dỡ toàn bộ mà không yêu cầu xây trả lại. “Nhà mình gần đường thì mình hiến, hiến để đường được rộng thêm thì mình tiện nhiều chứ”- ông Sản cho biết.
Tôi hỏi, gia đình bác có vị trí đẹp thế này, đường thông ra các nơi, nếu tính ra tiền thì 30,8m2 đất trị giá bao nhiêu?. Ông Sản cười vang: “Đã hiến thì không tính gì đâu. Giá trị có là bao nhiêu thì cũng kệ thôi”. Được biết, mấy năm qua, khi nhiều tuyến đường, cây cầu được thông nối đến xã Song Mai thì giá đất ở đây tăng lên đáng kể. Nhiều gia đình hiến đất còn tự xây lại cổng, tường bao, công trình liên quan.
Đợt này, Hội CCB xã Song Mai có 50 hội viên ở 4 chi hội tình nguyện hiến tổng cộng gần 2.800m2 đất. Không chỉ hiến đất ở, các hội viên còn hiến cả đất rừng, đất ruộng để làm đường liên thôn và đường liên xã đến Quế Nham (Tân Yên); đường ra cánh đồng cũng được mở rộng.
Hộ ít nhất là 3m2 đất ở như bà Thân Thị Nghị ở thôn Vĩnh An; Nguyễn Văn Đạo, thôn Đồng Bùi 10m2. Đặc biệt, có nhiều hộ hội viên không chỉ hiến đất ở mà còn cả đất ao, rừng, ruộng như gia đình ông Đỗ Văn Thiệu, thôn Vĩnh An hiến 400m2 (200m2 đất vườn và 200m2 đất đồi); ông Trần Anh Hải, thôn Đồng Bùi 93m2 đất ở và 150m2 đất đồi; ông Nguyễn Văn Chinh thôn Đồng Bùi 300m2 đất đồi; bà Phạm Thị Thuận 136m2 đất đồi…
Bừng sáng làng quê
Trước kia đường bê tông nhỏ hẹp, rất ít ô tô đi vào sâu được trong làng vì xe không có chỗ quay đầu. Sau khi các hộ dân hiến đất, 100% tuyến đường đều mở rộng ít nhất là 4m, nhiều nơi 7m, có chỗ 8m. Hai xe 4 chỗ tránh nhau thoải mái. Đơn cử như ở thôn Đồng Bùi - những con đường bê tông tróc lở, vỡ vụn, ngoắt ngoéo rộng có 2,5m giờ được nâng cấp, mở rộng lên 6m thẳng tắp, láng xi măng mịn màng.
Một tuyến đường thôn Đồng Bùi vừa được mở rộng từ 2,5m lên 6m do CCB và người dân hiến đất.
CCB Nguyễn Tiến Dũng nói: “Vậy là lớp già chúng tôi ở làng qua đi để lại cho con cháu những con đường rộng mở như thế này, vui lắm”. Dẫn chúng tôi đi dọc tuyến đường với một bên là nhà dân, một bên là hồ nước mênh mông, trong vắt, những cây cột điện cũng vừa được dựng lên thay thế cho những cột điện cũ măng giắc chằng chịt như tơ nhện trước kia.
Ông bảo: “Sắp tới chúng tôi dự kiến đặt ghế đá, thêm những chậu hoa, cây cảnh. Ngồi đây mà ngắm sang bên kia hồ nước là những vườn cam bưởi trĩu quả có kém gì du lịch sinh thái đâu”. Không chỉ thôn Đồng Bùi, các thôn khác sau khi mở rộng đường đều chỉnh trang lại đường điện, lắp thêm hệ thống đèn chiếu sáng, camera an ninh phòng ngừa tội phạm, trồng hoa, cây xanh. Dự kiến sẽ có những con đường mang tên “CCB tự quản”.
Nhìn những con đường bê tông rộng rãi chạy qua nhà, qua cánh đồng nối với các thôn làng xung quanh, ai cũng cảm nhận được cuộc sống hôm nay sáng đẹp hơn hẳn. Có đường rộng đẹp không chỉ thuận lợi cho việc đi lại của bà con mà dịch vụ thương mại sẽ phát triển hơn; thế mạnh về nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, rau chất lượng cao của xã…sẽ được phát huy hơn nữa.