11/7/18

Mỹ rút khỏi JCPOA: Dầu và dollars không khuất phục Iran

Dầu đổi hàng, tái làm giàu Uranium, phong tỏa eo biển Hormuz…, là những biện pháp chủ chốt Iran đối phó với lệnh cấm xuất khẩu dầu và dollars của Mỹ.

Iran có thể phong tỏa eo biển Hormuz để đáp trả việc Mỹ ngăn chặn xuất khẩu dầu
Iran có thể phong tỏa eo biển Hormuz để đáp trả việc Mỹ ngăn chặn xuất khẩu dầu

Vào ngày 8 tháng 5, Tổng thống Donald Trump đã hoàn tất lời hứa của mình là đưa Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, đã đạt được giữa Iran và 6 cường quốc thế giới (nhóm P5+1, gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức).

Thỏa thuận hạt nhân Iran (Iran Nuclear Deal-IND), còn được gọi là “Kế hạch Hành động chung Toàn diện” (Joint Comprehensive Plan of Action - JCPOA), đã áp đặt các lề luật nghiêm ngặt đối với chương trình hạt nhân của Tehran, để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Mỹ tung đòn mạnh, Iran sẽ đáp trả tương xứng?

Sau khi rút khỏi JCPOA, Tổng thống Trump đang xem xét đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách tổ chức khủng bố; đồng thời, sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Tehran trong nhiều lĩnh vực, nhằm bóp nghẹt kinh tế Iran.

Theo đại diện của Nhà Trắng, việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới, với biên độ mở rộng và mức độ nghiêm ngặt hơn đối với Iran không nhằm tìm kiếm sự thay đổi chế độ, mà chính quyền Trump chỉ mong muốn một “sự thay đổi hành vi” của Tehran.

Phần đầu tiên của các lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực vào ngày 6 tháng 8, nhằm vào lĩnh vực ô tô, kinh doanh vàng và các kim loại then chốt khác của Iran. Phần thứ hai sẽ có hiệu lực vào ngày 6 tháng 11, nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Iran và các giao dịch dựa trên dầu mỏ, cũng như các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran; nhằm dập tắt xuất khẩu dầu của nước này trên thị trường toàn cầu.

Trong cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, Tehran tin rằng đã có các hoạt động đầu cơ làm sụt giảm giá trị đồng tiền Iran và gây rối loạn trong tỷ giá hối đoái trên thị trường. Tính đến giữa năm 2018, đồng rial đã giảm hơn một nửa so với mức giá trung bình là 37.700 rial/dollars vào giữa năm 2017.

Quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran cũng được cho là đã đóng một vai trò trong sự mất giá liên tục của đồng rial. Sự sụt giảm của rial trong mùa xuân khiến các nhà chức trách phải đóng cửa nhiều trao đổi tiền tệ.

Iran đã dự đoán được những khó khăn kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA

Ngày 2 tháng 7, Brian Hook, Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ đã tái khẳng định mục tiêu của chính quyền Trump là sẽ giảm xuất khẩu dầu của Iran xuống con số 0 vào tháng 11, gây áp lực kinh tế đủ mạnh để buộc Iran phải khuất phục.

Theo Bộ Dầu mỏ Iran, quốc gia này hiện đang xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Bộ trưởng dầu mỏ của Iran Bijan Namdar Zaganeh cho biết, Mỹ không thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của nước này, nếu xuất khẩu dầu thô của Iran đạt 4 triệu thùng một ngày.

Bộ trưởng Dầu khí Iran Bijan Zangeneh cho biết, hiện nay, Iran đã giảm xuất khẩu xuống 2,5 triệu thùng/ngày từ mức 2,8 triệu thùng/ngày trong tháng 5. Iran khẳng định, nước này sẽ duy trì xuất khẩu dầu ổn định ở mức 2 triệu thùng/ngày ngay cả sau khi áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ.

Nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Iran đã tung ra hàng loạt biện pháp về chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự để răn đe Mỹ và châu Âu. Ngoài việc đe dọa “rút khỏi thỏa thuận hạt nhân” (với các nước còn lại, không có Mỹ) (xem bài “Iran bỏ JCPOA, tái khởi động hạt nhân: Thuộc bài Triều Tiên?” và “Mỹ-Israel vô phương đánh sập cứ điểm hạt nhân Fordow Iran”); Tehran còn đưa ra những lời đe dọa ghê gớm sau:

Thứ nhất là: Đe dọa “tái phát triển hạt nhân”

Hồi giữa tháng 6 vừa qua, người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi đã tuyên bố tại Tehran rằng, việc tái triển khai kế hoạch làm giàu Uranium sẽ bắt đầu theo lệnh của Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

Một quan chức năng lượng nguyên tử tại Tehran nói rằng, nhà lãnh đạo tối cao đã ra lệnh cho các chương trình hạt nhân được thực hiện trong khuôn khổ các thông số cho phép của thỏa thuận hạt nhân và công việc này sẽ được tiến hành tại cơ sở hạt nhân Fordow.

Fordow là một trong hai địa điểm làm giàu hạt nhân lớn nhất của Iran, được trang bị 8.000 máy ly tâm tiên tiến có khả năng gia tốc trong một thời gian ngắn làm giàu uranium đến mức 20pc, cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Cơ sở Fordow được xây dựng trong lòng một ngọn núi để bảo đảm an toàn trước các cuộc oanh tạc từ trên không và tên lửa hành trình. Nó được thiết kế bao gồm một mạng lưới các trục dài và các khối công trình riêng biệt, để nếu một phần bị trúng, ít nhất 10 khu biệt lập khác vẫn tiếp tục hoạt động.

Mặc dù Iran cho biết là sẽ không làm giàu hạt nhân quá mức độ quy định trong thỏa thuận trước đây, nhưng động thái này của chính quyền Tehran đã gây ra sự lo lắng lớn đối với Mỹ và Israel, bởi không ai có thể xác định được là Iran có làm giàu Uranium đến cấp độ vũ khí hay không.

Thứ hai là: Đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz

Ngày 04/7, Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là tướng Sarala Ismail Kousari tuyên bố rằng, Lực lượng Cảnh sát biển của IRGC sẵn sàng phong tỏa eo biển Hormuz, không cho phép bất cứ ai vận chuyển dầu ra khỏi khu vực này.

Theo ông, nếu việc xuất khẩu dầu của Iran bị hạn chế, nước này sẽ không cho phép xuất khẩu dầu sang các nước khác thông qua eo biển Hormuz - eo biển huyết mạch hàng năm cho phép lưu thông gần 40% lượng "vàng đen" của thế giới.

Giới phân tích nhận định rằng, việc đóng cửa eo biển Hormuz sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới và sự gia tăng không kiểm soát được về giá dầu. Giá mỗi thùng dầu trong trường hợp này thậm chí có thể nhảy lên đến 200-400 dollars mỗi thùng.

Trên đây là hai hành động của Iran được cho là sẽ “gây hậu quả nghiêm trọng” để cảnh cáo Mỹ và các nước châu Âu, khiến các nước này chung tay ngăn chặn Mỹ hoặc ít nhất là chung sức với Iran để làm giảm bớt hậu quả của lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các biện pháp đe dọa đáp trả mạnh tay cũng là điều Iran không dễ để thực hiện và khó có khả năng làm Mỹ chùn tay. Iran chắc chắn vẫn sẽ phải gồng mình đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ, trong bối cảnh chưa chắc là châu Âu đã có sự trợ giúp hiệu quả cho nước này.

Năm biện pháp Iran chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ

Lường trước khả năng không thể buộc được Mỹ thay đổi quyết định, Iran còn chủ động đưa ra hàng loạt các biện pháp nhằm chống đỡ và giảm nhẹ lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong đó, chủ yếu là các biện pháp về kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ và xuất khẩu dầu, nhập khẩu hàng hóa thiết yếu.

Thứ nhất là: Rút ngoại tệ, đặc biệt là dollars từ các nước châu Âu về

Do lo ngại các nước châu Âu khó lòng chống lại được lệnh trừng phạt của Mỹ, Chính phủ Iran đang tìm cách rút các khoản ngoại tệ từ nước ngoài về nước vì lo ngại sẽ bị Mỹ phong tỏa các kênh giao dịch ngân hàng, tránh nguy cơ bị mất trắng hàng chục tỷ USD.

Ví dụ như Tehran đang đàm phán với Europaeisch-Iranische Handelsbank AG, một ngân hàng đặt tại thành phố Hamburg của Đức, Europaeisch-Iranische Handelsbank AG, một ngân hàng đặt tại thành phố Hamburg của Đức để rút khoản tiền mặt của mình đang gửi ở đây.

Theo báo cáo nêu rõ, một quan chức cấp cao của ngân hàng trung ương Iran là ông Ali Tarzali đang dẫn đầu đoàn đàm phán thay mặt cho Tehran. Nếu mọi việc suôn sẻ, ngân hàng này sẽ trao 353 triệu USD bằng tiền mặt cho họ chở bằng máy bay về thẳng đất nước. Iran sẽ sử dụng số ngoại tệ rút về để làm nguồn ngân sách dự trữ hoặc sử dụng trong các tình huống khẩn cấp.

Thứ hai là: Xây dựng sàn dollars thứ cấp

Việc tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa vào tháng 5, còn bao gồm lệnh cấm mua hoặc mua lại đồng dollars Mỹ. Để đối phó, Ngân hàng Trung ương Iran đã thành lập thị trường tiền tệ thứ cấp để cho phép các nhà xuất khẩu hàng hóa phi dầu mỏ bán thu nhập ngoại tệ cho các nhà nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Valiollah Seif cho biết, thị trường tiền tệ thứ cấp sẽ giúp các nhà nhập khẩu nhỏ mua được lượng USD cần thiết cho mình. Ông nhấn mạnh rằng, giá của đồng dollars trên thị trường này sẽ được thiết lập theo cung và cầu thị trường.

Động thái này sẽ cho phép một số lượng khá lớn là 20% dollars từ việc xuất khẩu các sản phẩm phi dầu mỏ (cũng không bao gồm thép, hóa dầu và khoáng sản) được bán ra trên thị trường tiền tệ thứ cấp, với mức giá thoả thuận giữa các nhà xuất khẩu và nhập khẩu.

Thứ ba là: Giao dịch dầu bằng đồng tiền khác

Để khắc phục tình trạng khan hiếm ngoại tệ do lệnh cấm mua USD của Mỹ, Tehran cũng đã cấm tất cả các giao dịch bằng dollars Mỹ trên lãnh thổ của mình, thay vào đó là sử dụng các loại tiền tệ quốc gia khác và đồng euro, để giành dollars cho những thương vụ bắt buộc phải sử dụng.

Ngoài ra, Iran đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la thông qua một gói các biện pháp, bao gồm tăng cường thương mại, đặc biệt là giao dịch dầu mỏ sử dụng đồng euro và các đồng tiền khác như đồng Rupee của Ấn Độ, Nhân dân tệ của Trung Quốc hay đồng Ruble của Nga.

Chính phủ và quốc hội Iran đã thành lập một ủy ban được giao nhiệm vụ tìm kiếm người mua dầu Iran có thể thỏa thuận được. Ủy ban này cũng sẽ làm việc để tìm cách bảo đảm thanh toán cho dầu của mình theo cách "phù hợp với luật pháp quốc tế" và không bị đối xử bất bình đẳng.

Thứ tư là: Nhập hàng hóa của các nước mua dầu (dầu đổi hàng)

Mỹ tuyên bố sẽ làm việc với các nước đang nhập khẩu dầu của Iran (trong đó có các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ…) và yêu cầu các nước này không được tiếp tục mua dầu từ Tehran và cảnh cáo sẽ không “cấp giấy miễn trừ” cho bất cứ nước nào.

Trong bối cảnh bị phong tỏa, Tehran đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống đổi hàng thương mại bằng cách mua hàng từ chính các nước nhập khẩu dầu của Iran. Điều này tương tự như hình thức hàng đổi hàng, Iran sẽ cung cấp dầu và nhận lại hàng hóa của chính đối tác mua dầu.

Iran tung hàng loạt biện pháp nhằm vào xuất khẩu dầu và ngoại tệ

Ông Asadollah Qarekhani, đại diện của Ủy ban năng lượng của quốc hội Iran cho biết, việc thành lập một nhóm làm việc về các thỏa thuận dầu đổi hàng đang được tiến hành ở Iran. Tehran tự tin là biện pháp này sẽ có hiệu quả bởi nước này từng thực hiện nhiều giao dịch tương tự.

Ví dụ như trong giai đoạn chính quyền Obama đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Tehran vào năm 2012, Ấn Độ và Iran đã thực hiện các thỏa thuận thay thế, bao gồm cả hệ thống đổi hàng. Ấn Độ đã nhập khẩu 10,5 tỷ USD hàng hóa của Iran, trong đó chủ yếu là dầu thô và các mặt hàng xuất khẩu trị giá 2,4 tỷ USD. Và trao đổi hàng hóa thiết yếu theo chiều ngược lại.

Thứ năm là: Cho phép tư nhân xuất khẩu dầu thô

Phó Tổng thống thứ nhất Iran, ông Jahangiri đã tuyên bố rằng, chính quyền Tehran sẽ cho phép khu vực tư nhân của nước này tham gia vào việc xuất khẩu dầu thô, như một phần trong chiến lược của Tehran nhằm giảm bớt các điều kiện trong bối cảnh việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt

Theo ông, để tránh lệnh trừng phạt vào các doanh nghiệp Nhà nước Iran, dầu thô Iran sẽ được cung cấp trên thị trường chứng khoán và khu vực tư nhân sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia xuất khẩu vàng đen, nhằm giúp đất nước đánh bại các lệnh cấm vận của Mỹ.

Với những hành động cứng rắn và những biện pháp được coi là “biết mình, biết ta” trên đây, Iran hy vọng rằng, có thể nền kinh tế của đất nước sẽ không tăng trưởng được nhưng cũng không lâm vào suy thoái, còn chắc chắn là nó sẽ không thể sụp đổ được.

Nếu Iran có thể nhận được sự trợ giúp của một số quốc gia châu Âu như Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và một số cường quốc châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và duy trì được nền kinh tế ở mức không quá khó khăn thì họ sẽ khiến Mỹ buộc phải quay lại bàn đàm phán.

» Mỹ vừa chê vừa run trước S-500 Nga?
» Mỹ liệt nhóm Lữ đoàn al-Ashtar tại Bahrain vào danh sách khủng bố

Related Posts: