27/6/18

Bộ Y tế cảnh báo cúm mùa lành tính nhưng vẫn có thể gây tử vong

Trước 3 ca tử vong vì cúm mùa A/H1N1 tại TPHCM, Bộ Y tế cảnh báo cúm mùa đa phần là lành tính. Tuy nhiên, một tỉ lệ nhỏ bệnh diễn biến nặng hoặc tử vong.

Bệnh nhân cúm A/H1N1 điều trị cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh nhân cúm A/H1N1 điều trị cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Ca tử vong mới nhất do cúm A/H1N1 là bệnh nhân 46 tuổi, ngụ quận Bình Tân. Ban đầu, bệnh nhân khởi phát bệnh với các biểu hiện như ho, sốt tự chữa trị tại nhà nhưng bệnh không thuyên giảm mà có biểu hiện nặng thêm. Ngày 22/6, người bệnh được chuyển đến Chợ Rẫy trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng phải thở máy.

Các kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Dù được bệnh viện điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Sau khi gia đình xin đưa về, bệnh nhân tử vong tại nhà.

Tuần trước bệnh viện cũng có một bệnh nhân tử vong vì viêm phổi, suy hô hấp, suy thận mạn giai đoạn cuối, nhiễm cúm A/H1N1. Trường hợp tử vong vì cúm A/H1N1 đầu tiên tại TP.HCM là một phụ nữ 26 tuổi ngụ quận Thủ Đức, thể trạng béo phì.

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết khoa đang điều trị cho 7 bệnh nhân cúm A/H1N1 thì có đến 5 ca bệnh nặng, trong đó có 3 trường hợp phải thở máy. Những bệnh nhân này vốn đang mắc các bệnh nền nghiêm trọng, khiến cúm diễn tiến nặng hơn. 7 bệnh nhân này nằm trong 12 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 từ ngày 11/6. Những người bệnh khác hiện tình trạng sức khỏe đã ổn định.

Đây là chùm ca bệnh H1N1 đầu tiên xuất hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, xảy ra trong thời gian ngắn. 5 tháng đầu năm bệnh viện ghi nhận rải rác khoảng 10 ca.

Trước các ca tử vong do cúm A/H1N1 tại TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay, các chủng cúm mùa lưu hành trên thế giới và Việt Nam chủ yếu bao gồm cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B.

Tại Việt Nam, theo số liệu của hệ thống giám sát cúm quốc gia, trong những năm trước và những tháng đầu năm 2018, cúm A/H1N1 chiếm khoảng 20-50% trong số các chủng cúm mùa lưu hành tại Việt Nam, còn lại là cúm B và cúm A/H3N2.

Đa phần các ca mắc cúm mùa thường khỏi sau 1 tuần điều trị thông thường. Một tỷ lệ nhỏ các trường hợp (thường ở những người có sức đề kháng kém, người có bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường…, người già, trẻ em và phụ nữ có thai) có thể có diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong.

Các chủng cúm mùa đa phần là lành tính, tự khỏi chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ diễn tiến bệnh nặng lên. Tuy nhiên không vì thế mà người dân chủ quan, khi có biểu hiện cúm nên cách ly và đến viện khám ngay khi có diễn biến nặng để được tư vấn tốt nhất bởi cúm mùa cũng có thể tiến triển nhanh gây viêm phổi, suy hô hấp. Đặc biệt khi bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính khác như suy thận, đái tháo đường… kèm theo thì nguy cơ diễn biến nặng càng tăng lên.

Cúm A/H1N1 là một trong các chủng cúm mùa. Người mắc cúm A/H1N1 có biểu hiện lâm sàng giống như khi mắc các chủng cúm mùa khác, như sốt cao, chảy nước mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ho, đau họng.

Vì thế, khi có dấu hiệu cúm như sốt, đau nhức toàn thân, hắt hơi, chảy nước mũi... mọi người vẫn thường tự điều trị triệu chứng ở nhà, sau vài ba ngày là bệnh lui. Tuy nhiên, nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức bình thường thì bệnh nhân nên đến viện để được kiểm tra. Đặc biệt khi có sốt cao lên sau vài ngày sốt nhẹ, đau nhức người, kèm theo triệu chứng đau ngực, khó thở thì càng phải đến viện sớm.

Bệnh cúm A/H1N1 lây truyền qua đường hô hấp, người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại…) hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân (cốc chén, bát đũa, thau chậu…).

Vì thế để phòng bệnh cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh mũi, miệng, mắt; Khi đi đường, nên mang khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp, tránh nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Còn khi đã nhiễm bệnh, nên nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến các nơi công cộng để tránh lây bệnh cho những người khác. Ngoài ra có điều kiện nên tiêm phòng vắc xin cúm để phòng ngừa căn bệnh này.

» Loại khí không mùi cứu sống nhiều bé sơ sinh
» Người đàn ông bị viêm phổi không thuốc chữa vì kháng tất cả các loại kháng sinh

Related Posts:

  • Cách chức một Bí thư chi bộNguồn tin của Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông vừa ra quyết định cách chức Bí thư Chi bộ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đức Hòa (Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa) đối với ông Phạm Đìn… Read More
  • Hà Nội hôm nay nắng nóng 37 độ C, ngày mai mưa dôngTheo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hôm nay, nắng nóng xảy ra trên diện rộng ở hầu khắp Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Hà Nội nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-37 độ C. Ngày mai nắng nóng… Read More
  • Lớp 1,2 không học môn thế giới công nghệSau hơn nửa tháng được đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để lấy ý kiến nhân dân, Ban phát triển chương trình đã đưa ra một số lý giải, giải trình cũng như điều chỉnh đối với dự thảo chương trình giáo dục phổ thô… Read More
  • Vụ sạt lở kinh hoàng ‘nuốt chửng’ gần 90 tỷ đồngLãnh đạo UBND huyện Chợ Mới (An Giang) cho biết, tổng thiệt hại về kinh tế trong vụ sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông là gần 90 tỷ đồng. Ngày 2/5, địa phương này đã tổ chức họp dân thông tin cụ thể các chính sách hỗ trợ như cho vay v… Read More
  • Hà Nam: Thị trấn có 100 người mắc ung thư không có gì là lạLãnh đạo Sở Công thương Hà Nam khẳng định, chuyện thị trấn Kiện Khê của huyện Thanh Liêm (Hà Nam) gánh chịu những hệ lụy của việc khai thác đá của doanh nghiệp khiến gần 100 người bị mắc ung thư là chuyện bình thường. Giám … Read More