30/11/17

VCCI: Công cụ đánh giá tác động môi trường không hiệu quả Đọc thêm VCCI: Quy định về kiểm

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Tổng cục môi trường-Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về bảo vệ môi trường.

Những vụ việc như thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A cho thấy, công cụ ĐMC không phát huy hiệu quả.
Những vụ việc như thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A cho thấy, công cụ ĐMC không phát huy hiệu quả.

Công khai các báo cáo đánh giá môi trường chiến lược 

Luật Bảo vệ môi trường hiện nay đã có quy định về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu để giảm thiểu những tác động môi trường tiềm tàng từ những bản quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo VCCI, trên thực tế, việc thực hiện ĐMC trong thời gian qua chỉ mang lại những kết quả vô cùng khiêm tốn. “Những vụ việc như thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A cho thấy, công cụ ĐMC không phát huy hiệu quả, không những khiến Nhà nước phải điều chỉnh quy hoạch mà còn gây lãng phí, tốn kém và rủi ro cho các doanh nghiệp khi quyết định đầu tư dựa trên những bản quy hoạch đó”, VCCI khẳng định.

Theo VCCI, một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là do thiếu sự minh bạch, giám sát trong công tác lập và thẩm định các báo cáo ĐMC. “Các báo cáo này thường do cơ quan phê duyệt quy hoạch chủ trì thẩm định và cũng không có chế tài xử lý khi không thực hiện nên không phát huy được hiệu quả”, VCCI nêu.

Cũng theo VCCI, giải pháp tốt nhất cho vấn đề này là yêu cầu phải công khai các báo cáo ĐMC cùng với việc công khai các quy hoạch, kế hoạch khi lấy ý kiến cũng như sau khi ban hành. Dựa vào những thông tin này, người dân và doanh nghiệp có thể giám sát việc thực hiện ĐMC, từ đó nâng cao tỷ lệ tuân thủ cũng như chất lượng của các báo cáo này.

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc lấy ý kiến báo cáo ĐMC cùng với việc lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch, và công khai báo cáo ĐMC khi công khai quy hoạch, kế hoạch.

Sửa đổi quy định về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường

Theo quy định của Luật dân sự, ký quỹ là việc một bên nộp một khoản tiền vào tài khoản bị phong toả để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp này, doanh nghiệp có nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường và tiền ký quỹ nhằm bảo đảm rằng doanh nghiệp sẽ thực hiện nghĩa vụ này.

Do đó, theo VCCI, Điều 17 của Dự thảo yêu cầu phải nộp tiền ký quỹ vào Quỹ Bảo vệ môi trường và chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn là không phù hợp.

Quy định này khiến các doanh nghiệp phải tốn kém một khoản tiền rất lớn mà không đúng mục tiêu quản lý Nhà nước. Tiền ký quỹ các dự án khoáng sản thường được duy trì trong khoản thời gian dài, có dự án khai thác khoáng sản lên đến 30 năm, và rất hiếm xảy ra trường hợp rút tiền trước thời hạn", VCCI cho biết.

Yêu cầu doanh nghiệp phải nộp tiền ký quỹ vào Quỹ Bảo vệ môi trường và chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn là không phù hợp

Nhiều doanh nghiệp phản ánh với VCCI rằng, mặc dù doanh nghiệp có thể rút tiền ra sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ, song doanh nghiệp coi như mất trắng số tiền này vì thời gian quá dài và lãi suất quá thấp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp mà còn không khuyến khích việc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường bởi số tiền có thể rút ra được quá thấp so với chi phí cải tạo, phục hồi.

"Hiện nay, việc ký quỹ nhập khẩu phế liệu theo Nghị định 38 cũng đã có cơ chế mở, cho phép các doanh nghiệp ký quỹ vào tổ chức tín dụng, không nhất thiết phải đưa vào Quỹ Bảo vệ môi trường. Hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước khác có yêu cầu ký quỹ đều cho phép ký quỹ vào tổ chức tín dụng và cho phép doanh nghiệp thoả thuận về lãi suất”, VCCI nhấn mạnh.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ nhập khẩu phế liệu theo hướng cho phép doanh nghiệp nộp tiền ký quỹ tại các tổ chức tín dụng và được hưởng lãi suất thoả thuận.

Related Posts: