Không phải học nhiều, ăn lắm, ít vận động…, nhiều trẻ ở thành phố tăng cân ’không phanh’ khiến bố mẹ ’đau đầu’.
Nhiều trẻ tăng cân 'không phanh'
Con tăng cân không hãm được
Ngủ không cần ăn sáng, 3 con nhà chị Nga (Cầu Diễn, Hà Nội) chỉ dậy khi mẹ về trưa. Từ đấy cho đến lúc ngủ, chúng ăn liên tục từ bánh kẹo, đồ ăn vặt… Kết quả là cả ba đứa con của chị đều tăng cân.
Chỉ sau hai tuần nghỉ Tết, cô con gái lớn 16 tuổi tăng 0,5kg, cô con gái thứ hai 13 tuổi má phúng phính, không dám bước chân lên bàn cân, còn cậu út 5 tuổi cũng tăng 1kg.
“Ở nhà chúng nó nghĩ ra đủ thứ để ăn”, chị Nga kể lại. sợ các con ăn nhiều béo, nên chị đành kệ cho chúng ngủ nướng chỉ ăn hai bữa (trưa, tối). Thế nhưng trái với suy nghĩ của chị, chúng chỉ ngưng ăn lúc ngủ nhưng lại ăn bù vào lúc thức.
“Sau khi cho các con ăn trưa, tôi cũng phải quay lại cơ quan. Chiều nào về bếp cũng như bãi chiến trường. Hôm thì thấy chúng tự làm bánh ngọt, lúc lại thấy chúng làm pizza, mỳ trộn, phồng tôm rán, khoai chiên… Cứ thêm 1 tuần là con trai tôi thêm nửa kg đó”, chị Nga thốt lên.
Chung tình trạng với chị Nga, chị Hoài (kim Mã, Hà Nội) cũng đau đầu không kém. Chị có hai cô con gái, những ngày này cũng tăng cân một cách nhanh chóng. Ở nhà nhiều, ít vận động, lại được ăn nhiều, ăn ngon, cô con gái út đã tăng 2kg.
“Cô con gái đầu thì đã ý thức được béo là xấu nên cũng biết tiết chế. Còn cô con gái học lớp 1 thì vẫn chưa biết. Nói con rất nhiều nhưng tôi càng cấm, nó… càng đói. Càng đói càng thèm ăn. Không cho ăn bữa chính thì nó chuyển sang ăn vụng”, chị Hoài ái ngại cho biết.
Chưa kể, anh chị đi làm cả ngày, con ở nhà cả ngày với ông bà. Ông bà chiều nên cháu đòi gì là ông bà đáp ứng ngay. Rất nhiều lần chị góp ý, nhưng bà toàn gạt phắt đi bảo “nó còn bé, ít nữa dậy thì sẽ khác. Giờ phải ăn lấy sức để còn có đề kháng, chống dịch bệnh”.
Nên cho trẻ ăn đủ, đừng cho ăn quá
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng thừa cân là do trẻ ăn thừa đạm lại ít vận động.
Chia sẻ với phóng viên về giải pháp, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết bố mẹ cần có kiến thức để “cho trẻ ăn đủ nhu cầu, đừng cho trẻ ăn quá”.
“Bố mẹ vẫn phải chế biến các bữa ăn cân đối, đủ chất dinh dưỡng cho con. Cụ thể bữa ăn cần đảm bảo 4 nhóm thực phẩm: chất đạm (thịt, cá, trứng sữa, đậu phụ, đậu đỗ); chất béo (trong dầu, mỡ), chất đường bột (cơm, bánh mỳ) và nhóm rau xanh quả chín…”, PGS Nguyễn Thị Lâm nói.
Bà cũng lưu ý các bậc phụ huynh cần thay đổi thực đơn thường xuyên cho trẻ để có đủ chất dinh dưỡng. Hạn chế bánh, kẹo, nước ngọt - những đồ ăn, đồ uống làm trẻ tăng cân.
Ngoài ra, cần cho trẻ vận động. Nếu hạn chế ra ngoài thì đây là lúc bố mẹ dạy các con kỹ năng làm việc nhà. “Trẻ vận động bằng cách làm các công việc gia đình như lau nhà, giặt quần áo, nấu ăn...”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ.
Với việc trẻ “ăn bù” bữa sáng khi bố mẹ cho ngủ nướng, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng “không nên”. Tốt nhất với các con là trẻ phải được dậy ăn sáng đúng bữa. Sau đó, bố mẹ có thể giao cho con làm việc nhà, làm bài tập, đọc sách với trẻ lớn; trẻ bé hơn thì chơi tại nhà. Bữa trưa, tối, trẻ ăn như bình thường.
“Bố mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ bỏ bữa mà cần duy trì bữa ăn như bình thường”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm bày tỏ.
Ngoài ra, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cũng khuyến cáo trong giai đoạn này, các bậc phụ huynh cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn nhiều hoa quả, bổ sung vitamin C, vitamin A...
“Đặc biệt, nên bổ sung chế phẩm vi chất đa dinh dưỡng, tùy theo nhóm tuổi có thể lựa chọn dạng viên, dạng cốm, siro giúp nâng cao miễn dịch cho trẻ. Khẩu phần ăn của chúng ta hàng ngày không phải lúc nào cũng đủ tất cả các chất dinh dưỡng. Một số vi chất có rất ít trong thực phẩm. Ví dụ, vitamin D có rất ít trong đồ ăn thì chúng ta phải bổ sung bằng cách tắm nắng… Mùa này không tắm nắng được thì buộc phải bổ sung bằng các hình thức khác”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo.