Theo GS Đại, chương trình dạy theo bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục rất hữu ích và được triển khai từ năm 1978 tại Trường Thực nghiệm (HN).
Cách đánh vần tiếng Việt theo sách “Công nghệ giáo dục“ khiến không ít phụ huynh hoang mang. Ảnh: Lao động
Xung quanh những xôn xao về cách đánh vần lạ cho học sinh lớp 1, ngày 27/8, GS Hồ Ngọc Đại cho biết, cách đánh vần này được dạy theo bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục, xây dựng trên tinh thần giải pháp Công nghệ Giáo dục do ông khởi xướng.
"Từ năm 1985, chương trình này đã triển khai mở rộng ra 20 tỉnh, đến năm 2000 có 43 tỉnh, thành. Đến năm nay có 49 tỉnh với hơn 800.000 học sinh học theo chương trình này", GS Đại thông tin.
GS Hồ Ngọc Đại nêu rõ, theo yêu cầu giáo dục, đối với học sinh khi học hết lớp 1 cần phải đọc thông, viết thạo, viết đúng chính tả tiếng Việt, không thể tái mù chữ.
"Với chương trình dạy theo bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục sẽ giải quyết triệt để việc giúp học sinh lớp 1 có thể thực hiện toàn bộ yêu cầu trên.
Đặc biệt, các em ở miền núi, vùng khó khăn, xa xôi nhất, chưa bao giờ đến trường nhưng chỉ cần 1 năm học theo chương trình sẽ đọc thông, viết thạo, viết đúng chính tả tiếng Việt và thực tế, chương trình đã, đang được áp dụng trên diện rộng", GS Đại nói thêm.
Cũng về cách đánh vần lạ này, cùng ngày, theo thông tin trên Báo , GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 được xem như tài liệu cụ thể hóa những nghiên cứu khoa học của GS Hồ Ngọc Đại.
Sách được nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho phép đưa trở lại thực nghiệm ở một số trường tiểu học sau một số năm dừng thực nghiệm.
"Theo tôi biết, sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 được triển khai từ những năm 80 của thế kỷ trước; đến năm 2002 thì dừng vì Luật Giáo dục quy định thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước. Nhưng sau đó, như trên đã nói, sách vẫn được Bộ GD&ĐT tiếp tục cho phép thực nghiệm trong nhà trường.
Năm ngoái, đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc này. Bộ GD&ĐT đã thành lập một hội đồng thẩm định để xem xét, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp của sách. Tuy nhiên, theo tôi được biết, hội đồng cũng chỉ yêu cầu tác giả bỏ những từ ngữ không có tính thẩm mỹ, tính giáo dục và sửa một số nội dung không chính xác về mặt khoa học", GS Thuyết nói.
Cũng theo GS Thuyết, trong tương lai gần, khi bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta sẽ thực hiện quy định “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” theo Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội.
Trước đó, nhiều người đoạn clip quay cảnh được cho là một giáo viên tiểu học đang hướng dẫn các vị phụ huynh học sinh có con đang theo học lớp 1 về chương trình dạy học mới với những thay đổi về cách đánh vần.
Đánh vần tiếng Việt theo sách Công nghệ Giáo dục. Ảnh: Lao động
Theo nội dung clip được , giáo viên này đang đứng trên bục giảng, hướng dẫn các vị phụ huynh dạy con em mình đánh vần các từ “k”, “qu” theo chương trình mới đều phải đọc là “c”, hay thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn”.
Cụ thể, “Ki” đọc là: cờ - i - ki. “Uôn” đọc là: ua - nờ - uôn; “Qua” đọc là: Cờ - ua - qua.
Thông thường, một âm được ghi lại bằng một chữ cái (a, b, d, đ, e, l, m,...). Tuy nhiên, theo sách Công nghệ Giáo dục lớp 1, một âm ghi lại bằng một chữ, nghĩa là các chữ ghi âm có vai trò như nhau.
Do đó, một âm /chờ/ được ghi lại bằng một chữ ch (chữ: chờ) chứ không phải được ghép lại từ 2 chữ c và h.
Ví dụ, theo cách đánh vần từ "hạnh" là: /hờ/-/anh/-/hanh/-nặng-/hạnh/; hoặc /a/-/nhờ/-/anh/-/hờ/-/anh/-/hanh/-nặng-/hạnh/ thì giờ học sinh không được đánh vần nữa mà phải đọc là /hanh/-nặng-/hạnh/.