19/7/18

Trump bị chỉ trích, Mỹ đã thất bại!

Dường như giới tinh hoa Mỹ tự tin những gì tạo nên nước Mỹ trung tâm của thế giới tự do sẽ là bất biến, nếu thay đổi là do Trump...

Bộ đôi Trump-Putin tại cuộc họp báo gây bão
Bộ đôi Trump-Putin tại cuộc họp báo gây bão

Tống thống Trump bị chỉ trích thậm tệ tại Mỹ sau cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ

Tại cuộc họp báo chung ở thủ đô Helsinki của Phần Lan, sau cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không đưa ra lời chỉ trích nào nhằm vào người đồng cấp phía Nga Vladimir Putin.

Trước động thái đó, ông Trump bị cho là đã tin lời ông Putin phản ứng về cáo buộc Kremlin tấn công mạng trong cuộc bầu cử năm 2016, điều mà theo cộng đồng tình báo Mỹ là giúp ông Trump chiến thắng.

"Họ nghĩ rằng Nga có chủ mưu. Có Tổng thống Putin đây. Ông ấy đã nói với tôi rằng Nga không phải kẻ chủ mưu những vụ tấn công", người đứng đầu Nhà Trắng lên tiếng với báo giới.

"Tôi xin nói rõ. Tôi không thấy có lý do gì Nga phải chủ mưu những vụ tấn công. Tôi có niềm tin rất lớn vào lực lượng tình báo Mỹ. Song hôm nay, Tổng thống Putin đã phản bác một cách mạnh mẽ", vị tổng thống doanh nhân thể hiện quan điểm.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có phải ông đã tin lời ông Putin hơn các cơ quan chấp pháp và tình báo Mỹ, ông Trump đã không trả lời mà đề cập câu chuyện về thư điện tử của cựu ứng viên Hillary Clinton, nhắm tô vẽ chiến thắng của mình.

"Tôi dễ dàng đánh bại Hillary Clinton. Tôi đã giành chiến thắng trong cuộc đua. Thật đáng xấu hổ cho ai có nghi ngờ về điều đó. Chúng tôi đã có một chiến dịch vận động tuyệt vời. Đó là lý do vì sao tôi trở thành tổng thống", ông Trump khẳng định.

Những nhận định và quan điểm của Tổng thống Trump đã "gây bão" tại Washington. Nhiều bình luận đã cho rằng đây là màn trình diễn yếu kém nhất lịch sử của một tổng thống Mỹ trước một đối thủ nước ngoài, theo CNN.

Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ John Brennan, công kích cuộc họp báo của Trump ở Helsinki đã "vượt ngưỡng hành động không đúng mực, không khác gì phản nghịch" và xem "ông ấy đã nằm trong túi Putin".

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain thì cho rằng ông Trump đã có "một trong những màn trình diễn đáng hổ thẹn nhất" trong các đời tổng thống Mỹ. "Rõ ràng thượng đỉnh ở Helsinki là một sai lầm thảm hại", ông McCain nhấn mạnh.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan thì quan ngại : "Tổng thống phải hiểu rõ rằng Nga không phải là đồng minh của chúng ta. Không thể xếp Nga và Mỹ ngang hàng về giá trị đạo đức, khi họ luôn tỏ ra thù địch với những giá trị và nền tảng căn bản của chúng ta".

Ông Paul Ryan cho rằng : "Nước Mỹ phải tập trung vào việc buộc Nga chịu trách nhiệm và đặt dấu chấm hết cho những hành động tấn công trắng trợn của họ nhắm vào nền dân chủ".

Obama chỉ trích bộ đôi Trump-Putin

Trong khi đó người tiền nhiệm của Tổng thống Trump và là đối thủ "không đội trời chung" với Tổng thống Putin, cựu Tổng thống Barak Obama - người còn ảnh hưởng rất lớn với đời sống chính trị Mỹ - đã chĩa mũi dùi vào cả Trump lẫn Putin.

Phát biểu tại Johannesburg nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nelson Mandela, nhà lãnh đạo da màu đầu tiên của Nam Phi, cựu Tổng thống Obama cho rằng "chính trị của sợ hãi và thù oán" đang phát triển với tốc độ không thể tưởng tượng.

“Chính trị độc tài đột ngột gia tăng. Các cuộc bầu cử và nền dân chủ giả hiệu được duy trì, còn những người nắm quyền dường như đang tìm cách làm suy yếu mọi thiết chế bảo đảm dân chủ”.

Sự chỉ trích của giới chính trị truyền thống tại Mỹ được xem là lời cảnh báo việc gia cố lồng nhốt quyền lực Trump sẽ vững chắc hơn, khiến vị Tổng thống Mỹ thứ 45 phải "nói lại cho rõ", song sức ép với người đứng đầu Nhà Trắng vẫn chưa hể giảm.

Nước Mỹ đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong chiến lược đối ngoại

Theo chính trị học và lịch sử quan hệ quốc tế, trong quan hệ đối ngoại, nguy hiểm nhất là bị động trước đối phương, dù là đối thủ, đối tác hay đồng minh. Vì trong bang giao quốc tế phải đa dạng hóa công cụ ngoại giao để có thể “thiên biến vạn hóa”.

Khi đã bị động trước đối phương thì việc sử dụng các công cụ sẽ phụ thuộc vào việc ra đòn của đối phương và khả năng “thiên biến vạn hóa” trong trường hợp này chỉ còn là “tương kế tựu kế”.

Và cho dù, ngay cả có thể "tương kế tựu kế" thành công và kết quả đạt được rất mỹ mãn, thì đó cũng không phải là phương châm ngoại giao nhà nước, vì đó chỉ luôn là bước thứ hai mang tính dự phòng.

Như vậy, khi để rơi vào thế bị động trước đối phương, phải chờ đối phương ra đòn mới có thể sử dụng biện pháp đối phó thì đó bị xem là thất bại và nguyên nhân là sai lầm trong chiến lược hay sách lược bang giao.

Mỹ đang không thể tựa lưng vào đồng minh để tấn công đối thủ

Bị động trước đối phương thỉ bị cho chỉ là sai lầm về sách lược, còn nếu bị động với chính mình thì đó bị xem là sai lầm nghiêm trọng mang tính chiến lược và có nguy cơ bị thiệt hại lớn hơn nhiều.

Vì bị động trước đối phương thì chỉ chờ đối phương ra đòn rồi tung đòn đối phó, còn bị động với chính mình thì không thể ra đòn với đối phương, không thể tung đòn hóa giải nguy hại với việc ra đòn của đối phương.

Bởi lẽ khi đó việc ra đòn, tung đòn đều có nguy cơ gây thiệt hại cho mình trước nhất, lớn nhất. Đó chính là tình thế tiến thoái lưỡng nan và hiện nay hoạt động đối ngoại của Mỹ đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong nhiều trường hợp.

Có nhiều hành xử, đối xử của Washington đã gây hại cho nước Mỹ hay Washington luôn phải trả giá cho các nước đi của mình. Nước Mỹ hiện đang rơi vào cảnh đối mặt với các đối thủ nhưng không thể tựa lưng vào các đồng minh.

Hệ quả đó là do các đồng minh cảm nhận bị Washington vắt chanh bỏ vỏ nên hạ tầm quan hệ, thậm chí quay lưng. Đây là nguyên nhân chính khiến Washington đang phải đối mặt với tình trạng rất nguy hiểm là đồng minh xa lánh, đối tác hạ tầm.

Nhận diện tình thế nguy hiển đó của nước Mỹ, Tổng thống Putin đã nhanh chóng làm hồi sinh sức mạnh Nga và khi phải đối mặt với Mỹ trong nhiều bàn cờ chiến lược thì có thể nhanh chóng đưa vấn đề thành ván cờ tàn với Mỹ, giảm nguy hại với Nga.

Điều đó thể hiện rõ nhất qua cuộc Chiến tranh Nga-Gruzia, cuộc xung đột Ukraine hay cuộc nội chiến Syria. Cho dù Mỹ trừng phạt Nga nhưng thiệt hại của Mỹ và đồng minh không thua gì thiệt hại của đối phương, bởi đây là nước đi “lợi bất cập hại”.

Khi bất ổn trở thành xu thế vận động của lịch sử thế giới, ảnh hưởng bất lợi cho sức mạnh Mỹ, lợi ích Mỹ, giá trị Mỹ, mà Nga lại ngày càng nổi lên là một thực thể có thể giúp Mỹ hiệu chỉnh xu thế bất lợi ấy - cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ được tổ chức.

Nga đã lấp ngay những khoảng trống của Mỹ

Tuy nhiên, trước khi diễn ra cuộc gặp chính thức Trump-Putin, vị thổng thống doanh nhân bị nghi ngại sẽ nhượng bộ Moscow, còn sau sự kiện lịch sử này ông bị xem như người "phản bội nước Mỹ". Rõ ràng Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Nước Mỹ quá bảo thủ nên đã thất bại trước kẻ thù nguy hiểm nhất - kẻ thù tư tưởng

Đã hơn một năm trôi qua, dường như đời sống chính trị Mỹ vẫn chưa bình thường trở lại sau chiến thắng của tỷ phú bất động sản Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 57 của nước Mỹ.

Giới chính trị truyền thống Mỹ và nhiều thành phần tinh hoa khác trong xã hội Mỹ vẫn chưa thể chấp nhận chiến thắng của ông Trump và đến nay thì vấn đề không chỉ còn là thắng thua của các ứng viên trong cuộc bầu cử nữa.

Bởi "hiệu ứng Trump" đã tạo ra rất nhiều đổi thay trong cả đời sống chính trị Mỹ lẫn đời sống xã hội Mỹ và chiến thắng của ông Trump đã được xem là một bước ngoặt quan trọng đối với lịch sử nước Mỹ.

Lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ, giá trị Mỹ - thể hiện ra qua vị thế của nước Mỹ - đã có sự đổi thay, mà thể hiện ra là sự giảm sút vai trò về của nước Mỹ đối với sân khấu chính trị thế giới và nền kinh tế toàn cầu.

Về chính trị, cho đến nay hầu hết những nước cờ chính trị của Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh đều thất bại, khi tất cả những bàn cờ chính trị mới mà Mỹ tạo ra tại các quốc gia như Iraq, Lybia, Afghanistan hay Kosovo đều rệu rã.

Washington đã phải trả giá khi không xây dựng nền tảng quyền lực cho các thực thể chính trị thân Mỹ tại các bàn cờ chính trị mới, thể hiện qua hiệu ứng tiêu cực là nhiều đồng minh thân thiết, đối tác chiến lược lần lượt rời bỏ nước Mỹ.

Ngày càng có nhiều đồng minh, đối tác chịu sự ảnh hưởng bởi các đối thủ của Mỹ, thậm chí có những đồng minh, đối tác đã trở thành đối thủ của Mỹ. Khoảng trống của Mỹ trên sân khấu chính trị thế giới ngày một lớn hơn.

Về kinh tế, dù vẫn là có nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới, nhưng thực ra nước Mỹ đã để cả đồng minh, đối tác lẫn đối thủ qua mặt Mỹ ở nhiều lĩnh vực, thay thế Mỹ trong nhiều định chế quốc tế.

Vị thế và vai trò Mỹ sụt giảm khiến Trump gặp khó trong việc "làm cho nước Mỹ vị đại trở lại"

Mỹ phải liên tục áp dụng các biện pháp tạo nên hàng rào bảo hộ mậu dịch như áp thuế chống bán phá giá, tăng thuế để lập hàng rào thuế quan hay gắn lợi ích kinh tế với các vấn đề chính trị.

Rõ ràng, dù nền kinh tế Mỹ có quy mô rất lớn, nhưng sức mạnh của nền kinh tế Mỹ thì cần phải thẩm định lại. Đã đến lúc người Mỹ cần phải thay đổi quan điểm là luôn mặc định kinh tế Mỹ "đã lớn là mạnh".

Về quân sự, Mỹ vẫn là siêu cường cả về khí tài và chiến lược công - thủ, song cấu trúc của hệ thống thì ngày càng tỏ ra tụt hậu so với trang bị và chiến lược. Nguyên nhân là do niềm kiêu hãnh về sức mạnh Mỹ, từ đó hình thành nên tư tưởng bảo thủ.

Hệ quả là những trụ cột hình thành nên sức mạnh Mỹ đổi thay không đồng bộ, từ đó dẫn đến sự lệch pha. Từ sự lệch pha giữa các trụ cột khiến Mỹ mạnh - yếu trên các mặt trận và từ đó tạo cơ hội cho đối thủ qua mặt Mỹ.

Qua cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, giới chính trị truyền thống mới giật mình trước sự thách thức của Nga trong cuộc chiến thông tin và không thể phủ nhận Mỹ đã thua xa Nga trên mặt trận tuyên truyền - một mặt trận cực kỳ nguy hiểm dù không tiếng súng.

Thực ra nước Mỹ đã có vấn đề lớn mà Trump chỉ là sự thẩm định chứ không phải là nguyên nhân. Nước Mỹ vẫn là cường quốc số một thế giới, nhưng nếu giới tinh hoa Mỹ không thay đổi quan điểm thì vị thế ấy sẽ rời bỏ nước Mỹ tương lai không xa.

Tuy nhiên, giới chính trị Mỹ dường như vẫn tự tin rằng những gì tinh túy nhất tạo nên một "nước Mỹ trung tâm của thế giới tự do", sẽ là bất biến, còn nếu có thay đổi bất lợi thì đó là do Trump.

Điều đó được thể hiện qua việc Tổng thống Trump bị chỉ trích thậm tệ sau Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ. Với thực tế đó, giới phân tích cho rằng nước Mỹ đã thực sự thất bại, mà kẻ thù đánh bại nước Mỹ chính là tư tưởng bảo thủ của giới tinh hoa Mỹ.

» EU bắt tay Nhật Bản chống chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ
» Quân đội Syria ra đòn quyết định để kiếm soát toàn bộ khu vực Tây Nam

Related Posts: