20/12/18

Bi kịch ‘chiến tranh lạnh’

Cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Không ít cặp vợ chồng chọn cách giải quyết mâu thuẫn trong âm thầm bằng những cuộc “chiến tranh lạnh”.

Bi kịch ‘chiến tranh lạnh’
ảnh minh họa

Nguyên nhân của các cuộc chiến nhiều khi bắt nguồn từ nỗi giận hờn bực tức bởi những chuyện vụn vặt trong sinh hoạt gia dình, trường hợp này cuộc chiến chỉ kéo dài dăm bảy ngày do đối phương "thành khẩn nhận lỗi" và nhanh chóng khắc phục thiếu sót. Song cũng có những lỗi lầm tích tụ lâu ngày để lại dấu ấn nặng nề trong lòng người vợ (hoặc chồng) và họ đã kéo dài cuộc “chiến tranh lạnh” để trừng phạt đối phương.

Anh Trí từ lâu đã mệt mỏi chán nản người vợ lắm điều và hay ghen bóng ghen gió. Chỉ một lần nhìn thấy chồng chở cô bạn đồng nghiệp ngoài đường, vợ anh đã khẳng định là chồng có bồ. Anh Trí hết lời giải thích nhưng vợ không tin, chị theo dõi, kiểm soát mọi động thái của chồng và thường liên tưởng tới tình địch. Thấy anh ngồi trầm tư suy nghĩ, chị mát mẻ: “Lại đang tơ tưởng đến con kia phải không?". Còn gặp lúc anh vui vẻ đùa giỡn với con thì chị lại nói kháy: “Chắc vừa nhận điện thoại hay tin nhắn hẹn hò của con kia nên mới tươi tỉnh thế”...

Mỗi lần nghe vậy, anh Trí nổi nóng đốp chát lại vợ, hai bên lời qua tiếng lại mãi. Không khí gia đình chẳng mấy khi được vui vẻ bởi những trận cãi cọ thường xuyên giữa hai vợ chồng. Có lần do không chịu nổi cái thói ghen tuông vô lý và dai dẳng của vợ, anh Trí cứ ngồi im ắng mặc cho chị độc thoại. Nói một mình mãi cũng chán, người vợ đành... ngưng nói. Từ đó anh Trí nghiệm ra rằng với biện pháp “chiến tranh lạnh” anh có thể sống yên ổn hơn là đối đầu trực diện với vợ.

Khác với anh Trí là bị nghi oan, người bạn hàng xóm là anh Lực đúng là có bồ. May mà vợ anh không phải là người lắm điều nên lỗi lầm của anh được giấu kín, con cái và những người xung quanh không hề hay biết. Anh Lực thành khẩn nhận lỗi và thề không bao giờ tái phạm sai lầm. Tuy nhiên, kể từ đó người vợ thực hiện “chiến tranh lạnh”. Tuy chấp nhận tha thứ và vẫn còn yêu chồng, song vết thương lòng do anh gây ra quá lớn khiến chị chưa thể phục hồi tình cảm với anh. Sau gần nửa năm, chị vợ tuy có biểu hiện muốn chấm dứt cuộc chiến nhưng chuyện chăn gối vợ chồng vẫn “cấm vận” nghiêm ngặt.

Hiện có không ít trường hợp giống như chuyện nhà anh Lực. Người vợ hiểu được “xấu chàng hổ ai” nên không “vạch áo cho người xem lưng” nhưng trước lỗi lầm của chồng, người vợ tiến hành “chiến tranh lạnh” để trừng phạt. Đồng thời, người vợ cũng có thời gian để nỗi buồn đau lắng xuống, bình tâm soi lại lòng mình xem có còn yêu chồng, tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân, hoặc kéo dài "cuộc chiến".

Ngoài ra còn có những cuộc chiến tranh lạnh mà cả hai vợ chồng cùng thỏa thuận, cam kết thực hiện. Ngọn lửa tình yêu đã tắt nhưng họ không muốn nhen nhóm lại mà chấp nhận chịu đựng nhau để tránh sự đổ vỡ hoàn toàn. Những cuộc hôn nhân như vậy chỉ có giá trị như một tấm bình phong che mắt thiên hạ và chủ yếu là để con cái không phải sống trong cảnh mất mát chia ly, ảnh hưởng đến chuyện học hành.

Chiến tranh lạnh với người này là giải pháp tối ưu, an toàn, còn với người kia lại là địa ngục vì không khí gia đình quá nặng nề ngột ngạt.

Chiến tranh lạnh được áp dụng như một cách để duy trì cuộc hôn nhân không còn tình yêu. Vì con cái, tài sản, sự nghiệp và còn nhiều điều ràng buộc khác khiến họ không tính đến chuyện ly dị.

Dù “lạnh” hay “nóng”, “chiến tranh” cũng luôn là kẻ thù nguy hiểm của tình yêu và hôn nhân.

» Sự thật choáng váng về người mẹ nuôi giàu có của chồng
» Cuộc đấu trí giữa hai người phụ nữ để giành, giữ một người đàn ông

Related Posts: