“Đôrêmon”, “7 viên ngọc rồng”, “Dấu ấn rồng thiêng”, “Jinđô”, “Subasa”… là những bộ truyện tranh có sức hút mãnh liệt đối với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.
ảnh minh họa
Nhiều người có thể nghĩ rằng giai đoạn thịnh vượng nhất của truyện tranh tại Việt Nam là thời kỳ sau 2004 khi công ước Berne bắt đầu có hiệu lực. Nhưng sự thật thì thập niên 1990 mới là quãng thời gian phát triển mạnh mẽ nhất của loại hình truyện tranh.
Những đứa trẻ lớn lên trong thập niên 1990 quả may mắn khi có cơ hội chứng kiến sự thay đổi thần kỳ của đất nước, cũng như trải nghiệm nhiều tựa truyện có khi đến nay vẫn chưa được tái bản.
Có những cái tên, như Đôrêmon, 7 viên ngọc rồng, Dấu ấn rồng thiênghay Bác sĩ quái dị, hẳn đến giờ vẫn còn ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm trí độc giả.
Đôrêmon (Doraemon)
Nhắc tới truyện tranh 9X, không thể không nhắc tới Đôrêmon - tựa truyện tranh đầu tiên của Nhật Bản chính thức được xuất bản ở Việt Nam.
Trước khi nhà xuất bản Kim Đồng đưa chú mèo máy về Việt Nam vào năm 1992, khái niệm truyện tranh Nhật Bản gần như không có, khi độc giả thường quen với kiểu truyện tranh Trung Quốc dạng liên hoàn họa, thuộc dòng kiếm hiệp, với đối tượng nhắm đến là lứa tuổi thanh niên.
Đôrêmon thực sự đã tạo ra làn sóng mới khi chủ yếu nhắm đến lứa tuổi thiếu nhi. Ban đầu, phía Kim Đồng cho in thử bốn tập để thăm dò phản ứng của độc giả với lượng chế bản rất ít.
Song, khi phản ứng nhận được quá tích cực, nhà sản xuất rốt cuộc cho in tổng cộng 78 tập truyện ngắn, 8 tập truyện dài, 8 tập truyện màu, rồi 6 tập lá thư. Thậm chí, có tập Kim Đồng đã cho in tới 180.000 bản - con số đủ cho thấy sức hút của chú mèo máy Nhật Bản.
Đôrêmon là những câu chuyện xoay quanh cuộc sống của nhân vật chính là chú mèo máy cùng tên, người bạn thân Nobita, và nhóm bạn Xuka, Xeko, Chaien. Cốt truyện thường thấy là Nobita cứ thế thầm thương trộm nhớ Xuka, bị Xeko và Chaien bắt nạt, để rồi lại trở về nhà xin mượn Đôrêmon một bảo bối nào đó nhằm “thay đổi thế cuộc”.
Chìa khóa thành công của Đôrêmon nằm ở trí tưởng tượng vô hạn của tác giả Fujiko F. Fujio, thể hiện qua hàng loạt bảo bối đến từ tương lai trong chiếc túi thần kỳ của chú mèo máy. Độc giả Việt Nam, hay bất cứ đâu trên thế giới, cứ thế bị cuốn hút qua những trang truyện đề cao tình bạn và tình cảm gia đình của Đôrêmon.
Đến nay, Đôrêmon là bộ truyện có nhiều bản in và nhiều lần tái bản nhất trong lịch sử truyện tranh tại Việt Nam. Số lần xuất bản của tựa truyện đã lên tới hơn 20 lần, với tổng số bản in khoảng vài triệu bản.
Cũng từ năm 2010, phía Kim Đồng quyết định đổi tên tác phẩm về lại tựa đề gốc Doraemon, cũng như tên các nhân vật như Shizuka (Xuka), Suneo (Xeko), Jaian (Chaien), Dorami (Đôrêmi), Dekisugi (Đêkhi)…
7 viên ngọc rồng (Dragon Ball)
Tiếp nối thành công rực rỡ của Đôrêmon, nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục giới thiệu cho độc giả nhi đồng Việt Nam một tựa truyện nổi tiếng khác của xứ sở hoa anh đào: Dragon Ball - 7 viên ngọc rồng.
Cũng là tựa truyện dành cho thiếu nhi, nhưng 7 viên ngọc rồng khác với Đôrêmon khi thuộc dòng hành động - viễn tưởng, cùng thông điệp đề cao tình bạn, tính kiên trì và nỗ lực vượt qua giới hạn bản thân.
7 viên ngọc rồng là một tượng đài truyện tranh khác trong lòng độc giả Việt.
Nhân vật trung tâm của loạt truyện là Sôngôku từ lúc là cậu bé hiền lành tốt bụng, cho tới khi trở thành siêu xayda vô địch. Cùng với những người bạn, cậu đã liên tục chặn đứng các thế lực mưu toan phá hoại trái đất và vũ trụ.
Cũng qua mỗi lần biến hình, Sôngôku lại trở nên mạnh mẽ và đẹp hơn, với hàng loạt chiêu thức nổi tiếng như “kamejoko”, “thái dương hạ san”, “chó sói sớt gà cồ”…, qua đó khiến các cậu bé vô cùng yêu thích.
Không ngạc nhiên khi 7 viên ngọc rồng thuộc nhóm được tái bản nhiều nhất ở Việt Nam, và nhà xuất bản Kim Đồng đến nay đã cho ra đời 5 phiên bản truyện khác nhau.
Một điểm nữa giống với Đôrêmon là 7 viên ngọc rồng các bản sau này buộc phải “trả lại” tên nhân vật như nguyên tác theo công ước Berne. Song, các thế hệ độc giả lớn tuổi chắc chắn vẫn cảm thấy thân quen với những tên gọi kiểu như Cadic, Calich, Thên Xin Hăng, Pocollo… thay vì như bản gốc.
Subasa (Captain Tsubasa)
Năm 1992, khi giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng sang Nhật Bản tham khảo thị trường truyện tranh, phía nước bạn đưa ra hai cái tên nổi tiếng nhất là Doraemon và Captain Tsubasa.
Họ chọn Doraemon và cho xuất bản dưới tên Đôrêmon vào năm 1992. Một năm sau, nhà xuất bản Trẻ mang về Captain Tsubasa dưới tựa Subasa. Đây chính là bệ phóng vững chắc để phía Trẻ tiếp tục đưa về Việt Nam nhiều tựa truyện hiếm trong thập niên 1990 mà tới nay vẫn còn chưa được tái bản.
Ở Nhật Bản, nguyên tác Captain Tsubasa vẫn chưa kết thúc. Nhân vật chính và đồng đội đang chinh phục giải đấu Olympic.
Subasa kể về cuộc đời của cậu bé cùng tên với đam mê và tài năng chơi bóng đá thiên tài. Bộ truyện trở thành động lực và biểu tượng cho nhiều thế hệ trẻ em chơi bóng đá tại Nhật Bản, sau đó là Việt Nam và các nơi trên thế giới.
Cho đến giờ, không ít độc giả hẳn không thể quên những khoảnh khắc Subasa hoặc đồng đội ghi bàn nhờ “cú sút bẻ lái”, “cú sút bẻ lái bóng bay”, “cú sút chim ưng”... hay những lúc họ bị đe dọa bởi “cú sút tia lửa”, “cú sút đại bác”… từ phía đối thủ.
Hiện nguyên tác Captain Tsubasa vẫn chưa kết thúc. Subasa cùng đồng đội thuộc tuyển U23 Nhật Bản đang tham dự giải Olympic, còn nhân vật chính đang là người truyền cảm hứng cho câu lạc bộ FC Barcelona của Tây Ban Nha.
Dũng sĩ Hesman
Sau thành công của hai bộ truyện tranh Nhật Bản là Đôrêmon và Subasa tại Việt Nam, nhà xuất bản Mỹ Thuật quyết định hợp tác cùng họa sĩ Hùng Lân để phóng tác loạt anime có tên Voltron thành bộ truyện tranh Dũng sĩ Hesman.
Trải dài 159 tập, tựa đề có nhiều năm liền nắm kỷ lục bộ truyện tranh dài nhất xuất bản tại Việt Nam, cho tới trước khi bị Thần đồng đất Việt soán ngôi.
Dũng sĩ Hesman là bộ truyện gắn liền với tên tuổi Hùng Lân.
Bộ truyện lấy trung tâm là người máy mãnh sư Hesman cùng nhóm bạn ở hành tinh Arus. Họ cùng nhau chiến đấu lại vô số thế lức tà ác trong vũ trụ.
Với khả năng lắp ghép biến hình đa dạng, dũng sĩ Hesman được thế hệ thiếu nhi 9X đón nhận và trở thành biểu tượng của truyện tranh Việt Nam trong thời kỳ truyện tranh Nhật Bản làm mưa làm gió trên thị trường.
Cho đến tận hôm nay, Dũng sĩ Hesman vẫn là cái tên được giới sưu tầm truyện tranh cũ săn lùng ráo riết. Việc tìm được đủ 159 tập truyện là nhiệm vụ không hề dễ dàng và vô cùng đắt đỏ đối với người hâm mộ.
Siêu quậy Teppi (Ore wa Teppei)
Một nhân vật truyện tranh ghi dấu ấn mạnh mẽ cho thế hệ trẻ em 8X, 9X bởi sự phá cách chính là Teppi.
Siêu quậy Teppi bắt đầu khi cậu bé Teppi sống cùng người cha lập dị trong rừng sâu. Cậu không hề hiền lành, lễ phép như nhân vật chính của nhiều bộ truyện khác. Trái lại, do ở trong rừng từ bé, Teppi gần như không nắm được lối giao tiếp cơ bản hay lễ nghi cần thiết.
Siêu quậy Teppi ghi dấu ấn trong lòng độc giả Việt Nam nhờ nhân vật chính phá cách.
Teppi cứ thế sống như người rừng, tỏ ra vô lễ với mọi người xung quanh dù thực tế là thành viên của một gia đình quyền quý. Tuy nhiên, bộ môn kiếm đạo đã giúp cậu dần hòa nhập với cuộc sống bình thường và trở thành con người hoàn thiện.
Siêu quậy Teppi chứa đựng vô số tình huống hài hước, nhưng đồng thời đem đến không ít khoảnh khắc nhân văn. Thông qua câu chuyện, tác giả Tetsuya Chiba muốn truyền tải thông điệp về nghị lực và nỗ lực trong cuộc sống.
Hiện Siêu quậy Teppi chưa có bản quyền xuất bản chính thức tại Việt Nam. Và độc giả chỉ có thể tìm kiếm những bản in từ ngày xưa nếu muốn thỏa mãn đam mê.
Jinđô - Đường dẫn đến khung thành (Kattobi Itto)
Thử tổ chức một cuộc bầu chọn xem đâu là bộ truyện tranh hài hước nhất, hẳn đại đa số sẽ nêu tên Jinđô. Bộ truyện xoay quanh nhân vật chính là cậu bé “nấm lùn” Jinđô và đội bóng đá Suya.
Jinđô cực kỳ hài hước, một phần bởi chính nguyên tác, một phần bởi cách chuyển ngữ sáng tạo, khéo léo của bản in đầu tiên.
Sở hữu tính cách quậy phá, nghịch ngợm tinh quái, cậu liên tục tạo ra những tình huống gây cười. Nhưng tác phẩm càng trở nên hài hước hơn khi dịch giả khéo léo lồng ghép nhiều câu ca dao, tục ngữ, thơ “chế” vào các đoạn hội thoại ở bản dịch.
Nhưng sau hai lần in đầu với bản dịch đọc xuôi và thoại “chế” hài hước, đến năm 2008, nhà xuất bản Kim Đồng quyết định mua bản quyền nguyên tác với tên gốc Itto. Lời thoại “chế” không còn nữa, nên các fan trung thành đến nay vẫn quyết săn lùng bản in cũ để trải nghiệm niềm vui trong quá khứ.
Nữ hoàng Ai Cập (Ōke no Monshō)
Thật hiếm có bộ truyện tranh shōjo (dành cho con gái) nào lại gây ra sức hút lớn như Nữ hoàng Ai Cập cho thế hệ 8X, 9X. Tác phẩm của Chieko Hosokawa thực tế cũng gây ra không ít tò mò cho độc giả nam tại Việt Nam bởi “không hiểu có gì mà hấp dẫn chị em đến vậy”.
Nữ hoàng Ai Cập được rất nhiều độc giả nữ Việt Nam yêu thích.
Song, Nữ hoàng Ai Cập đồng thời không ít lần khiến độc giả cảm thấy “ức chế” bởi nhân vật chính Carol quá đỗi ngây thơ, thường xuyên bị bắt cóc, và khiến hoàng đế Menfuisư phải đi giải cứu.
Do lấy bối cảnh thời Ai Cập cổ đại, bộ truyện còn là cơ hội để độc giả tìm hiểu thêm về nền văn minh Lưỡng Hà. Điều đáng tiếc là đến nay, chưa có nhà xuất bản nào mua được bản quyền Nữ hoàng Ai Cập. Và sau 20 năm xuất hiện tại Việt Nam, nguyên tác ở Nhật Bản cũng chưa kết thúc.
Dấu ấn rồng thiêng (Dragon Quest: Dai no Daibouken)
Trong quá khứ, quả không khó để thấy những đứa trẻ 8X, 9X vẽ trên mu bàn tay dấu ấn rồng thiêng - biểu tượng đặc trưng của nhóm dũng sĩ rồng ở bộ truyện cùng tên.
Dấu ấn rồng thiêng là một cái tên khác được độc giả truyện tranh Việt Nam vô cùng mến mộ.
Với những nhân vật nổi bật như Đai, Pốp, Mina, Hunken… Dấu ấn rồng thiêng thực tế có sức hút không kém Đôrêmon hay 7 viên ngọc rồng tại Việt Nam là bao, và rất nhiều thế hệ đến nay vẫn mong ngóng tựa truyện được tái bản.
Giống như tựa đề gốc, bộ truyện là chuyến hành trình vĩ đại của Đai, từ lúc mới học được tuyệt chiêu “Avansuto Lát su” cho tới khi đối đầu với đại ma vương Dracubin và binh đoàn hùng hậu của hắn.
Thông qua Dấu ấn rồng thiêng, tác giả muốn truyền tải thông điệp về tình bạn, tình thầy trò thiêng liêng, cũng như giá trị của sự hy sinh với cái kết mang đậm tính bi kịch.
Ninja loạn thị (Ninja Rantaro)
Chỉ với nét vẽ đơn giản và những tình tiết hài hước xoay quanh bộ ba Rantaro “loạn thị”, Kirimaru “kiết xu” và Shinbe “ngốc nghếch”, Ninja loạn thị đã khiến nhiều thế hệ độc giả Việt Nam mê mẩn.
Ninja loạn thị tới nay vẫn chưa kết thúc và hấp dẫn độc giả bởi tính hài hước.
Có một điều cực kỳ đặc biệt của bộ truyện. Ở lần in thứ hai, sau 10 tập đầu tiên xuất bản, công ước Berne chính thức có hiệu lực tại Việt Nam.
Do đó, từ tập 11, nhà xuất bản Kim Đồng buộc phải in Ninja loạn thị theo hình thức đọc ngược hệt như nguyên tác ở Nhật Bản.
Nhiều người khi ấy đã gọi vui Ninja loạn thị là “chuột bạch” cho việc đọc truyện tranh ngược ở Việt Nam.
Phía Kim Đồng hiện vẫn nắm giữa bản quyền bộ truyện và cho in mọi thứ đúng như yêu cầu của người Nhật. Và nguyên tác tới nay cũng chưa kết thúc.
Black Jack - Bác sĩ quái dị (Burakku Jakku)
Osamu Tezuka thường được coi như “ông thần” manga hay ông tổ của ngành truyện tranh Nhật Bản. Xuyên suốt sự nghiệp đồ sộ, ông đã mang tới vô số tác phẩm kinh điển. Và tại Việt Nam, nhiều độc giả nhớ nhất Bác sĩ quái dị trong nhóm tác phẩm của Tezuka.
Black Jack - Bác sĩ quái dị là hàng loạt những câu chuyện thấm đẫm tình người, để lại nhiều suy ngẫm.
Nhân vật chính Black Jack của loạt truyện có tài năng y học thiên bẩm, cùng tính cách vô cùng lập dị. Nhưng về bản chất, đây là một người tốt bụng, hoàn toàn trái với vẻ ngoài quái dị sau khi anh phải trải qua bi kịch.
Những cuộc phẫu thuật thần kỳ của Black Jack cứ thế dẫn dắt người đọc qua vô số cung bậc cảm xúc bởi tính nhân văn, đồng thời cho thấy sự khắc nghiệt của ngành nghề luôn phải giằng co với tử thần.
Bản in đầu tiên của Bác sĩ quái dị do nhà xuất bản Trẻ phát hành vào thập niên 1990 kéo dài 44 tập.
Mãi tới năm 2010, phía Kim Đồng mới chính thức mua bản quyền tác phẩm, và xuất bản với đúng tên gốc Black Jack.
» Ngạc nhiên Giáng Vân
» ¢Nhà văn Kim Dung - Một ‘Tiêu Phong’ không bi kịch