Khi vòng thuế quan lớn nhất vẫn chưa được kích hoạt, leo thang căng thẳng hơn nữa giữa Mỹ và Trung Quốc đang hiện ra lờ mờ. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại leo thang trong ngày 24-9 khi hai cường quốc kinh tế đánh nhau với mức thuế quan lớn nhất của họ.
Gần 6.000 mặt hàng của Trung Quốc, trong đó có túi xách, bị ảnh hưởng bởi đòn áp thuế mới của Mỹ. Ảnh: Getty Images
» Mỹ - Trung Quốc ‘tung đòn’ chiến tranh thương mại: Ai được lợi?
» Trung Quốc tuyên bố không đàm phán với Mỹ với ‘dao kề vào cổ’
» Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung: Chất xúc tác cho “cuộc di cư” của nhiều doanh nghiệp châu
» Dòng vốn ở lại Trung Quốc bất chấp chiến tranh thương mại leo thang
Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức căng thẳng cao độ, đến nỗi Bắc Kinh ngày 24-9 đã công bố Sách Trắng nhằm làm rõ những thực tế về quan hệ kinh tế - thương mại hai nước, nêu rõ quan điểm về tranh cãi thương mại với Washington và theo đuổi các giải pháp hợp lý.
Ngoài lời nói đầu, Sách Trắng dài 36.000 chữ có 6 phần, trong đó nhấn mạnh các hoạt động bảo bộ thương mại của chính quyền Mỹ, các hoạt động uy hiếp thương mại của Washington, thiệt hại do những hành động không thỏa đáng của Mỹ đối với kinh tế toàn cầu và quan điểm của Trung Quốc. Sách Trắng cho rằng, Trung Quốc là nước đang phát triển lớn nhất thế giới còn Mỹ là nước phát triển lớn nhất thế giới. Theo văn kiện này, hai nước đang ở những giai đoạn phát triển khác nhau và có các hệ thống kinh tế khác nhau, do đó xảy ra tranh cãi thương mại ở cấp độ nào đó chỉ là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề chủ chốt nằm ở cách thức tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác và quản lý những bất đồng.
Điều gì xảy ra trong ngày 24-9
Sách Trắng được công bố đúng vào ngày cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chứng kiến mức căng thẳng chưa từng có khi hai cường quốc kinh tế đánh nhau với mức thuế quan lớn nhất của họ.
Theo đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế bổ sung với những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Ban đầu áp thuế 10%, sau đó sẽ tăng lên 25% từ ngày 1-1, tăng thêm sức ép với Trung Quốc trong việc đáp trả việc ăn trộm công nghệ và tài sản nhân tạo. Với hành động mới nhất này, Washington đang đánh thuế một nửa hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hàng năm. Gần 6.000 mặt hàng bị ảnh hưởng gồm túi xách, gạo và hàng dệt may, mặc dù một số mặt hàng như đồng hồ thông minh và ghế cao cấp đã được miễn. Trung Quốc trả đũa ngay lập tức với mức thuế mới từ 5-10% trên 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ như thịt, hóa chất, quần áo và phụ tùng ô-tô. Động thái này chứng kiến mức leo thang đáng kể nhất trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
IMF lo ngại
Nói về quyết định mới nhất này, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, ông muốn ngăn chặn “sự chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ Mỹ sang Trung Quốc” và bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ. Theo lý thuyết, mức thuế quan sẽ khiến các sản phẩm do Mỹ sản xuất rẻ hơn các sản phẩm nhập khẩu, từ đó khuyến khích người tiêu dùng mua hàng trong nước. Ý tưởng là điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương và hỗ trợ nền kinh tế quốc gia.
Nhưng thực tế là, nhiều Cty và tập đoàn công nghiệp Mỹ cho biết, các doanh nghiệp của họ đang bị tổn hại. Có những dấu hiệu cho thấy các Cty đã bị ảnh hưởng, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, thương chiến leo thang lớn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Lo ngại của IMF đang ở mức báo động. Thực ra, chính sách thuế quan của ông Trump là một phần trong chương trình nghị sự thương mại bảo hộ của ông kể từ khi nhậm chức, thách thức nhiều thập kỷ của hệ thống thương mại tự do toàn cầu. Ông Trump gần đây cho biết, mức thuế trên 267 tỷ USD hàng hóa cũng “đã sẵn sàng” - điều đó có nghĩa là hầu như tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ phải chịu thuế mới (tổng sản phẩm cho năm 2017 là khoảng 506 tỷ USD).
Mỹ mua nhiều hàng của Trung Quốc hơn là bán cho họ, vì vậy Bắc Kinh bị hạn chế trong việc trả đũa thông qua thương mại. Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đang hết sản phẩm mới để nhắm mục tiêu, nhưng họ vẫn có các lựa chọn khác để trả đũa. Bắc Kinh có thể gây khó khăn hơn cho các Cty Mỹ ở Trung Quốc hoặc hạ giá đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Ông Trump gần đây đã cáo buộc Trung Quốc làm điều đó, nhưng Bắc Kinh bác bỏ.