Tôi đang say, say thật ấy chứ, chẳng phải giả vờ đâu.
ảnh minh họa
Tôi cuộn mình trong đống chăn mền, nghe hơi thở nồng nặc, mỏi mệt. Nhớ có lần nào đó, cũng lâu lắm rồi, tôi say, nhưng khóc xong là tỉnh. Lần này tôi đã khóc đến mệt nhoài, khản đặc mà vẫn chưa hết say. Tôi buộc mình phải nghĩ ra cái trò gì chơi để qua cái giai đoạn lâng lâng này. Giá có thêm ai đó bên cạnh thì lại lắm trò chơi, nhưng vì có mỗi một mình, nên tôi đắn đo.
Tôi thử nhấc chân lên, nhảy vài đoạn nhạc có vẻ được, nhưng ngay cả việc lê đôi chân đi còn khó khăn, tôi bất lực. Tôi thử đến đôi tay, tôi thích chơi trò tạo hình. Ngày còn bé ở khu tập thể, điện mất luân phiên, những đêm chỉ có ánh trăng và ánh đèn dầu khói đen hăng hắc, mẹ lại tạo hình những con thú ngộ nghĩnh và bảo tôi thử tưởng tượng xem nó là con gì. Đôi tay mẹ thon và đẹp lắm, làm cánh chim trời, làm chú cún nhỏ, làm bác gà trống, làm bé thỏ hồng... Còn bóng tay tôi in lên bức tường lem nhem báo cũ thì lại ra lắm hình hài quái dị, buồn cười. Nhưng làm sao vươn cánh tay lên bây giờ? Tôi cố với, nó chẳng chịu thẳng ra mà cứ co quắp lại như bông loa kèn cuối tháng tư, héo úa. Tôi đành nằm im, chỉ có những ngón tay di động và nhúc nhích.
Ngón tay bắt đầu di di lên tóc, tôi bật cười với ý nghĩ mình sẽ trông ra sao nếu không có tóc? Ha ha, tôi cười lớn, chắc sẽ hay ho lắm, mà tôi cũng đã từng không có tóc mà. Mẹ kể khi được sinh ra tôi hoàn toàn trọc lóc, không một sợi tóc. Rồi chẳng hiểu sao vài tháng tuổi tóc mọc dày và đen, thế là ngày nhỏ tôi để tóc dài, dài lắm. Ai thấy cũng xuýt xoa khen ngợi mái tóc đó. Ấy vậy mà đến cái tuổi dậy thì, tôi căm thù cái giai đoạn ấy, giai đoạn đã biến đổi con người tôi một cách quái dị: Tóc tôi bắt đầu xoăn và xù bông lên, chẳng ra hình thù gì, kèm theo một vài triệu chứng khác. Mái tóc ấy đã làm tôi vô cùng đau khổ khi thấy mình trong gương. Mẹ nhìn tôi lắc đầu, chắc lại giống họ bên ấy rồi. Họ bên ấy là bên nào tôi chẳng hiểu nhưng mãi về sau này tôi được về quê nội thì tôi mới biết đến cái gì gọi là di truyền. Họ nội nhà tôi ai cũng cùng một kiểu tóc như thế. Và đó là tất cả những gì mẹ nhắc nhớ tôi cũng có một người cha.
*
Bây giờ thì có lẽ tóc tôi còn tệ hơn vì tôi đang say, và tôi mới nhuộm thành màu nâu nâu đỏ đỏ gì đấy, nó xơ xác, rệu rã như bản thân tôi lúc này. Tôi lần mò trên đầu, cố gắng tìm kiếm nhưng sao tôi không thể tìm được một sợi tóc nào của ngày xưa nhỉ? Không lẽ vết tích ngày ấy chẳng còn để chứng minh tôi cũng từng là một cô bé có mái tóc đen dài bóng mượt, hay tôi mãi hoài đi tìm bóng dáng người đàn ông giống ba nhất, để khỏa lấp cơn thèm ngày nhỏ đứng lơ ngơ trước sân trường nhìn lũ bạn có ba đón đưa?
Thất vọng, tôi vò mớ tóc trên đầu rồi bắt đầu di chuyển luồn từng ngón tay ra khỏi chúng, tôi đã chán cái trò chơi với tóc. Tôi đưa tay qua tai, vân vê cái lỗ tai bé xíu, tôi giật mình, tay đưa qua bên tai kia, hình như một chiếc khuyên tai đã rớt ở đâu đó, tôi vùng dậy tìm kiếm, lần mò dưới gối. Không thể được, tôi hoảng hốt, đó là món quà của bà ngoại đã dành tặng năm tôi mười sáu tuổi, đôi hoa tai bằng vàng hình mắt cá sấu bé xíu. Nó được mua từ những gì ngoại dành dụm được khi mót lại những thứ còn cuối vụ. Tôi bò xuống giường, tìm khắp mọi nơi nhưng vô vọng. Tôi nấc, vì đã làm mất vật quan trọng như thế. Chẳng còn sức để bò nữa, tôi nằm vật ra sàn, lưng mát lạnh. Tôi quay nhìn dưới gầm giường, tưởng tượng một con gì đó có thể bò đến từ cái nơi tối đen hun hút ấy. Gầm giường là điều đáng sợ nhất với tôi ngày bé, nhưng giờ tôi thử bò vào, để xem có những gì, biết đâu có một cái mồm rộng đầy răng nanh đang chờ tôi vào để nuốt chửng? Có cái gì đó lấp lánh, con mắt, một con mắt đang chòng chọc nhìn về phía tôi, nó xoáy vào tận tâm can tôi: “Cô là kẻ vô tình, cô là đứa tham lam và ích kỷ, cô khao khát nhiều thứ hơn nữa, cô muốn chối bỏ cái gốc tích rơm rạ của mình chứ gì?”. Tôi giật bắn mình. Ai? Là ai mà dám nói những điều như thế? Chưa ai có đủ can đảm nói trước mặt tôi những điều đó, chỉ có những lời khen ngợi và đáp ứng mong muốn của tôi, chưa một ai. Như đọc được ý nghĩ ấy, con mắt lại ánh lên những tia sáng: “Đừng dối lòng, chẳng phải đôi hoa tai ngọc trai đang nằm trong túi xách của cô sao?”. Đó là quà tặng, chỉ là một món quà, có hiểu không hả? Tôi gào lên. Tia sáng yếu ớt rồi dần dần tắt, chỉ có âm thanh thì thầm như tuyệt vọng: “Cô muốn vứt bỏ tôi ư?”. Tôi đưa tay về phía ấy, nắm chặt như muốn bóp chết thứ gì dám sỗ sàng với tôi. Đó là chiếc khuyên tai mắt cá sấu.
Tôi đeo chiếc khuyên vào, vân vê hai bên tai cho chúng đều nhau rồi bò lên giường. Chơi trò dưới gầm giường thật đáng sợ, đúng như những gì tôi tưởng tượng ngày nhỏ, gầm giường luôn là thế giới đáng sợ của lũ trẻ con, và với một vài kẻ chẳng còn là trẻ con nữa, như tôi chẳng hạn. Tôi thở dốc, nằm im, đặt hai tay lên bụng để điều hòa hơi thở, và nghĩ đến đôi khuyên tai của mình.
Tôi băn khoăn tự hỏi, con người ta thật nực cười, có thể chịu đựng mọi đau đớn của xác thịt chỉ để làm cho mình trở nên xinh đẹp, nổi bật. Nhưng cái lỗ tai này là điều ngoại lệ, vì thường khi những bé gái còn nhỏ, các bà mẹ đã tranh thủ xuyên lỗ tai rồi, nên chúng trở nên bất đắc dĩ với tôi. Nếu bây giờ bảo tôi làm gì trên da thịt mình đổi lấy cái đẹp, có lẽ tôi không dám. Nói gì xa xôi, mấy chị ở cơ quan tôi thi nhau đi chống mũi, wax lông chân, hút mỡ bụng. Mà nhắc mới nhớ, hình như là có vụ gì đó trước đây xôn xao lắm, về cái chuyện hút mỡ bụng mà mất mạng. Có nực cười không? Tôi ngoác miệng chế giễu, chẳng nhớ rõ nữa, chỉ nhớ sau vụ ấy mấy chị trong cơ quan rủ nhau đi tập thể dục và nhìn vòng hai của tôi một cách thèm khát. Tôi khoái trá, xoa xoa chiếc bụng phẳng lì của mình, có vật gì cồm cộm. À, chiếc cúc áo, tôi lấy hai ngón tay vê tròn theo viền chiếc cúc. Tôi nhớ khi về nhà tôi đã cố sống cố chết thay quần áo rồi cơ mà, sao lại còn mặc chiếc áo sơ mi lúc chiều chứ? Nhớ ra rồi, tôi đã thay bộ đồ ngủ có hình con thỏ xinh xinh trước bụng, hai tai vểnh lên trông rất đáng yêu. Vậy chiếc cúc chắc là mắt thỏ, tôi tò mò muốn xem mắt thỏ màu gì, nhưng không thể gượng dậy nổi, càng gắng càng đuối sức. Tôi bắt đầu kiểm tra hình hài của chiếc cúc áo, nó hình tròn, ở giữa có bốn cái lỗ nhỏ để xâu chỉ vào. Nhưng vì dùng để làm mắt thỏ nên chúng chỉ được dán bằng keo nhựa. Tôi cố gắng gỡ nó ra, tôi kéo căng lên, tôi tưởng tượng cái gương mặt xinh xinh đáng yêu của chú thỏ kia rúm ró đau đớn, hai tai co lại. Tôi thực sự chẳng còn chút sức lực nào nữa, tôi loay hoay nhớ lại xem tại sao hôm nay mình lại say đến thế.
*
Chiều nay, tôi đã nhận lời dùng bữa tối cùng anh ta. Vì sao ư? Vì tôi đã chia tay hắn, chẳng có lý do gì để từ chối nữa. Anh ta đưa tôi đến một nhà hàng sang trọng, có nhiều ánh đèn, có hoa tươi. Một thoáng trong tôi xao động, tôi nói thật đấy, vì tôi chẳng bao giờ thích nói dối cả. Đúng là tôi có choáng ngợp, nhưng tôi lấy lại bình tĩnh ngay. Anh ta tặng tôi một hộp quà nhỏ, tôi lưỡng lự. Tôi đã từng có một tình yêu (hoặc như người ta hay gọi là tình yêu) với hắn - một người đàn ông bình thường như bao người đàn ông khác. Khi anh ta tán tỉnh tôi, tôi vẫn chung thủy ngồi trên chiếc Dream cọc cạch, cùng hắn lang thang khắp phố như những đôi tình nhân lãng mạn. Nhưng hắn muốn tôi minh chứng điều hắn nghĩ, muốn một cuộc yêu nồng nhiệt đến tận cùng. Trong lúc muốn chứng tỏ bản lĩnh đàn ông của mình, hắn đã quá vội vàng. Vội vàng đến nỗi không thể đủ bình tĩnh để tháo những chiếc cúc quần jeans của tôi, và một chiếc đã văng ra trước cơn run rẩy của hắn. Tôi như bừng tỉnh giữa cơn mê, tôi đạp hắn ra xa và đi tìm chiếc cúc, nó bay vào cốc nước đặt trên bàn, giữa phòng. Tôi nhìn vào cốc nước, chiếc cúc quần chơi vơi trong đó. Một con mắt hình lục giác lạnh lùng hỏi tôi: “Cô có yêu hắn không? Cô gọi những gì đang diễn ra là tình yêu?”. Tôi nhặt chiếc cúc quần cất vào túi áo và lao ra khỏi phòng.
Tối nay, tôi đã nhận lời mời của anh ta, nhưng không phải vì tôi cần gì ở anh ta, chỉ là tôi thấy mình cô đơn.
Và thế là tôi say, tôi hân hoan cùng anh ta với những câu chuyện hài hước. Tôi cụng ly, tôi uống cạn, tôi chếnh choáng. Tôi nghĩ mình chẳng còn chút sức lực nào khi anh ta dìu tôi ra bãi đỗ xe, chỉ nhớ có một bàn tay túm lấy tôi và lôi xềnh xệch về nhà. Khi tôi lấy hết bình tĩnh để ngước nhìn, tôi nhận ra cậu ấy.
Có giọt mưa nào xuyên qua những cái lỗ bé xíu, tạt vào mắt tôi, ướt nhòe. Tôi thấy mình mệt lắm, chơi những trò chơi một mình này làm tôi thấy mình trở nên cô độc và buồn tẻ. Tôi đã chán cái cách mình tự tạo ra một vỏ bọc mạnh mẽ để bao lấy những vết thương hằn sâu trong ký ức, nhưng còn biết làm gì đây khi thành phố ngoài kia toàn những con người xa lạ?
Trong giấc mơ, tôi thấy mình chạy bộ trên triền đê xanh bao quanh cánh đồng làng tôi. Sao gương mặt tôi rạng ngời đến thế. Bên tôi là lũ trẻ con. Còn bố của chúng là ai nhỉ? Tôi tò mò muốn nhìn rõ mặt, nhưng vì đó chỉ là giấc mơ, chỉ thấy nhân ảnh mờ nhạt, nhưng rất quen. Có phải chăng là người vẫn đứng ngoài cửa nhà tôi từ lúc đưa tôi về...
» Bông ban nở muộn
» Xóm ven hồ