Từ khi các điểm mỏ tại xã Ngọc Minh đi vào khai thác, đã khiến suối Sảo - nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng nghìn hộ dân các xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc ô nhiễm, đục ngầu quanh năm.
ảnh minh họa
Hiện nay, tại xã Ngọc Minh có 4 công ty khai thác khoáng sản tại nhiều điểm mỏ được UBND tỉnh Hà Giang cấp phép. Công ty Cổ phần Cao nguyên đá - mỏ Mangan Bản Sám 2; Công ty Cổ phần Việt Bắc mỏ Mangan thôn Tân Bình; Công ty Cổ phần Thiên Hàm mỏ Mangan thôn Tân Bình... và nhiều điểm mỏ của một số doanh nghiệp khác chưa đi vào khai thác do chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định.
Đầu Suối Sảo ở xã Ngọc Minh, đường ống dẫn bùn thải, nước thải từ quá trình sản xuất quặng của Công ty Thiên Hàm xả thẳng ra Suối Sảo đục ngầu cả dòng suối, chạy thẳng về xã Bạch Ngọc và các xã hạ lưu gây vùi lấp cục bộ lòng suối, nước đục ngầu khiến người dân không dám lấy nước dùng sinh hoạt...
Được biết, đã nhiều lần, Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh, Đoàn Kiểm tra liên ngành và người dân đã kiến nghị trong các đợt tiếp xúc cử tri đề nghị giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để.
Người dân xã Ngọc Minh cho biết, rất nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng của huyện, tỉnh để yêu cầu các công ty khoáng sản giải quyết ô nhiễm. Tuy vậy, chính quyền xử lý còn chậm trễ, trong khi, doanh nghiệp tìm mọi cách để khủng bố, đe dọa tinh thần người dân. Đe dọa không được, họ chuyển sang mua chuộc bằng tiền, nhưng bị nhân dân khước từ.
Theo quan sát thực tế, hầu hết các điểm mỏ ở Ngọc Minh đều xảy ra tình trạng nước thải đục ngầu, chảy trực tiếp ra môi trường. Tại điểm mỏ thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh của Công ty Thiên Hàm nhiều máy móc đang hoạt động. PV cố gắng tiếp cận công trường nhưng đều vô vọng do lực lượng bảo vệ ngăn chặn. Các đối tượng hung hăng, manh động, do đó, PV phải tìm cách rút ra ngoài và nhờ người dân bản địa dẫn đường đi đường vòng để quan sát từ trên cao.
Tại đây, các ao lắng, lọc chứa bùn thải gần như đã đầy, một khối lượng lớn bùn được đổ tràn ra mép dòng Suối Sảo và đặc biệt lượng nước bùn đục ngầu vẫn chạy thẳng ra Suối Sảo và vùi lấp gần hết đoạn suối.
Đi dọc xã Ngọc Minh, xuôi xuống xã Bạch Ngọc, nơi được xem là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc xả thải của các điểm mỏ, nhiều người dân thôn Diếc, xã Bạch Ngọc cho biết: “Suối Sảo là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất cho gần 130 hộ dân trong thôn và hàng trăm hộ dân ở các thôn lân cận. Nay do bị ô nhiễm, nước Suối Sảo không sử dụng được nữa. Hơn 60 ha ruộng lúa trên địa bàn cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, bởi trong nước quá nhiều bùn, đất, khi chảy vào ruộng tạo bề mặt khô cứng làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa.
Được biết, nhiều lần người dân xã Bạch Ngọc đã kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng sự việc vẫn chưa được xử lý triệt để. Người dân cũng tiếp cận hiện trường khai thác của các công ty trên để có thêm bằng chứng sai phạm gửi chính quyền xử lý, mỗi lần như vậy, họ bị một số đối tượng đe dọa!
Ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Vừa qua, Sở TN&MT Hà Giang đã kết hợp cùng cơ quan liên ngành kiểm tra và xử phạt Công ty Tường Phong và kiên quyết cấm tận thu khoáng sản. Các công ty còn lại, một số công ty đang phải ngừng hoạt động khai thác do không đảm bảo thủ tục và xả thải ra môi trường theo quy định. Việc Công ty Thiên Hàm xả thải ra Suối Sảo huyện sẽ cho kiểm tra và xử lý dứt điểm.
Báo sẽ thông tin tiếp vụ việc.