Các cuộc thảo luận liên quan tới một cuộc gặp gỡ “một đối một” giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ vẫn đang tiếp diễn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gặp nhau tại các diễn đàn thế giới
Khi những ’dư chấn’ của hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un còn chưa hoàn toàn lắng xuống, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu nghĩ tới tới một cuộc gặp song phương tiếp theo và cũng không kém phần được kỳ vọng: với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
CNN dẫn lời các quan chức Mỹ và thông tin từ báo giới Nga cho biết, Moscow và Washington đang xem xét về khả năng gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo.
“Tôi không cho rằng, bất kỳ quyết định nào đã được đưa ra, hay các chi tiết cụ thể đã được thảo luận, nhưng chắc chắn cả hai bên đang tìm kiếm một cơ hội để biến nó thành sự thật,” Richard Hooker, trợ lý đặc biệt của Tổng thống và là giám đốc cấp cao phụ trách châu Âu và Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, với hãng thông tấn TASS. Trong khi chưa có một kế hoạch cụ thể, ông Hooker thừa nhận, các cuộc thảo luận liên quan tới cuộc gặp mặt trực tiếp Trump – Putin, vẫn đang tiếp diễn.
Một nguồn tin khác từ Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết, cuộc gặp mặt “đang được thảo luận”, còn một nguồn tin ngoại giao khẳng định, thượng đỉnh Nga – Mỹ gần như chắc chắn sẽ diễn ra sớm.
Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin thực ra từng gặp nhau bên lề các diễn đàn quốc tế. Tuy nhiên, những thông tin về một cuộc gặp gỡ một đối một vẫn đem đến một sinh khí mới cho mối quan hệ phức tạp giữa hai nước.
Hồi đầu tháng, Tổng thống Putin tiết lộ, ông vẫn nói chuyện thường xuyên với ông Trump, và cả hai đã gặp mặt cá nhân hai lần kể từ khi ông Trump chính thức bước vào Nhà Trắng: một lần trong cuộc gặp song phương chính thức tại Đức và lần khác là một cuộc gặp bên lề tại Việt Nam.
Theo nguồn tin Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ cũng đã nói chuyện qua điện thoại 8 lần kể từ khi ông Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ - một tỷ lệ gần như tương đương với số cuộc điện đàm giữa cựu Tổng thống Barack Obama và Putin trong hai năm cuối của nhiệm kỳ. Kể từ năm 2015 đến 2015, tổng cộng ông Putin và Obama đã điện thoại cho nhau 9 lần.
Năm ngoái, ông Trump cũng đã có cuộc gặp mặt với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Sergey Kisylak – người lúc đó là Đại sứ Nga tại Mỹ.
Bolton tập trung vào Nga
Với rào cản đầu tiên trong vấn đề Triều Tiên đã được gỡ bỏ và Ngoại trưởng Mike Pompeo đang tập trung vào những bước tiếp theo, Cố vấn an ninh quốc gi John Bolton sẽ đảm nhận những gì liên quan tới Moscow.
Theo kế hoạch, ông Bolton sẽ gặp mặt các quan chức Nga vào cuối tháng này, trong một sự kiện được miêu tả là một cuộc gặp gỡ tiền NATO. Đầu tháng sau, các nguyên thủ nước thành viên NATO sẽ cùng nhóm họp tại Brussels (Bỉ).
Hồi tháng Tư, ông Bolton cũng đã lần đầu tiên gặp gỡ Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov kể từ khi cả hai ông đều nhận chức vụ mới.
“Bolton nhắc lại là việc cải thiện mối quan hệ song phương là lợi ích cho cả Mỹ và Nga, nhưng nó sẽ đòi hỏi phải giải quyết các mối quan ngại như Nga can thiệp vào bầu cử năm 2016, sử dụng vũ khí hóa học tại Anh và tình hình tại Syria và Ukraine”, thông cáo của Nhà Trắng cho biết.
Trong những tháng gần đây, nhiều quan chức của Mỹ đã thảo luận cùng phía Nga về các vấn đề mà hai nước đều đang đối mặt, bao gồm các chiến dịch tại Syria và an ninh toàn khối châu Âu…
Tường Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ cũng có nhiều hoạt động chung với người đồng cấp Nga Valery Gerasimov. Tuần trước, hai vị tướng mới gặp nhau tại Phần Lan, trong khi hồi tháng Ba, họ thường xuyên điện đàm cho nhau. Nội dung của các cuộc gọi được cho là tập trung phần lớn vào Syria, và hướng giải quyết xung đột giữa Nga với các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn.
Nghi ngờ vượt lạc quan
Trong khi giới chức Mỹ vẫn giữ liên lạc với phía Nga, một nguồn tin thân cận với chính phủ tiết lộ với CNN, mặc dù Tổng thống Trump từng bày tỏ mong muốn về một mối quan hệ Nga-Mỹ gần gũi hơn, các quan chức cấp cao tại Washington vẫn tỏ ra nghi ngờ về những tương tác với Moscow. Ngoài ra, có vẻ như họ cũng có một cái nhìn thực tế hơn về các mục tiêu chiến lược của ông Putin. Trong những tháng gần đây, Washington liên tục thực thi nhiều chính sách cứng rắn đối với Moscow, bao gồm áp dụng lệnh trừng phạt mới và trục xuất các nhà ngoại giao Nga…
Đáng chú ý, cũng theo nguồn tin trên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và cố vấn Bolton đều đã thể hiện những lập trường “diều hâu” hơn về Nga. Đồng thời, hiện đang có một suy nghĩ chung trong chính phủ Mỹ là Washington sẽ vẫn tiếp tục cứng rắn với Nga, bất chấp việc các chính sách này “xung đột” với những tuyên bố đầy lạc quan của Tổng thống Trump về tương lai hợp tác giữa hai nước.
Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News hôm 3/6, Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman cho biết, khả năng về một cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Putin “vẫn còn rất xa, và vào thời điểm đúng, ngài Tổng thống Sẽ nói những gì cần phải nói”.
“Nhà Trắng chắc chắn sẽ ra tuyên bố, nhưng tôi nghĩ như ngài Tổng thống đã nói trước đó rằng ông ấy muốn gặp ông Putin ở một lúc nào đó, và giải quyết các vấn đề giữa ha nước, và đó là một điều tốt”, ông Huntsman nói.