17/8/18

Lý do LienVietPostBank điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận

Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn cho biết, đối mặt room tín dụng bị thắt chặt lại, chúng tôi phải làm sao chọn danh mục tín dụng tốt nhất cho ngân hàng và tận dụng ưu thế để phát huy hiệu quả như tận dụng mạng lưới tập trung bán lẻ, bán chéo sản phẩm dịch vụ, đa dạng nguồn thu thiết kế các gói sản phẩm tín dụng thay vì chương trình tín dụng thông thường…

Lý do LienVietPostBank điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận
ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Chỉ thị 04 là quyết định không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trừ những ngân hàng đang tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém. Hiện tại có khá nhiều ngân hàng đang thực hiện gần hết room tín dụng. LienVietPostBank là ngân hàng trong số đó. Tính đến thời điểm này tín dụng của ngân hàng tăng hơn 13,3% trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ngân hàng này được giao là 14%.

Vậy ngân hàng sẽ xoay sở ra sao với dư địa tín dụng còn lại. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Sơn - Phó tổng giám đốc LienVietPostBank xung quanh vấn đề này.

LienVietPostBank chịu tác động thế nào khi không được nới room tín dụng, thưa bà?

Tôi nghĩ rằng, bất cứ ngân hàng nào của Việt Nam thì nguồn thu tín dụng vẫn là nguồn thu chính. Đối với thị trường mới nổi như Việt Nam, nguồn thu từ dịch vụ chỉ chiếm từ 10-15% trong cơ cấu doanh thu của ngân hàng là rất tốt rồi. Mà tăng trưởng tín dụng hạn chế như vậy chắc chắn ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.

Đây cũng là một trong những lý do LienVietPostBank mới quyết định điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận?

Đúng là việc không được nới chỉ tiêu tín dụng là một trong những lý do mà LienVietPostBank điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận. Dự kiến ban đầu của ngân hàng là tăng trưởng tín dụng 20%. Nhưng sau khi có Chỉ thị 04 với thông điệp rất rõ ràng của NHNN là không thực hiện cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng, trừ một số trường hợp đặc biệt tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Với thông điệp rõ ràng như vậy, tôi nghĩ rằng, LienVietPostBank cũng như nhiều ngân hàng khác sẽ phải tái cơ cấu danh mục tín dụng của mình để đảm bảo lợi nhuận ổn định.

Như tại LienVietPostBank, từ năm ngoái ngân hàng thực hiện chính sách nhất quán tái cơ cấu danh mục tín dụng giảm dần các khoản cho vay DN lớn (bán buôn-pv) chuyển dần sang lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, đối với bán lẻ chi phí ban đầu cao, phải có hệ thống mạng lưới, có con người. Đó là một trong những lý do trong 6 tháng đầu năm số lượng nhân sự LienVietPostBank tăng tới 1.485 người.

Việc tăng trưởng nhân sự để đáp ứng việc mở rộng mạng lưới chi nhánh và cụ thể hóa định hướng tái cơ cấu danh mục tín dụng của ngân hàng từ bán buôn sang bán lẻ. Mà chi phí đối với mở rộng mạng lưới, nhân sự vận hành… khá lớn nên đây cũng là một trong những lý do ngân hàng quyết định điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận chứ không hoàn toàn chỉ do tín dụng.

Liệu ngân hàng có tiếp tục xin điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để giảm sức ép lên lợi nhuận?

Chắc chắn chúng tôi sẽ tuân thủ quy định của NHNN về duy trì chính sách trần tăng trưởng tín dụng. Là cá thể trong môi trường kinh doanh, việc của chúng tôi là phải tuân thủ và thay vì tìm cách làm sao tối đa hóa nhất lĩnh vực mà mình được phép tăng trưởng.

Đơn cử, đối mặt room tín dụng bị thắt chặt lại, chúng tôi phải làm sao chọn danh mục tín dụng tốt nhất cho ngân hàng và tận dụng ưu thế để phát huy hiệu quả như tận dụng mạng lưới tập trung bán lẻ, bán chéo sản phẩm dịch vụ, đa dạng nguồn thu thiết kế các gói sản phẩm tín dụng thay vì chương trình tín dụng thông thường…

Hiện tại dư nợ tín dụng bán lẻ tăng tới 14% cao hơn tăng trưởng chung. Mà cho vay bán lẻ bao giờ cũng có biên lợi nhuận cao hơn bán buôn. Sắp tới, ngân hàng cũng sẽ tăng chi phí dịch vụ ngân hàng, thu phí dịch vụ Ví Việt… để tăng nguồn thu từ dịch vụ cho ngân hàng. Với nhiều chính sách cộng hưởng, tôi tin rằng, ngân hàng sẽ vượt kế hoạch điều chỉnh đề ra.

Như nói ở trên, chúng tôi sẽ vẫn nghiêm chỉnh tuân thủ quy định của NHNN. Tôi nghĩ rằng, NHNN đã có đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí đưa ra mức tăng trưởng tín dụng 14% cho LienVietPostBank từ đầu năm. So với mặt bằng tín dụng chung của toàn ngành tôi nghĩ đó là mức phù hợp. Chúng tôi cũng hiểu rất rõ bài toán cân đối vĩ mô của NHNN kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu. Nên quyết định trên của NHNN là hợp lý.

Xin cảm ơn bà!

» Nghe như chuyện ngược đời: Giá mít Thái tăng kỷ lục lại đâm lo
» Ổn định tỷ giá vẫn là mục tiêu hàng đầu

Related Posts: