14/7/18

Đặc khu kinh tế được nhiều ưu đãi dễ biến thành ‘thiên đường thuế’

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, nếu các đặc khu kinh tế dành quá nhiều ưu đãi thuế cho nhà đầu tư thì chúng rất dễ trở thành “thiên đường thuế”, để những doanh nghiệp đa quốc gia thực hiện hành vi trốn tránh thuế, nhất là hoạt động chuyển giá.

85% nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn quyết định đầu tư dù không có các chính sách ưu đãi thuế. Ảnh minh họa
85% nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn quyết định đầu tư dù không có các chính sách ưu đãi thuế. Ảnh minh họa

Không nên biến đặc khu thành “thiên đường thuế”

Thời gian vừa qua, câu chuyện xung quanh Dự thảo Luật về Đặc khu Kinh tế được khá nhiều người quan tâm. Trước những ưu đãi quá lớn trong Dự thảo, nhiều chuyên gia lo ngại rằng nếu các đặc khu này dành quá nhiều ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư thì chúng rất dễ trở thành “thiên đường thuế” để các doanh nghiệp đa quốc gia thực hiện hành vi trốn tránh thuế, nhất là hoạt động chuyển giá.

Theo số liệu từ Oxfam, các nước đang phát triển hàng năm chịu thất thu ngân sách 170 tỷ USD do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia gây ra. Con số này rất lớn trong bối cảnh thu ngân sách của các nước đang phát triển thu nhập thấp còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của James (2009) cũng chỉ ra rằng, 85% nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn quyết định đầu tư dù không có các chính sách ưu đãi thuế.

Trước những thông tin trên, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý kết quả nghiên cứu trên khi xây dựng Luật Đặc khu Kinh tế hoàn chỉnh để tránh dành cho các doanh nghiệp qua nhiều ưu đãi, gây ra tình trạng dư thừa ưu đãi và thất thu ngân sách lớn.

“Việc đầu tư lớn vào các đặc khu bằng tiền ngân sách cũng là một quyết định thiếu khôn ngoan trong tình trạng đầu tư trong nước còn đang bị thiếu hụt rất nhiều, có thể dẫn tới tình trạng gia tăng bất bình đẳng cho khu vực nội địa”, ông Thành phân tích.

Cũng theo Viện trưởng VEPR, trong bối cảnh ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn có xu hướng thắt chặt tiền tệ cùng với nguy cơ lạm phát gia tăng mạnh trong thời gian gần, tồn tại một khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất đồng VND để ổn định tỷ giá. Đây là một rủi ro quan trọng mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần lưu ý, vì lãi suất tăng sẽ thay đổi toàn bộ trạng thái các thị trường hiện nay.

Đề xuất tăng các khoản thuế cần được xem xét thận trọng

Liên quan đến kinh tế Việt Nam, Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2018 của VEPR cho biết, quý 1/2018 chứng kiến xu hướng tăng trưởng khác nhau của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi tốt, các nước phát triển còn lại như EU hay Nhật Bản không còn tăng trưởng mạnh mẽ như trước.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định của mình. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn nổ ra, các nền kinh tế mở và nhỏ như Việt Nam sẽ đón nhận cả cơ hội và rủi ro.

Cũng theo VEPR, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý 2/2018, đạt 6,79%, đây là mức tăng trưởng quý 2 cao nhất trong 10 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của cả nền kinh tế với mức chỉ số sản xuất tăng cao 12,7%. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm trở lại đặt ra thách thức tái cơ cấu lại ngành từng là ngành công nghiệp chủ đạo của Việt Nam.

Thương mại Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tương đối thuận lợi của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế lớn ở mức trên 190% như hiện tại cũng đặt Việt Nam dưới nhiều rủi ro thách thức nếu nền kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy giảm vì các cuộc chiến thương mại.

VEPR cho rằng, một giải pháp khả thi là các doanh nghiệp cần tập trung hơn vào thị trường nội địa với sức mua ngày càng lớn. Nếu bỏ qua thị trường nội địa đầy tiềm năng, khả năng thua ngay trên sân nhà là rất lớn khi hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Tất nhiên, thị trường thế giới vẫn là cơ hội lớn nhất để sản phẩm của Việt Nam phát triển trong dài hạn nhờ lợi thế quy mô.

Báo cáo của VEPR cũng chỉ ra rằng, cán cân ngân sách của Việt Nam thâm hụt trở lại vào quý 2, cho thấy thặng dư trong quý 1 chỉ mang tính tạm thời và Việt Nam còn phải đối mặt nhiều thách thức trong ổn định kinh tế vĩ mô.

“Hiện nay, nguồn thu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các loại thuế tiêu dùng. Vì vậy, bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng nào (VAT, tiêu thụ đặc biệt…) cũng cần được xem xét thận trọng vì thuế tiêu dùng tuy hiệu quả về hành thu, nhưng được xem là không có tác động tốt đến công bằng trong chi tiêu. Thay vào đó, Chính phủ nên nghĩ tới việc cải cách lại các loại thuế tài sản vì hiện nay tỷ trọng đóng góp của các loại thuế này vào ngân sách còn khiêm tốn”, báo cáo của VEPR nêu.

» Giá USD tự do tăng vọt lên 23.300 đồng
» Tranh cãi chuyện người Việt nạp 8,3 lít cồn mỗi năm

Related Posts:

  • Tiki lý giải về các khoản lỗNgày 4.6 tại TP.HCM, Tiki và Unidepot đã ký kết hợp tác chiến lược nhằm mở rộng hệ thống kho vận của Tiki trong năm 2019. Đồng thời, CEO Tiki đã có những lý giải cho những khoản lỗ của đơn vị này. Tiki và Unidepot chính thức… Read More
  • Thị trường năng lượng Việt Nam đang phát triển ấn tượngÔng Franz Gerner - Điều phối viên nhóm Chuyên gia năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, trong số các quốc gia đang phát triển, Việt Nam là một trong những nước có thị trường năng lượng phát triển thành cô… Read More
  • Lão nông trở thành tỷ phú nhờ chăm câyTừ người nông dân chân lấm tay bùn, với sự nhạy bén, dám nghĩ dám làm, ông Nguyễn Viết Châu (50 tuổi, trú xóm Kim Phúc, xã Nghi Ân, TP Vinh, Nghệ An) đã có hướng đi táo bạo chuyển hẳn từ làm nông nghiệp thuần túy sang trồng, … Read More
  • Đường 10 làn xe đẹp nhất Quảng Ninh bất ngờ bị sạt lởTheo quan sát, diện tích sạt lở khoảng 5-7m và sâu khoảng 1m trở ra. Lòng đường bị bào sâu tạo thành hàm ếch, hở luôn phần chân cột đèn đường... Vị trí sạt lở trên tuyến đường 10 làn xe Sau trận mưa lớn đêm 1/6, rạng sáng 2/… Read More
  • Cổ phiếu “vàng trắng” ngược dòng thị trườngGần đây, giá cổ phiếu ngành cao su tự nhiên điều chỉnh theo diễn biến giảm chung của thị trường, nhưng vẫn đạt mức tăng từ 6 - 12% trong tháng 5/2019, trong khi VN-Index đ.ánh mất hơn 2% điểm số. Đâu là động lực tạo sự hấp dẫ… Read More