TP.HCM đóng góp gần 30% cho ngân sách, cao nhất cả nước. Tuy nhiên, về giao thông, theo chuẩn của cả nước 1km2 đất, có ít nhất 10km đường, còn ở TP.HCM, 1km2 đất mới có 2km đường, thấp nhất cả nước.
Kẹt xe vẫn là vấn đề nan giải ở TP.HCM
Thông tin trên được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến tại hội thảo Quy hoạch đô thị TP.HCM - Thực tiễn và cơ hội đầu tư, vừa được tổ chức.
Theo ông Tuyến, TP.HCM là đô thị đặc biệt, đóng góp ngân sách trung ương năm 2018 là hơn 400 ngàn tỷ đồng và dự kiến năm 2019 khoảng 500 ngàn tỷ đồng. Nếu TP chậm phát triển sẽ kéo cả nước chậm theo. Do đó thách thức của TP là phải phát triển theo yêu cầu của xã hội, của doanh nghiệp và người dân.
Ông Tuyến thừa nhận việc TP phát triển quá nhanh trong mấy thập kỷ qua, cũng đã dẫn đến những hệ lụy, mà đến nay TP đang phải trả giá. Đó là những vấn nạn ngập lụt, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường…
“Trong một loạt vấn đề thì hạn chế và yếu kém lớn nhất của TP vẫn là ở khâu quy hoạch, từ khâu lập, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch. Cả ba khâu này đều có nhiều hạn chế”, ông Tuyến nói.
Về vấn nạn kẹt xe, ông Tuyến thông tin TP hiện nay có tình trạng giao thông áp lực nhất cả nước. Theo tiêu chuẩn thì 1km2 đất có ít nhất là 10km đường nhưng TP hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 20% (1km2 đất chỉ có 2km đường).
Về ngập lụt, theo Phó Chủ tịch UBND TP là do biến đổi khí hậu và cũng là TP phát triển quá nhanh. Theo tính toán, mỗi năm khu vực phía Tây Nam TP lún xuống 1cm trong khi đó hiện nay do quá trình đô thị hóa, nhiều công trình mọc lên đã cản trở việc thoát nước. Và đây cũng chính là một vấn đề mà đến nay TP đang phải trả giá.
“Lẽ ra, khi làm quy hoạch là phải theo khách quan nhưng TP đã làm quy hoạch theo mong muốn chủ quan của TP trong các thời kỳ phát triển. Đây cũng là những hạn chế về kiến thức và nhận thức trong quá trình làm quy hoạch từ những năm 1990. Hiện nay, về quy định thì cứ 5 năm điều chỉnh quy hoạch một lần, nhưng nếu quy hoạch tốt chẳng hạn như ở Châu Âu thì cả trăm năm vẫn không thay đổi”, ông Tuyến nhìn nhận.
Được biết, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, TP.HCM có 7 chương trình đột phá. Trong đó, quan trọng nhất là giảm ngập nước kẹt xe. Đến nay, TP.HCM đã thực hiện được 12 dự án ODA với 104.000 tỉ đồng trong lĩnh vực đô thị, PPP có 22 dự án với 170.000 tỉ đồng. Hiện TP.HCM đang chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán ký kết hợp đồng 85 dự án với 400.000 tỉ đồng và đang kêu gọi đầu tư 253 dự án với vốn 870.000 tỉ đồng.
» Sở hữu căn hộ VinCity với khoản trả trước 10%
» Không có chuyện gián đoạn hoạt động hầm Hải Vân do nợ tiền điện