24/7/18

Đưa điện sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp vào đời sống

Hiện nay trong cả nước có 11 nhà máy đường đang sản xuất điện sinh khối bán điện lên lưới. Tiềm năng kỹ thuật của sản xuất điện bã mía trong ngành ước tính khoảng 2.346.017 MWh, đáp ứng nhu cầu điện điện của 450.000 hộ gia đình.

Công ty mía đường Lam Sơn. Ảnh triển lãm
Công ty mía đường Lam Sơn. Ảnh triển lãm

Đây là một trong những nội dung vừa được Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tại triển lãm ảnh Năng lượng sinh khối, được tổ chức ở TP.HCM.

Năng lượng sinh khối, với tiềm năng sử dụng hàng chục triệu tấn phụ phẩm trong nông nghiệp như bã mía, trấu, rơm và gỗ để sản xuất điện tại Việt Nam.

Triển lãm giới thiệu gần 20 tấm ảnh, là những câu chuyện chân thực về những cá nhân và tổ chức từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đang nỗ lực đưa nguồn điện ‘sạch’ này vào sản xuất và cuộc sống. Điều này góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững.

Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (Lasuco) là một trong các công ty lớn trong ngành mía đường Việt Nam. Với công suất ép 7000 tấn mía ngày, sản lượng đường hàng năm của công ty là 70 – 80 nghìn tấn đường. Thay vì đổ bã mía xuống ruộng để cải tạo đất như trước đây, từ năm 2000 đến nay, phụ phẩm này được công ty sử dụng để sản xuất nhiệt và điện.

Hiện nay, công suất tổ máy phát điện bã mía ở Lasuco là 33,5 MW, trong đó 50% điện lượng sản xuất được sử dụng để sản xuất đường, 50% còn lại được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN).

Trạm biến áp Mục Sơn.

Hàng năm, 16,75 MW điện sinh khối của nhà máy đường Lam Sơn được hòa vào lưới điện của tỉnh và thông qua trạm biến áp 110 kV Mục Sơn, trực tiếp cung cấp điện cho người dân tại 4 huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Triệu Sơn.

Từ năm 1992 đến năm 2000, điện sinh khối sản xuất từ bã mía của nhà máy đường đã được công ty này cấp miễn phí cho 500 hộ gia đình sống tại khu vực huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Quy trình sản xuất điện sinh khối từ bã mía còn giúp Lasuco có nguồn thu gần 10 tỷ đồng/năm từ hợp đồng bán giảm phát thải cácbon (CDM) với đối tác nước ngoài.

Hiện tỉnh Thanh hóa đang có 30.000 hộ nông dân trồng mía với hơn 20.000 hecta mía.

Nhằm tăng hiệu quả chuỗi sản xuất mía, đường và điện sinh khối, công ty Lasuco đã thành lập trung tâm nuôi giống mía năng suất cao, hỗ trợ nông dân cơ giới hóa việc trồng mía, lập phòng dự báo thời tiết và phân tích đất. Năng suất hiện nay từ 70 – 75 tấn/hecta; giá thu mua mía từ người dân là 50 USD/tấn mía.

Bã mía để sản xuất điện tại công ty Lam Sơn. Ảnh triển lãm

Ông Lê Văn Tam, chủ tịch hội đồng quản trị của Lasuco đang kiến nghị nhà nước mua điện bã mía với giá 8,5 cent Mỹ/kWh, bằng mức giá bình quân của năng lượng tái tạo.

Hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang mua điện từ đồng phát nhiệt điện bã mía với mức giá 5,8 cent Mỹ/kWh (tương đương với 1.220 đồng/kWh), thấp hơn mức giá 7,4 cent/ kWh cho điện từ các nhà máy điện sinh khối.

“Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo công bằng trong điện sinh khối với điện mía đường. Có như vậy, làn sóng đầu tư điện sinh khối trong ngành mía đường sẽ khác, chứ không phải như hiện nay”, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, cho biết.

Nông dân Trần Đức Hùng. Ảnh triển lãm

Năm 2017, tỉnh Hậu Giang có 10.700 hecta trồng mía. Là đơn vị chủ lực thu mua mía của tỉnh, công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ thường xuyên tư vấn về kỹ thuật và hỗ trợ giống mới cho bà con nông dân trồng mía.

Anh Trần Đức Hùng tại ấp 2 (xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), cho biết gia đình anh đã có truyền thống trồng mía gần 40 năm. Với 1 hecta mía anh hiện đang trồng, cho sản lượng lên tới 18 tấn đường một năm.

Thu hoạch từ trồng mía đã đem lại 50 triệu đồng/năm cho gia đình anh Hùng, giúp hai con của anh được đến trường.

Gia đình anh Hùng là thành viên của Câu lạc bộ 200 tấn mía – một sáng kiến được công ty Casuco thành lập từ năm 2005. Câu lạc bộ này hiện đang quy tụ 201 hộ dân có sản lượng đạt từ 12 tấn đường trên một hecta trở lên, một trong những mức sản lượng cao nhất trong cả nước.

Nếu được đầu tư công nghệ phù hợp, Nhà máy đường Phụng Hiệp thuộc công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ có thể phát lên lưới điện quốc gia 51 MWh. Doanh thu từ bán điện sinh khối từ bã mía có thể lên đến 116 tỷ đồng với giá mua điện là 7,4 cent Mỹ/kWh.

Trồng mía ở An Giang. Ảnh triển lãm

Còn doanh nghiệp tư nhân Hòa Tứ (xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) chuyên về xay xát và kinh doanh gạo quy mô công suất 300 nghìn tấn lúa mỗi ngày. Lượng trấu xay xát hàng ngày được ép thành củi, và bán ra thị trường, đem lại doanh thu hàng năm gần 6 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí nhân công, điện, khấu hao máy móc, và trả tiền cho những chủ lúa, doanh nghiệp vẫn còn lãi 2 tỷ đồng.

“Bao giờ hoàn thành xong Đề án về điện sinh khối của tỉnh do GIZ hỗ trợ, chúng tôi sẽ kêu gọi các nhà đầu tư vào cuộc”, ông Đoàn Minh Triết, Phó Giám đốc sở Công thương tỉnh An Giang cho biết.

Là một trong những vựa lúa ở ĐBSCL với sản lượng lúa hàng năm lên tới 4 triệu tấn lúa và 800.000 tấn trấu, dự kiến hàng năm tỉnh An Giang có thể sản xuất được 30 MW điện sinh khối, lượng điện này có thể đáp ứng nhu cầu về điện năng của 350.000 hộ dân.

Ảnh triển lãm

Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây đã cho thấy, tính đến cuối năm 2014, Việt Nam vốn đã có thể khai thác khoảng 20,67 triệu tấn phụ phẩm gỗ và 52,91 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp (chủ yếu là trấu, rơm và bã mía).

Theo ông Ingmar Stelter, Giám đốc Chương trình hỗ trợ Năng lượng bộ Công thương/GIZ, trong bối cảnh hiện nay, việc tận dụng các nguồn sinh khối sẵn có, bao gồm chất thải/phụ phẩm sinh khối để sản xuất năng lượng sạch và tái tạo là không khó.

Việc đầu tư vào công nghệ sản xuất năng lượng sinh khối cũng góp phần phát triển chính bản thân ngành nông nghiệp.

» Quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái
» Vinasun thoát lỗ nhờ quảng cáo trên taxi và bán xe cũ

Related Posts: