5/4/19

Tái diễn vở vũ kịch “Cô bé Lọ Lem”

Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM vừa thông tin cho biết, các nghệ sỹ của nhà hát sẽ phối hợp với các nghệ sỹ quốc tế trình diễn vũ kịch “Cô bé Lọ Lem” tại Nhà hát thành phố vào tối 13 - 14/4.

Trích đoạn trong vở vũ kịch “Cô bé Lọ Lem”. Ảnh: chinhphu.vn
Trích đoạn trong vở vũ kịch “Cô bé Lọ Lem”. Ảnh: chinhphu.vn

“Cô bé Lọ Lem” có lẽ là vở vũ kịch nổi tiếng nhất được trình diễn bởi Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM. Vở vũ kịch được xem là có khả năng cạnh tranh với “Cô bé Lọ Lem” là vở “Kẹp Hạt Dẻ”, nhưng vở này thường gắn liền với dịp Giáng sinh. Đây là một trong 2 vở vũ kịch được mong đợi hằng năm của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi.

Vở vũ kịch “Cô bé Lọ Lem” được biên đạo bởi người Na Uy Johanne Jakhelln Constant, trong chương trình hợp tác với dự án Transposition mà Na Uy đã hỗ trợ phát triển cho nghệ thuật cổ điển nói chung ở Việt Nam. Trợ lý biên đạo múa là nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng.

Vũ kịch “Cô bé Lọ Lem” được sáng tác bởi nhà soạn nhạc người Nga Sergei Prokofiev, và được trình diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Bolshoi tại Moscow vào tháng 11/1945. Với câu chuyện cảm động và âm nhạc tuyệt vời, “Cô bé Lọ Lem” của Prokofiev đã trở thành, và vẫn là một tác phẩm được yêu thích trên toàn thế giới.

Vũ kịch “Cô bé Lọ Lem” kể về cuộc sống vất vả, cực khổ của cô gái Lọ Lem mồ côi mẹ, sống với mẹ kế và 2 em gái con riêng của mẹ kế. Nhà vua tổ chức dạ hội, hai cô em lên kế hoạch đi dạ hội với hy vọng thu hút sự chú ý của hoàng tử. Một bà già rách rưới xuất hiện và Lọ Lem cảm thương đưa cho bà đôi dép. Bà lão chính là tiên đỡ đầu và hóa phép màu giúp Lọ Lem tham dự dạ hội trong một bộ trang phục lộng lẫy, đôi giày khiêu vũ đẹp mắt.

Nhưng phép màu của Lọ Lem chỉ kéo dài được đến nửa đêm, khi 12 tiếng chuông đồng hồ kết thúc, cô vội vã chạy trốn khỏi phòng tiệc và đánh rơi một chiếc giày… Hoàng tử vội vã cho người đi khắp nơi tìm chủ nhân của chiếc giày. Khi phát hiện ra đó là Lọ Lem, hoàng tử đón nàng về và từ đó họ sống hạnh phúc bên nhau…

Nhân vật cô bé Lọ Lem do nghệ sỹ Trần Hoàng Yến đảm nhiệm, nhân vật hoàng tử do nghệ sỹ Fukuda Hiroya người Nhật Bản thực hiện. Vai bà tiên đỡ đầu là nghệ sỹ Yuki Hiroshige.

Trần Hoàng Yến tốt nghiệp loại Xuất sắc tại Trường múa TP.HCM và tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.

5 năm trước, cô bị đau ở đầu gối và được bác sĩ khuyên nên ngừng múa. Nhưng cô không thể dừng đam mê và giờ đây, cô là một trong những nghệ sĩ múa hàng đầu Việt Nam. Cô nói rằng khi múa, cô được dẫn vào một thế giới đẹp như cổ tích.

Fukuda Hiroya là một biên đạo múa và nghệ sĩ múa của Nhà hát vũ kịch quốc gia Nhật Bản. Anh sẽ xuất hiện trong tác phẩm "Dance to the Future 2019" tại Nhà hát quốc gia mới tại Tokyo, vào cuối tháng này, với tư cách là biên đạo múa và nghệ sĩ múa. Thêm nữa, anh là biên đạo múa cũng như là nghệ sĩ múa solo cho tiết mục Format.

» Duy nhất 1 phim ‘điện ảnh nhà nước’ tranh giải Cánh diều
» Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh và dự án đưa nghệ thuật tới cộng đồng

Related Posts: