Công ty Xi măng Phúc Sơn trụ sở đóng tại Hải Dương nhưng lại được cấp phép khai thác đá tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Nhiều năm qua, doanh nghiệp (DN) này bị người dân, chính quyền địa phương phản ứng gay gắt vì gây ô nhiễm môi trường. Mới đây, Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng đề nghị điều tra dấu hiệu trốn thuế hàng trăm tỷ đồng.
“Tuyệt tình cốc“ rộng hàng chục ha, sâu hàng chục mét được tạo ra bởi hoạt động khai thác đá của Công ty Xi măng Phúc Sơn
Dấu hiệu trốn thuế hàng trăm tỷ đồng
Ngày 2/7, trao đổi với Báo, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP đang tiến hành nghiên cứu hồ sơ, điều tra vụ việc tại Công ty Xi măng Phúc Sơn. Trước đó, Công an TP Hải Phòng tiếp nhận hồ sơ từ Kiểm toán Nhà nước đề nghị cơ quan điều tra làm rõ các sai phạm có dấu hiệu trốn thuế hơn 200 tỷ đồng của công ty này, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. “Hiện Công an TP Hải Phòng đang trong quá trình tích cực điều tra, khi nào có kết quả cụ thể sẽ thông tin rộng rãi với báo chí”, Thiếu tướng Ca cho biết.
Công ty Xi măng Phúc Sơn là liên doanh do Tập đoàn Lucky của Đài Loan đầu tư, được cấp phép đầu tư từ tháng 1/1996 với tổng vốn đầu tư 265 triệu USD, tổng công suất thiết kế 1,8 triệu tấn/năm. Sau quá trình dài tiến hành kiểm toán tại Công ty Xi măng Phúc Sơn, Kiểm toán Nhà nước xác định, công ty khai thác vượt công suất, dưới cốt +5m, vượt ranh giới cho phép dẫn đến khối lượng đá nguyên khai chưa kê khai tính thuế tài nguyên và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước khác là 8,3 triệu m3; chưa kê khai tính phí bảo vệ môi trường là 9,7 triệu m3; khối lượng tài nguyên đã khai thác dưới cốt cho phép (+5 m) là 434.000m3. Tạm xác định, DN còn phải nộp ngân sách nhà nước khoảng 266 tỷ đồng thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các khoản phải nộp khác có liên quan.
Theo Kiểm toán Nhà nước, trong quá trình làm việc họ đã không nhận được sự hợp tác của Công ty Xi măng Phúc Sơn trong việc cung cấp các hồ sơ, tài liệu.Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước không tiếp cận được các tài liệu đánh giá trữ lượng khoáng sản liên quan đến chỉ số độ rỗng của khoáng sản để có thể tính toán mức độ ảnh hưởng phần nào đến kết quả đo đạc. Sau khi tổ chức Hội nghị thông báo kết quả kiểm toán, Công ty Xi măng Phúc Sơn chỉ cung cấp bổ sung bản đồ tỷ lệ 1/2.000 khu mỏ A.
DN ở Hải Dương, khai thác ở Hải Phòng và những hệ lụy
Ông Bùi Văn Vi, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết: “Công ty Xi măng Phúc Sơn có địa chỉ ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, được Bộ TN&MT cho phép khai thác mỏ đá Trại Sơn A thuộc huyện Thủy Nguyên. Mỏ đá này cung cấp nguyên liệu chính cho nhà máy sản xuất của Công ty Xi măng Phúc Sơn đóng tại huyện Kinh Môn. Đá sau khi khai thác tại mỏ Trại Sơn A sẽ được vận chuyển về nhà máy của họ để sản xuất xi măng. “Suốt hơn 10 năm qua, dù DN này khai thác tài nguyên tại huyện Thủy Nguyên nhưng tiền thuế lại đóng ở Hải Dương nên người dân, chính quyền địa phương hầu như không được hưởng lợi gì từ hoạt động của họ”, ông Vi cho hay.
Theo ghi nhận, thôn 11 xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên là một trong những khu vực dân cư chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hoạt động nổ mìn khai thác đá của Công ty Xi măng Phúc Sơn. Khi chúng tôi đến xóm này là thời điểm chuẩn bị nổ mìn khai thác đá của công ty. Đúng giờ nổ mìn buổi chiều, một tiếng nổ lớn vang lên, cả vạt núi chỉ nhìn thấy quầng bụi mù mịt theo làn gió cuồn cuộn dần phủ kín cả thôn 11. “Chúng tôi sống giữa thời bình mà cứ phải trốn mìn như trong thời chiến. Tới giờ nổ mìn của họ, từ người lớn tới trẻ nhỏ đều phải trốn trong nhà vì lo đá văng vào người”, bà Nguyễn Thị Thỏa, trú xóm Lò Vôi, thôn 11 bức xúc.
Theo quy định của Luật Khoáng sản, tất cả các hoạt động khai thác âm, đơn vị thực hiện phải có trách nhiệm hoàn nguyên (khôi phục lại hiện trạng ban đầu sau khi khai thác). Tuy nhiên, với những mỏ đá rộng tới vài chục ha được khai thác sâu tới vài chục mét thì không hiểu sau đó doanh nghiệp này lấy đất đá ở đâu đổ vào để khôi phục hiện trạng ban đầu? Hồ “tuyệt tình cốc” cùng nhiều hồ nước khác mà Công ty Xi măng Phúc Sơn tạo nên ở huyện Thủy Nguyên là minh chứng rõ nhất cho việc “chẳng bao giờ có chuyện hoàn nguyên”.
Ông Bùi Văn Vi cho biết, theo quy định, hoạt động nổ mìn khai thác đá phải đảm bảo hành lang an toàn cho người dân xung quanh. Trước đây, hành lang an toàn là 150m nhưng Công ty Xi măng Phúc Sơn cũng không đảm bảo. Tới nay, theo quy định mới, hành lang an toàn nổ mìn là 250 - 300m và nhiều hộ dân của xã nằm trong hành lang an toàn. Hiện chính quyền huyện đang phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố làm việc với Công ty Xi măng Phúc Sơn yêu cầu đảm bảo hành lang an toàn nổ mìn.
Hoạt động khai thác đá của Công ty Xi măng Phúc Sơn không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân mà còn gây nên nhiều hệ lụy tới hiện trạng vùng đất Thủy Nguyên. Thời gian gần đây, nhiều người biết tới địa danh mang tên “tuyệt tình cốc” vì phong cảnh như trong phim cổ trang. Hàng nghìn người từ khắp nơi đã đổ dồn về đây chụp ảnh, bơi thuyền. “Tuyệt tình cốc” đẹp nhưng rất nguy hiểm, bởi nó rộng hàng chục ha, sâu tới vài chục mét, xung quanh là những vách đá chênh vênh.
Ông Bùi Doãn Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết: “Hồ nước mà mọi người hay gọi là “tuyệt tình cốc” được hình thành do hoạt động khai thác đá. Đây vốn là mỏ đá của Công ty Xi măng Phúc Sơn, công ty này hợp đồng với 2 đơn vị là HTX An Sơn và Lại Xuân khai thác. Quá trình khai thác đá của các đơn vị đã tạo nên hồ nước này. Hiện nay, hồ nước vẫn nằm trong vành đai an toàn nổ mìn của Công ty Xi măng Phúc Sơn, nơi này rất nguy hiểm, chúng tôi đã ra lệnh cấm mọi hoạt động tại hồ nước này”.
» Tướng quân đội ‘rởm’ chiếm đoạt tiền tỷ đi du lịch
» Uống rượu quá nồng độ cồn, đi xe máy đâm gãy chân Cảnh sát Cơ động