28/8/18

Trẻ em được nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục

Một điểm mới đáng ghi nhận của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 là đã mở rộng đối tượng trẻ em được sự giúp pháp lý từ trẻ em không nơi nương tựa thành mọi trẻ em

Trẻ em được nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục
ảnh minh họa

Theo Báo cáo quốc gia lần thứ ba về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách bảo vệ quyền trẻ em.

Hiến pháp quy định trẻ em được nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được tham gia vào các vấn đề trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em (điều 37).

Quy định này của Hiến pháp đã được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em, Luật Giáo dục, Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Luật Trẻ em quy định rõ các nguyên tắc bảo đảm quyền của trẻ em là: không phân biệt đối xử với trẻ em, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em; lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến nguyện vọng của trẻ em và khi xây dựng chính sách pháp luật tác động đến trẻ em phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Luật Trẻ em cũng quy định 25 nhóm quyền của trẻ em như quyền sống, quyền được khai sinh, có họ tên, quốc tịch, quyền bí mật đời sống riêng tư, quyền được sống chung với cha mẹ, quyền được trợ giúp pháp lý, quyền của trẻ em không quốc tịch …

Nhà nước quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập (điều 11 Luật Giáo dục); Nhà nước luôn quan tâm dành ngân sách cho việc chăm sóc sức khỏe đối với trẻ em (điều 4 Luật Khám bệnh, chữa bệnh).

Theo luật, trẻ em có quyền được học tập (Ảnh: PL&XH)

Chế định về đại diện, giám hộ tại Bộ luật Dân sự đã góp phần bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên; trẻ em có quyền sở hữu thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật.

Bộ luật Dân sự quy định cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên. Đối với người chưa thành niên không còn cha mẹ, hoặc không xác định được cha mẹ; hoặc người chưa thành niên có cha mẹ nhưng cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha mẹ đều có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi; cha mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha mẹ đều bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha mẹ đều không có điều kiện chăm sóc giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ thì người chưa thành niên sẽ là đối tượng được giám hộ (các Điều 136 và 47).

Việc sửa đổi chính sách hình sự với người dưới 18 phạm tội tại Bộ luật Hình sự năm 2015 được thực hiện theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi. Cụ thể là việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi đã được bổ sung tại điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Điểm đáng ghi nhận trong Bộ luật này là đã thu hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, theo đó nhóm đối tượng này chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với 28 hành vi cụ thể…

Bên cạnh việc quy định chính sách hình sự nhân đạo đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, Bộ luật Hình sự còn quy định chính sách xử lý nghiêm đối với trường hợp phạm tội xâm hại đến người dưới 18 tuổi như quy định các tội danh riêng xử lý việc phạm tội đối với người dưới 18 tuổi, quy định trường hợp phạm tội đối với người dưới 18 tuổi nói chung và người dưới 16 tuổi nói riêng là tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội danh quy định trường hợp phạm tội đối với người dưới 16 tuổi nói riêng và tình tiết tăng nặng áp dụng chung.

Quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em được bảo đảm trên thực tế. Từ năm 2007 đến năm 2016, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã trợ giúp miễn phí cho 46.681 lượt đối tượng là trẻ em.

Một điểm mới đáng ghi nhận của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 là đã mở rộng đối tượng trẻ em được sự giúp pháp lý từ trẻ em không nơi nương tựa thành mọi trẻ em; bổ sung người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và người 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính là đối tượng được trợ giúp pháp lý.  

» 3 lợi ích khi biết thiết kế đồ họa
» ‘Cách đánh vần lạ không liên quan chương trình giáo dục phổ thông mới’

Related Posts: