Mỹ rót tiền ồ ạt để củng cố căn cứ không quân tại các nước Đông Âu hòng kiềm chế Nga trong trường hợp cần thiết.
Máy bay tối tân F-22 của Mỹ tại căn cứ không quân Spangdahlem, Đức
Bủa vây nước Nga
Trang Tin tức quốc phòng đưa tin lực lượng không quân Mỹ đang âm thầm tăng cường các khoản đầu tư nhằm củng cố hạ tầng tại căn cứ quân sự ở các nước đồng minh ở Đông Âu và tăng cường khả năng triển khai tại khu vực gần kề biên giới phía Tây nước Nga.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump muốn chi khoảng 828 triệu USD trong năm 2019 để nâng cấp các cơ sở hạ tầng tại châu Âu, một phần trong Sáng kiến Răn đe châu Âu (EDI) nhằm ngăn chặn cái gọi là “sự hung hăng” của Nga và củng cố năng lực các đồng minh.
Đề xuất ngân sách 2019 theo khuôn khổ EDI tăng từ 4,8 tỷ USD (năm 2018) lên 6,5 tỷ USD, các đề xuất chi tiêu xây dựng quốc phòng cũng nhảy vọt từ mức 338 triệu USD, trong khi các nguồn quỹ phục vụ việc triển khai quân tăng thêm 1 tỷ USD lên 3,2 tỷ USD.
Trong số này, không quân Mỹ sẽ dành 368,6 triệu USD để đầu tư trang thiết bị và 363,8 triệu USD cho các dự án xây dựng.
So với tài khóa 2018, số tiền này không chênh lệch quá lớn song là bước nhảy vọt so với tài khóa 2017, thời điểm số tiền mà lực lượng này được chi cho các hoạt động chuẩn bị quân lực-vật lực và xây dựng lần lượt chỉ là 31,2 triệu USD và 85,4 triệu USD.
Ý tưởng của các đề xuất mới xuất phát từ việc đề phòng trường hợp Nga xâm lược một nước châu Âu, chẳng hạn như Latvia, không quân Mỹ có thể nhanh chóng có các phản ứng hiệu quả, tận dụng hiệu quả các căn cứ không quân cho việc triển khai, tiếp nhiên liệu và sửa chữa thiệt hại.
Để làm được điều này, Mỹ đang củng cố và tăng cường các khí tài tại nhiều nước nòng cốt trong NATO như Đức và Anh (căn cứ Ramstein ở Đức và Fairford ở Anh), nâng cấp hạ tầng cơ sở tại các căn cứ ở Đông Âu và nhiều khu vực khác.
Giới phân tích cho rằng Mỹ không có ý định xây dựng các căn cứ mới ở các nước thuộc Liên Xô cũ mà chỉ củng cố và nâng cấp các hạ tầng sẵn có để đảm bảo các căn cứ này có thể đáp ứng những yêu cầu đặc biệt.
Hồi tháng 3/2014, Mỹ từng điều 12 chiếc F-16 cùng 300 quân nhân tới Ba Lan để phản ứng trước những diễn biến ở Ukraine
Điều này được cho là giúp Mỹ có thể dễ dàng hỗ trợ và củng cố năng lực cho các đồng minh trong trường hợp nảy sinh khủng hoảng. Kho đạn dược, các đường băng và điểm tiếp liệu sẽ giúp không quân Mỹ dễ dàng di chuyển tới đây trong trường hợp cấp bách.
Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ, Tướng Curtis Scaparrotti từng nói về kế hoạch này trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 3 vừa qua.
Tướng Scaparrotti cho biết đề xuất ngân sách cho tài khóa 2018 và 2019 sẽ “cho phép các căn cứ tại đây đón tiếp các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và thứ 5, máy bay chi viện trên không, máy bay ném bom, và tăng cường tính cơ động cho máy bay trong các trường hợp đột xuất”.
Ngân sách 2018 đã được dùng để chi cho các hoạt động cải tạo cơ sở hạ tầng tiếp liệu và sân bãi dành cho máy bay chiến đấu chiến thuật cũng như đường băng ở Căn cứ Không quân Amari tại Estonia, cho phép căn cứ này hỗ trợ các loại máy bay mẫu A-10, F-15, F-16, F-22 và F-35.
Ngân sách 2019 đề xuất tăng thêm 19 triệu USD cho các hạ tầng huấn luyện và triển khai của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt tại Amari.
Tại Căn cứ Không quân Kecskemet ở Hungary, số tiền trị giá 56 triệu USD trong ngân sách 2018 đã được dùng để xây dựng các kho chứa nhiên liệu, đường băng và cải tạo hạ tầng phục vụ máy bay chiến đấu F-15, A-10 và máy bay vận tải C-5.
Theo đề xuất ngân sách 2019, Mỹ sẽ xây dựng kho chứa đạn tại Căn cứ Không quân Malacky ở Slovakia, trong khi các khoản tiền từ ngân sách năm 2018 được chi cho việc mở rộng bãi đỗ phù hợp với máy bay A-10 và F-15.
Không quân Mỹ cũng dự định dành 13,8 triệu USD trong tài khóa 2019 để xây dựng đường băng tại Rygge, Na Uy.
Không dễ bắt nạt Nga
Giới quân sự cho rằng việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các căn cứ không quân là điều có thể nhìn thấy bằng mắt thường, song việc có thể triển khai bài bản và có tổ chức hoạt động hiệu quả tại châu Âu cho phép không quân Mỹ thực sự có khả năng răn đe và phản ứng kịp thời trong những trường hợp xung đột.
Bộ Chỉ huy châu Âu cũng triển khai hàng loạt dự án xây dựng và triển khai trang thiết bị nhằm củng cố công tác hậu cần tại các căn cứ, đồng thời trấn an các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Cường kích A-10 hiện vẫn được Mỹ trọng dụng ở châu Âu với tính toán có thể tạo ra mối đe dọa với lực lượng thiết giáp Nga
Đề xuất ngân sách phục vụ cho EDI 2019 bao gồm việc xây dựng các kho đạn dược, khu vực đồn trú cho tân binh, sửa chữa các đường ray, củng cố các hạ tầng chứa nhiên liệu và nâng cấp hệ thống đường băng cũng như các bến tàu.
Theo giới phân tích, Mỹ đã nhận ra rằng họ không thể bảo vệ Đông Âu chỉ bằng các lực lượng ở Tây Âu. Nếu lực lượng đang đồn trú tại Đức và trong trường hợp khẩn cấp, việc huy động họ tới phía Đông cũng sẽ mất rất nhiều thời gian.
Một nhà phân tích cho biết các thủ tục hành chính (từ Đức tới Ba Lan) cũng phải mất tới cả tuần nên việc đồn trú quân tại Đông Âu sẽ khiến mọi chuyện đơn giản hơn.
Tin tức quốc phòng dẫn lời một nghị sỹ Mỹ cho rằng việc nâng cấp và đầu tư cho các căn cứ không quân ở bên ngoài, nhưng đủ gần để có thể hỗ trợ và triển khai hiệu quả, đã đem đến cho Mỹ thêm nhiều lựa chọn.
Trong khi đó, Moscow sẽ bị đẩy vào tình thế lưỡng nan khi đối mặt với nguy cơ phải tấn công vài nước Đông Âu nếu muốn làm suy yếu khả năng của không quân Mỹ.
Nga bắn thử tên lửa Iskander-M trong cuộc tập trận Zapad-2017
Một trong những khúc mắc đối với hoạt động triển khai quân của Mỹ là việc Nga đã thiết lập các năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập trong khu vực bằng việc triển khai nhiều tên lửa đất đối không tầm xa, tầm ngắn và tầm trung, những vũ khí có thể hạn chế các chiến dịch của NATO.
Mới đây nhất, ngày 17/6, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố video một cuộc bắn thử tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander trong cuộc tập trận tại quân khu miền Đông.
Iskander được sử dụng để tiêu diệt hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của đối phương, ngoài ra còn có khả năng tiêu diệt các mục tiêu kích thước nhỏ như hệ thống tên lửa, pháo binh tầm xa, máy bay và máy bay trực thăng trên mặt đất.
Theo ước tính của Tư lệnh Lục quân Nga, Thượng tướng Oleg Salyukova, cho đến năm 2025, các nước khác sẽ không thể phát triển một hệ thống có tính năng tương tự như vậy.
» SANA: Mỹ dùng trực thăng sơ tán khẩn chỉ huy IS
» Nga tính sáng chế siêu ngư lôi hạt nhân có thể tạo sóng thần