Trong suốt hơn 2 thế kỷ qua, vô số thợ săn kho báu, các nhà khoa học máy tính và thậm chí cả quân đội Mỹ đã cố gắng phá giải 3 đoạn mật mã dẫn tới địa điểm chôn giấu một kho báu huyền thoại có trị giá lên tới hàng chục triệu USD. Nhưng tất cả đều thất bại.
ảnh minh họa
Kho báu huyền thoại mà Thomas J. Beale để lại - trong đó được cho là có chứa hàng nghìn cân vàng, bạc và đá quý có tổng giá trị lên tới 60 triệu USD - được đồn đoán là nằm đâu đó ở bang Virginia của nước Mỹ. Trong suốt vài trăm năm qua, rất nhiều người đã thử tìm kiếm nó để rồi chỉ chuốc lấy thất bại.
Beale, một nhà thám hiểm sống ở thế kỷ thứ 19, được cho là đã phát hiện ra một kho báu trong lúc đang thám hiểm ở khu vực mà hiện nay là biên giới giữa hai bang New Mexico và Colorado, và mang nó về nhà mình ở bang Virginia. Tại đây, ông đã chôn nó ở một địa điểm an toàn. Beale sau đó viết ra 3 bảng mật mã để che giấu địa điểm chôn kho báu, và đến nay chưa có một đoạn mật mã nào được giải.
Mật mã mà Beale để lại là loại mã thay thế căn bản, tức mỗi con số đại diện cho một chữ trong bảng chữ cái, nhưng phải dựa trên một văn bản "chìa khóa" mà mật mã này dựa vào.
Ngay khi văn bản chủ được tìm thấy, việc giải mã kiểu mật mã này cực kỳ đơn giản. Vấn đề ở đây là không ai biết được văn bản "chìa khóa" của các mật mã của Beale.
Một trong ba đoạn mật mã mà nhà thám hiểm Thomas J. Beale để lại. (Nguồn: Getty).
Trong suốt 200 năm qua, việc tìm ra "chìa khóa" để giải mã mật mã của Beale phần lớn giống như một trò chơi đoán bắt. Các nhà giải mật mã, cả chuyên gia lẫn nghiệp dư, đều đưa ra đủ kiểu văn bản quan trọng, từ Hiến pháp Mỹ cho tới các vở kịch của Shakespeare... nhưng không có văn bản nào trùng khớp. Và dường như người ta đã từ bỏ việc tìm kiếm kho báu này từ lâu nếu như không có một bước đột phá đầy may mắn.
Vào thế kỷ 19, một nhà giải mật mã nghiệp dư giấu tên đã vô tình phát hiện ra văn bản "chìa khóa" để giải mật mã số 2 của Beale, và đó chính là Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Đoạn mật mã trên được diễn giải ra như sau: "Tôi đã chôn nó ở Hạt Belford, cách Buford 4 dặm, trong một hố khai quật hoặc hầm mộ, nằm sâu 6 feet so với mặt đất".
Đoạn mật mã cũng mô tả chi tiết về kho báu của Beale và kết thúc bằng thông điệp: "Mật mã số 1 mô tả chính xác về vị trí hòm kho báu, bởi vậy việc tìm kiếm nó không có gì khó".
Không may thay, chưa có ai giải được đoạn mật mã số 1 hay mật mã số 3.
Mong muốn trở thành triệu phú đã tạo nguồn cảm hứng cho rất nhiều người thử tìm vận may trong việc giải mã bản mật mã còn lại, nhưng tất cả đều thất bại.
Các chuyên gia giải mật mã tuyên bố rằng nếu có văn bản "chìa khóa" thì ngay cả một đứa trẻ học lớp 2 cũng có thể giải mật mã của Beale, nhưng không có "chìa khóa" thì sẽ không bao giờ giải được.
Khi việc giải mật mã trở nên ngày càng bế tắc hơn, đó cũng là lúc mà công nghệ hiện đại nhập cuộc. Có rất nhiều thợ săn kho báu được trang bị máy dò kim loại, khí cụ đo từ trường hay máy đếm xung Geiger để đi rà soát khắp vùng nông thôn bang Virginia để tìm kho báu huyền thoại. Một số người khác lại đi theo tiếng gọi tâm linh, sử dụng sức mạnh tâm linh hay lời mách bảo của "bề trên" để tìm kho báu...
Cũng do luật của bang Virginia quy định rằng các thợ săn kho báu sẽ được giữ lại tất cả những gì họ tìm kiếm được, ngay cả khi chúng được chôn trên đất tư nhân, nên cuộc săn lùng kho báu đôi lúc gây ra nhiều vấn đề phức tạp.
Rất nhiều người tìm kho báu đã hoạt động trong đêm như kẻ trộm, đào nhiều hố trên đất của người khác và cứ để như vậy mà không lấp đi...
Có trường hợp một người đàn ông tin rằng kho báu được chôn tại một nghĩa trang nên đã đào rất nhiều ngôi mộ và bị cảnh sát bắt giữ sau đó.
Một vấn đề khác nảy sinh là rất nhiều thợ săn kho báu cuối cùng đã sạt nghiệp hoặc tự đẩy cuộc sống của mình vào chỗ sụp đổ. Điều này xảy ra với chính người đã vô tình giải được đoạn mật mã số 2. Theo một tác giả ở thế kỷ 19, sau khi may mắn trong việc giải mật mã số 2, người giấu tên này "tách xa khỏi gia đình, bạn bè và ôm ghì lấy ảo tưởng sắp tìm được kho báu huyền thoại".
Và đó không phải ví dụ duy nhất.
Theo Mental Ross, mới đây công bố một bài viết chi tiết về kho báu của Beale, một người đàn ông tên Stan Czanowski đã chi 70.000 USD trong vòng 7 năm để mua thuốc nổ và xe ủi đất. Và trong khoảng những năm 1980, một người đàn ông khác đã bị phá sản sau khi bỏ hết tiền mua thuốc nổ để đào bới khắp bang Virginia trong vòng 6 tháng.
"Một khi kho báu của Beale đã in dấu trong tâm trí bạn, rất khó để bỏ nó đi. Bạn có thể bị ám ảnh bởi nó. Cũng giống như thuốc phiện hay cờ bạc, nó có thể khiến một người đánh cược mọi thứ" - Peter Viemeister, tác giả của cuốn sách "Kho báu của Beal: Lịch sử của một Bí ẩn", nói.
» Phụ nữ hay nam giới nói dối nhiều hơn?
» Báo động người trẻ đang có IQ tụt dốc