12/7/18

Bất bình đẳng giáo dục nhìn từ đề thi

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vừa kết thúc với nhiều ý kiến trái chiều về độ khó của các đề thi. Những người có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cách ra đề như vừa qua là nhằm giúp phân hóa học sinh, và vì vậy việc đề thi có nhiều câu hỏi khó là điều hiển nhiên. Bộ cũng cho biết có tham khảo cách ra đề của một số nước tiên tiến để chứng tỏ sự phù hợp của cách ra đề.

Bất bình đẳng giáo dục nhìn từ đề thi
ảnh minh họa

» Vì sao điểm Lịch sử lại thấp thê thảm?
» Điểm sàn, điểm chuẩn dự kiến của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM 2018
» Điểm chuẩn công an, quân đội ít biến động
» Nhiều địa phương phía Nam có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt trên 98%

Tuy nhiên trong lĩnh vực xã hội học giáo dục, các nhà xã hội học đã nghiên cứu và nhận thấy rằng các bài kiểm tra chuẩn hóa kiểu như SAT của Mỹ mà Việt Nam có tham khảo làm gia tăng sự bất bình đẳng trong giáo dục. Những nhà nghiên cứu như Sean Reardon thuộc Đại học Stanford hay John Katzman, nhà sáng lập tạp chí The Princeton Review đã tiến hành phân tích điểm thi trong các kỳ thi SAT ở Mỹ và cho thấy có khoảng cách lớn về điểm số giữa học sinh thuộc các gia đình có thu nhập cao với những học sinh thuộc các gia đình có thu nhập thấp. Học sinh thuộc sắc tộc da trắng và châu Á cũng luôn có điểm số cao hơn học sinh gốc châu Phi hay Mỹ Latinh.

Theo một nghiên cứu của Viện Brookings, khoảng cách về điểm thi môn toán trong kỳ thi SAT của Mỹ giữa học sinh da đen và da trắng là không thay đổi trong suốt 15 năm qua, và nhìn chung điểm thi toán của học sinh da đen và gốc Mỹ Latinh tập trung về phía điểm thấp, trong khi điểm của học sinh da trắng và gốc châu Á thì tập trung về phía điểm cao (*).

Những khác biệt về kết quả thi này cho thấy các bài kiểm tra chuẩn hóa có một nhược điểm là “đồng nhất hóa” mọi học sinh, xem tất cả học sinh là như nhau. Thế nhưng trên thực tế, học sinh hoàn toàn khác nhau xét về nguồn gốc xuất thân, điều kiện kinh tế-xã hội, trình độ học vấn của cha mẹ, điều kiện học tập, và do đó khả năng tiếp nhận tri thức của các em cũng hoàn toàn khác nhau. Một bài kiểm tra hay một đề thi có thể là chuẩn hóa, là thống nhất nhưng bản thân các em học sinh lại rất khác biệt nên các bài kiểm tra ấy dĩ nhiên sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong kết quả thi và ảnh hưởng đến con đường học tập sau đó (không đủ điểm vào các trường cao đẳng, đại học tốt chẳng hạn).

Kỳ thi THPT quốc gia của chúng ta cũng đang rơi vào một tình trạng tương tự. Nó là một bài kiểm tra chuẩn mặc định rằng tất cả học sinh ở Việt Nam là như nhau. Thế nhưng, tình trạng kinh tế, xã hội và văn hóa của các vùng miền lại rất khác biệt. Học sinh sống tại những vùng kinh tế khó khăn như vùng nông thôn, miền núi và hải đảo không thể nào có được điều kiện học tập như học sinh ở thành thị và những vùng kinh tế-xã hội thuận lợi khác. Những học sinh có điều kiện kinh tế-xã hội và văn hóa khác biệt như vậy nhưng lại phải làm một bài kiểm tra giống nhau thì những học sinh thuộc các khu vực khó khăn gặp bất lợi nhiều hơn là điều dễ hiểu. Những số liệu thống kê về giáo dục ở Việt Nam cho thấy rõ điều này khi mà tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên có trình độ THPT là rất khác nhau giữa các vùng kinh tế và giữa các nhóm thu nhập: tỷ lệ người có trình độ THPT thường là thấp ở những vùng kinh tế khó khăn và có thu nhập thấp.

Do vậy, để phần nào tạo sự công bằng trong thi tốt nghiệp THPT quốc gia, chúng tôi cho rằng nên thiết kế bài thi theo từng vùng kinh tế-xã hội giống như kỳ thi tuyển sinh từ lớp 9 lên lớp 10 hiện nay. Tức là bài kiểm tra dành cho học sinh ở TPHCM hay Hà Nội sẽ khác với bài kiểm tra dành cho học sinh ở Lào Cai hay Yên Bái chẳng hạn. Không thể tiếp tục dùng một đề thi giống nhau cho những học sinh vốn rất khác biệt.

Related Posts: