1/11/18

Mỹ bất lực âm mưu bóp nghẹt xuất khẩu vũ khí Nga

Washington đã trừng phạt trực tiếp đối với Moscow, trừng phạt thứ cấp với các nước mua vũ khí Nga, nhằm bóp nghẹt xuất khẩu vũ khí Nga.

Mỹ đang đe dọa trừng phạt các nước mua vũ khí Nga
Mỹ đang đe dọa trừng phạt các nước mua vũ khí Nga

So với thời Liên Xô, Mỹ o ép Nga trắng trợn hơn

Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc vì mua chiến đấu cơ Su-35 Flanker-E và hệ thống phòng không S-400 Triump của Nga. Nước này cũng đang đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara có kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga vào năm 2019; đồng thời cũng có ý định tương tự đối với Ấn Độ.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, thương vụ S-400 có thể dẫn đến việc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng đối với chính quyền Ankara theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA).

Vào tháng 9, Washington đã công bố áp đặt trừng phạt chống Cục phát triển trang bị thuộc Ủy ban quân sự trung ương (Quân ủy Trung ương) Trung Quốc và Giám đốc cơ quan này là ông Li Shanfu, do việc Bắc Kinh mua các chiến đấu cơ Su-35 Flanker-E và một số hệ thống S-400 Triump của Nga.

Thời gian gần đây, Mỹ gia tăng nỗ lực gây sức ép lên các quốc gia để hạn chế khối lượng vũ khí xuất khẩu của Nga. Giới chuyên gia Nga đang nỗ lực đi tìm lời giải cho câu hỏi: “Liệu các biện pháp trừng phạt phụ của Mỹ có thể mang lại kết quả như mong muốn?”.

Trong bài bình luận cho Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho biết, các biện pháp trừng phạt phụ được gọi là "secondary sanctions", tức là “trừng phạt thứ cấp”, mà Hoa Kỳ áp đặt lên các quốc gia hợp tác với Nga trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự là một hiện tượng chưa từng có.

Ngay cả dưới thời Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ không bao giờ sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại các quốc gia phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự với Liên Xô.

Tất nhiên là khi đó, ở Mỹ không có văn bản pháp luật có quy định về các biện pháp trừng phạt. Do đó, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã "ngấm ngầm" cố gắng thuyết phục các nước đang phát triển không nên mua vũ khí của Liên Xô.

Tuy nhiên, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, một số nước đang phát triển có chủ trương thực thi chính sách đối ngoại độc lập, ví dụ, Iran (trước cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979), cùng với Ấn Độ và Pakistan, đã hợp tác cả với Hoa Kỳ và Liên Xô.

Khác với áp lực "ngầm ngầm" dưới thời chiến tranh Lạnh và những năm sau đó, Hoa Kỳ hiện nay công khai tuyên bố rằng, họ có quyền đơn phương xác định rằng, liệu những quốc gia khác có thể được phép hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga hay không.

Do đó, nếu bất kỳ nước nào chấp nhận yêu cầu như vậy thì sẽ tạo ra một tiền lệ pháp lý và chính trị quốc tế nguy hiểm. Hoa Kỳ sẽ sử dụng tiền lệ này để lại một lần nữa ngăn chặn bất kỳ hình thức hợp tác công nghệ và quân sự giữa các quốc gia khác, và không nhất thiết chỉ chống lại Nga.

Ví dụ, ngoài những hành động như vậy, Hoa Kỳ có thể cố gắng kiểm soát việc lưu hành các sản phẩm công nghệ cao trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, năng lượng hạt nhân hoặc siêu máy tính, chỉ vì một lí do là: Người bán hoặc người mua công nghệ này là một chế độ không làm vừa lòng chính phủ Mỹ.

Do đó, đa số nước trên thế giới nên chủ trương hợp tác hành động với nhau để chính sách này của Mỹ bị thất bại.

Mỹ sẽ không thể ngăn chặn xuất khấu vũ khí Nga

Trên thực tế, Hoa Kỳ có vấn đề không thể giải quyết được trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt. Chúng ta biết rằng, cho đến nay Hoa Kỳ và toàn bộ cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể ngăn chặn việc cung cấp vũ khí cho Triều Tiên.

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên không phải là một quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ quân sự và không đóng vai trò quan trọng trên thị trường vũ khí quốc tế.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng, cấm xuất khẩu vũ khí cho nước này. Theo đó, chính quyền các nước trên thế giới có quyền khám xét tàu biển được cho là mang vũ khí xuất phát từ Triều Tiên hoặc hành trình đến Triều Tiên.

Thế nhưng, không ai ngăn nổi việc Triều Tiên tiếp cận được với những kỹ thuật cao trong quân sự như: Phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), làm chủ công nghệ phân hạch hay nắm được kỹ thuật chế tạo và đưa vệ tinh lên quỹ đạo…

Tất nhiên, trong trường hợp đối với Nga, không ai dám ngăn chặn việc xuất khẩu vũ khí của Moscow. Sự hợp tác của Nga đã diễn ra với hàng chục quốc gia trên quy mô lớn; trong một số trường hợp, không có gì có thể thay thế vũ khí Nga nên các nước bất chấp tất cả để tìm mua.

Ngoài ra, các loại vũ khí Liên Xô/Nga đã được cung cấp trước đây trị giá hàng chục tỷ dollars cần phải tiếp tục được bảo dưỡng, sửa chữa và phải có phụ tùng, vật tư thay thế.

Mặc dù không ai có thể ngăn chặn được xuất khẩu vũ khí và hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga, nhưng các biện pháp trừng phạt cũng có những tác động nhất định. Trước hết, nó có thể dẫn đến việc Nga phải trì hoãn thực hiện một số hợp đồng cho những năm tới.

Ví dụ trong lĩnh vực thanh toán hợp đồng, các phương thức thanh toán thông thường trước đây, dưới “ánh sáng của sự trừng phạt” cũng sẽ trở thành phức tạp hơn. Vì thế, Moscow cần phải tạo ra những phương thức mới để bảo vệ các nhà cung cấp Nga và người mua nước ngoài.

Vào ngày 31 tháng 10, Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov cho biết rằng, hợp đồng cung cấp các tổ hợp S-400 Triump cho Ấn Độ đã được ký kết và sẽ sử dụng phương thức thanh toán bằng rúp.

Cũng giống như trong lĩnh vực giao dịch trên thị trường dầu mỏ, thực tiễn thanh toán bằng đồng tiền của một trong hai quốc gia giao dịch, thay vì sử dụng dollars có thể trở thành một quy tắc trong các giao dịch của Nga với các đối tác trong hợp tác kỹ thuật quân sự.

Kết quả là, lệnh trừng phạt trực tiếp đối với Nga hay lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ sẽ không thể khiến khối lượng xuất khẩu của Nga bị giảm đi; thay vào đó, nó sẽ tăng lên, bởi vì phương thức thanh toán mới bằng đồng tiền quốc gia có thể mang lại lợi nhuận cho người mua.

» Mỹ điều lượng binh sỹ tương đương chiến tranh ở Afghanistan tới biên giới
» Tổng thống Assad: ‘Syria đã trả giá đắt để bảo vệ tổ quốc và nền độc lập’

Related Posts: