Chuyến đi về miền biên viễn xa xôi phía Tây Nghệ An lần này giúp chúng tôi cảm nhận rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của những người lính Biên phòng dành cho người dân sinh sống hai bên biên giới. Đó có khi đơn giản là sự san sẻ yêu thương, gánh đỡ một phần khó khăn trong cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ nhỏ được học hành đầy đủ...
Anh Tú trò chuyện vui vẻ với hai học sinh do đơn vị đỡ đầu, Tám mặc áo trắng. Ảnh: Bích Nguyên
Trung tá Nguyễn Ngọc Tú, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý đưa chúng tôi tới xã Bắc Lý khi mặt trời mới nhú lên khỏi sườn núi. Không khí trong lành của núi non xanh thẫm khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng thư thái. Trên đường đi, anh Tú giới thiệu khái quát những đặc điểm cơ bản về xã Bắc Lý. Theo đó, toàn xã có 13 bản, trong đó 1 bản người Mông, 1 bản người Thái, còn lại là các bản người Khơ Mú. Cuộc sống của người dân còn rất khó khăn do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, cơ sở hạ tầng kém. Tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở đây lên tới gần 96%.
Chứng kiến cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của người dân, những người lính như anh Tú đều có những trăn trở riêng trong lòng. Trong câu chuyện của mình, anh nhắc tới gia đình ông Khằm Xán, sinh sống trong ngôi nhà xác xơ gần đơn vị. Ông bà sống cùng 7 người con và cháu. Trớ trêu là những người này đều không được khỏe mạnh bình thường. Dường như “số phận” đen đủi trút cả xuống gia đình ông Xán khiến cho con cháu, người bị câm, người bị điếc, người bị mù, người bị bại liệt... Ông Xán chết vài năm trước, vợ ông tạ thế năm 2016, ở tuổi 89. Cuộc sống lay lắt của những con người còn lại khiến ai biết tới cũng phải chạnh lòng. Như một lẽ thường tình, anh Tú và đồng đội của mình không thể làm ngơ. Vậy là từ năm 2014 cho tới bây giờ, đơn vị cử người hằng ngày đều đặn đưa cơm tới nuôi sống gia đình này.
Câu chuyện còn đang dang dở, chúng tôi đã tới thôn Huồi Cáng 1. Bước tới ngôi nhà có tiếng cười đùa rộn rã của trẻ thơ, anh Tú giới thiệu, đây là nhà của cháu Pịt Thị Tám, một trong 5 học sinh do đơn vị nhận đỡ đầu những năm qua. Đặt bước chân đầu tiên trên cầu thang để lên nhà, chúng tôi nghe rõ giọng nói trong trẻo của Tám: “Con chào chú Tú. Con mời các cô, chú vào nhà”. Không giống như những em bé dân tộc thiểu số khác thường rụt rè, ái ngại khi tiếp xúc với người lạ, Tám là cô bé mạnh dạn, tự tin, nói năng lễ phép, có đầu có cuối. Chúng tôi ấn tượng nhất là nụ cười tươi rói như tỏa nắng cùng với lối nói chuyện hóm hỉnh, thông minh của cô bé này.
Tám lớn lên trong sự thiếu thốn. Nhà có 5 chị em, đều đang trong tuổi ăn, tuổi học. Bố của em là cán bộ y tế thôn bản, còn mẹ làm nương. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, lại phải làm lụng vất vả nuôi 5 con ăn học khiến cho mẹ của Tám gầy mòn như dây khoai héo, dáng đi liêu xiêu. “Mẹ cháu đau bụng liên tục, nhưng không có tiền đi bệnh viện lớn khám và điều trị. Mẹ xuống trạm y tế xã xin thuốc uống, nhưng chỉ đỡ được mấy hôm. Đau thế mà mẹ cháu vẫn cứ ôm bụng đi làm” - Tám kể. Đúng lúc chúng tôi đến nhà, mẹ của Tám đang cặm cụi ở vườn ngô cạnh nhà. Hỏi chuyện, chị bảo bụng cứ quặn lên đau. Nhà không còn tiền để mua thuốc uống nữa. Anh Tú phải dặn chị mai đi xuống trạm y tế khám lại xem sao. Nghe anh Tú nói, người phụ nữ tham công tiếc việc này ậm ừ gật đầu rồi lại cúi mặt nhổ cỏ.
Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên ngoài việc đi học, Tám phải giúp mẹ đi làm rẫy, trỉa lúa. Với em, mùa Hè là mùa vất vả nhất bởi thời gian này khởi đầu mùa vụ mới. Tám cùng các chị em của mình phải lên rẫy từ sáng sớm, phát cỏ, cuốc đất, rồi gieo hạt, trỉa lúa... Trước hoàn cảnh của Tám, Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã nhận đỡ đầu, bảo trợ cho Tám học hết lớp 12.
Điều đáng quý là dù cuộc sống khó khăn, Tám đã vượt lên trên hoàn cảnh của mình, học rất giỏi. Khả năng nói năng hoạt bát, tác phong nhanh nhẹn giúp Tám lấy được lòng tin của các thầy, cô giáo. Em được bầu làm lớp trưởng và Liên đội trưởng. Cô bé cũng là “trợ thủ” đắc lực của thầy cô giáo mọi việc, nhất là việc kèm cặp các bạn học yếu và vận động các bạn bỏ học quay lại trường. Năm trước, đang học kỳ I, em Lương Thị Nhung ở bản Phìa Khằm I bỏ học để đi lấy chồng. Các bạn trong lớp tới nhà vận động Nhung quay trở lại trường đều không được. Đến khi Tám cùng với thầy giáo đến nhà thuyết phục, Nhung mới đồng ý quay trở lại trường học.
Cũng như nhiều học sinh khác ở đây, Tám vẫn giữ được nét hồn nhiên của trẻ thơ. Cô bé thích xem phim hoạt hình và ca nhạc. Điều khác biệt là em còn thích xem cả chương trình thời sự và đọc báo. Tám tâm sự: “Con xem thời sự để biết tình hình đất nước ta như thế nào. Con muốn khi lớn lên sẽ trở thành cán bộ như mẹ Mày, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã hiện nay. Nhưng có lẽ con sẽ học làm cô giáo mầm non vì con thích trẻ nhỏ”.
Cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Lý tới thăm gia đình người dân được đơn vị trao tặng bò. Ảnh: CTV
Trên đường về, Trung tá Nguyễn Ngọc Tú chia sẻ: “Chúng tôi đã và đang triển khai nhiều mô hình sản xuất giúp dân phát triển kinh tế hộ gia đình như trao tặng con giống, làm vườn trồng chanh leo, cây ăn quả khác... Bên cạnh đó, chúng tôi dành nhiều tâm sức giúp đỡ cho các cháu nhỏ được học hành đầy đủ. Tính về lâu dài, các cháu được học tập, đào tạo tốt sẽ phát triển thành nguồn nhân lực cho địa phương, sau này về giúp xây dựng phát triển chính quê hương mình”.
Với suy tính như thế, anh Tú và các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Mỹ Lỹ đã trích tiền lương của mình góp vào Quỹ “Nâng bước em tới trường” để hỗ trợ 3 em học sinh trên địa bàn mỗi em 500.000 đồng một tháng. Số tiền này giúp gia đình các em phần nào yên tâm cho con học hành. Hằng tháng, cán bộ của đơn vị đều đến trao đổi với nhà trường về tình hình học tập của các em học sinh được đỡ đầu.
Đồn Biên phòng Mỹ Lý cũng dành một phần của nguồn Quỹ “Nâng bước em tới trường”, để hỗ trợ đỡ đầu hai em học sinh ở bản Phà Đánh và bản Xốp Cắng, cụm bản Loọng Cắng, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Ngoài ra, bằng các nguồn vận động nghĩa cử này, một lần nữa, góp phần tô thắm thêm mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt – Lào.