Mạnh dạn, tự tin giao tiếp tiếng Anh là sự thay đổi lớn nhất của hơn 20 học viên khiếm thị sau hơn nửa năm tham gia lớp kỹ năng sống.
Lớp tiếng Anh đặc biệt dành cho người khiếm thị. (Ảnh minh họa).
Đều đặn hai buổi một tuần, bạn Nguyễn Thảo Đan lại hào hứng đến lớp học tiếng Anh và kỹ năng sống ở Hội người mù Quận Đống Đa, trên đường Nguyễn Lương Bằng – TP Hà Nội. Hơn nửa năm qua, lớp học chưa hôm nào vắng bóng học viên.
Với Thảo Đan, dù đôi mắt không còn sáng rõ khiến em đi lại khó khăn, nhưng những kiến thức thu nhận được sau mỗi buổi học chính là động lực khiến Thảo Đan luôn gắn bó với lớp: “Thực sự là khi tham gia lớp học thế này em cảm thấy rất ý nghĩa, em có thể cải thiện vốn từ, giao tiếp với người nước ngoài sẽ bạo dạn hơn, trước cứ gặp người nước ngoài em lại run. Sắp tới em mong là có thể gắn bó nhiều hơn với lớp”.
Đến đây, điều ấn tượng nhất với chúng tôi là không khí sôi nổi, mặc dù hầu hết học viên đều là người khiếm thị và ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tuy đã học ở vài trung tâm tiếng Anh, nhưng bạn Đào Thị Thúy vẫn khó có thể hòa nhập được với chương trình học và các bạn trong lớp. Có lẽ sự tự ti về đôi mắt khiến Thúy cảm thấy khoảng cách với thầy cô, bạn bè ngày càng lớn. Thế nhưng, từ khi đến lớp học của Hội người mù Quận Đống Đa cùng các giáo viên ở Trung tâm Reach trực tiếp giảng dạy, Thúy đã tự tin hơn rất nhiều:
“Trước em rất muốn được học tiếng Anh, nhưng những trung tâm khác thì toàn học sách hoặc máy chiếu, mắt em kém không theo được, ở đây cách học phù hợp với bản thân, em thấy là em có thể tiếp thu được. Trong lớp mọi người đều đồng cảnh như mình thì mình đã hòa nhập được rồi nên không có gì phải tự ti hay ngại ngùng. Các thầy cô trau dồi những kiến thực thiết thực cho cuộc sống. Em cũng thấy tự tin hơn khi ra ngoài xã hội”.
Thường giáo viên là những người truyền cảm hứng học tập cho học viên. Thế nhưng ở đây, sự tập trung, chăm chỉ của các học viên khiếm thị lại là nguồn cảm hứng khiến các thầy cô giáo như có thêm động lực lên lớp mỗi ngày.
Cô giáo Đinh Thị Thỏa Niềm chia sẻ: “Các bạn tham gia lớp học rất đông, rất hào hứng, nhiều khi mình được truyền cảm hứng từ các bạn rất nhiều vì các bạn rất cố gắng và tập trung, thường mình dạy tiếng Anh và hỗ trợ dạy kỹ năng sống. Ví dụ dạy tiếng Anh sẽ phải lặp đi lặp lại rất nhiều lần thì mới đọc lại được nhưng ở đây các bạn chỉ cần đọc qua là có thể lặp lại luôn, vì các bạn rất tập trung, rất cố gắng, tinh thần học tập rất tốt”.
Thực tế cho thấy, khi được tạo điều kiện tiếp cận với những kiến thức mới, được hòa đồng trong môi trường những người cùng cảnh ngộ, người khiếm thị nói riêng và những người khuyết tật nói chung sẽ có thêm động lực để đến gần hơn với ước mơ trong cuộc sống. Vì vậy, lớp học tiếng Anh và kỹ năng sống cho người khuyết tật ở quận Đống Đa – Hà Nội là mô hình tốt, cần được nhân rộng để người khuyết tật có thêm cơ hội hòa nhập với cộng đồng, tự tin vươn lên khẳng định giá trị bản thân