Mặc cho những thông tin lùm xùm vẫn còn bủa vây xung quanh thương vụ hợp tác làm ăn giữa Ba Huân và VinaCapital, mới đây đại diện VinaCapital đã chính thức phát đi thông cáo sẽ hủy thương vụ đầu tư vào Ba Huân do “một số hiểu lầm giữa đôi bên”.
Dây chuyền sản xuất trứng sạch của công ty Ba Huân
Theo đó, VinaCapital quyết định dừng việc tham gia đầu tư vào Ba Huân và đang tiến hành thảo luận cùng DN nhằm kết thúc thương vụ. Đây là câu trả lời chính thức mà phía VinaCapital dành cho Ba Huân sau khi công ty này gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ nhờ hỗ trợ để nhanh chóng rút lui, thoát ra khỏi “ràng buộc” với VinaCapital.
Còn về phía Ba Huân, lý do mà DN này đưa ra với quan điểm dứt khoát không còn muốn tiếp tục “chung một chuyến đò” với một quỹ đầu tư dày dạn kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam như VinaCapital là vì lý do thỏa thuận hợp tác không như ý muốn, các điều khoản đầu tư không đúng với thực tế đã trao đổi.
Trước đó, cuối tháng 2/2018, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý công bố đã đầu tư 32,5 triệu USD để mua lại một số lượng cổ phần của Ba Huân và sẽ xem xét đầu tư thêm trong thời gian tới tùy thuộc vào kết quả kinh doanh. Tuy nhiên đại diện Ba Huân cho biết, trong bản hợp đồng bằng tiếng Anh, VinaCapital đưa tỷ suất hoàn vốn đầu tư nội bộ (IRR) ở mức quá cao là 22%/năm, gần gấp ba lần lãi suất vay vốn ngân hàng.
Ngoài ra, Ba Huân còn cho rằng VinaCapital yêu cầu nhiều điều khoản khác như nếu Ba Huân không đạt kết quả kinh doanh như quy định sẽ bị phạt, hoặc buộc trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22%/năm, hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) số cổ phần tối thiểu 51% tổng số cổ phần của Ba Huân... khiến cho DN này lo lắng sẽ bị mất dần quyền kiểm soát, mang nợ lớn và bị thâu tóm, mất thương hiệu sau bao năm gây dựng vào tay quỹ ngoại.
Trong khi tại thông cáo được phía VinaCapital đưa ra có nhấn mạnh vấn đề, các hợp đồng chính thức được soạn thảo bằng tiếng Anh và đã được tất cả các bên rà soát và ký kết vào tháng 2/2018, cũng như đã dịch sang tiếng Việt và không có sự khác biệt về nội dung giữa 2 văn bản.
Ngoài ra trước đó, Ba Huân đã nhận được Biên bản Ghi nhớ Đầu tư bằng tiếng Anh cùng bản dịch tiếng Việt để đối chiếu, rà soát tất cả các điều khoản thương mại quan trọng cốt lõi sẽ được đưa vào các hợp đồng chính thức của thương vụ trước khi ký Biên bản chính thức.
Bàn về cuộc chia tay với kết thúc không mấy phần tốt đẹp này, LS. Bùi Quang Nghiêm - Giám đốc Văn phòng luật sư Nghiêm và Chính, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đối với câu chuyện cụ thể của Ba Huân, khi đã đặt bút ký kết hợp tác với đối tác nước ngoài, kể cả khi đó là văn bản bằng tiếng Anh, cũng không thể biện minh rằng không rành hay không hiểu hết ý nghĩa từng điều khoản trong hợp đồng.
Tuy nhiên, tại tòa án nếu DN này chứng minh được rằng khi ký kết mới chỉ có bản hợp đồng bằng tiếng Anh thì khi đó tòa có thể xem xét đến yếu tố có “dấu hiệu của sự nhầm lẫn”, để tuyên hợp đồng có hiệu lực hay vô hiệu.
Vấn đề được đặt ra ở đây, trong quá trình ký kết, hợp tác làm ăn giữa các DN Việt với các đối tác nước ngoài, điều quan trọng nhất là DN cần xem xét kỹ càng từng điều khoản. Thậm chí, DN nên nhờ các luật sư tham vấn, hoặc thương thảo các điều khoản trước khi ký kết hợp đồng. Tránh tình trạng khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp mới nhờ đến sự can thiệp của luật sư, tòa án hay kêu cứu đến những cấp cao hơn sẽ rất khó khăn, phức tạp mà kết quả lại không được như mong đợi.
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua đã có rất nhiều thương vụ hợp tác làm ăn giữa DN Việt và các Quỹ đầu tư, Tập đoàn quốc tế. Có những thương vụ thành công tốt đẹp, đem lại kết quả như mong đợi cho cả đôi bên, song ngược lại có những thương vụ đã không đi đến cuối chặng đường, khiến cho “cả người bán cũng như kẻ mua” đều không vừa lòng, thậm chí phải gánh chịu những thiệt hại cả về tài chính lẫn uy tín trên thương trường.
Trên thực tế, không ít quỹ đầu tư nước ngoài khi bỏ vốn vào thị trường Việt Nam chỉ hòng tìm kiếm lợi nhuận, song bên cạnh đó cũng có những nhà đầu tư theo đuổi mục đích cuối cùng là thâu tóm, nắm quyền kiểm soát chi phối DN để tiến tới tăng sức ảnh hưởng đối với một ngành hàng, lĩnh vực giàu tiềm năng trong nước...
“Bài học các DN Việt cần rút ra chính là phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong mọi hoạt động từ quản trị kinh doanh đến tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Nhất là khi tìm hiểu để đi đến ký kết với đối tác nước ngoài DN nên hiểu rõ mình tìm đến với “cuộc nhân duyên” này vì mục đích gì?
Vì vốn, công nghệ, nâng tầm quản trị, tìm kiếm thị trường hay nâng tính cạnh tranh, hướng ra quốc tế... để lựa chọn người đồng hành phù hợp với yêu cầu đặt ra. Chứ không nên để xảy ra tình trạng khi đã bắt tay, đặt bút ký rồi mới biết rằng cả hai không tìm được tiếng nói chung vì những mâu thuẫn, không cùng chung mục đích, thì liên kết đó sớm muộn gì cũng sẽ nhanh chóng tan rã”, ông Hưng nhấn mạnh.
» Dự án năng lượng sạch: Ngân hàng “hiến kế” thu hút tài chính
» Tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD