Theo ĐBQH Dương Trung Quốc, nếu nói tham nhũng là căn bệnh thì chúng ta phải có phương thuốc đặc hiệu, chứ cứ pha loãng thế này thì chỉ là uống vắc-xin, mặc dù rất cần thiết nhưng không khắc phục được thực tế.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.
Xổng cá to, bắt cá bé
Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 21/11 về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng cần tập trung khoanh vùng đối tượng trong cuộc chiến chống tham nhũng, thay vì làm tràn lan nhưng không hiệu quả.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng có rất nhiều loại tài sản bất minh, nhưng nếu không phải là tài sản do ăn cắp của nhà nước thì không thể gọi là tài sản tham nhũng. Do đó, phải quy tham nhũng gắn liền với quyền lực và phương hại đến công quỹ.
“Nếu không phải là công quỹ thì không thể gọi là tham nhũng, mà là tội khác. Nếu không có quyền thì không ai có thể tham nhũng, vì thế ta phải làm cho rõ”, Đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Ông Quốc lấy ví dụ câu chuyện một công chức ký hai chữ ký để lấy một khoản tiền phụ cấp, điều này là phổ biến, làm phương hại đến công quỹ, nhưng lại là quy định của Bộ Tài chính, do đó cần phải thay đổi cơ chế cho hợp lý.
“Nếu cứ làm tràn lan thì chính con cá to sẽ xổng và chúng ta toàn bắt được con cá nhỏ. Trước mắt chúng ta phải tập trung vào những người sử dụng quyền lực để mưu lợi thì mới bắt được tham nhũng”, Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Chuyện minh bạch tài sản là chuyện rất cần thiết trong xã hội hiện đại và áp dụng cho tất cả mọi công dân, nhưng chúng ta chưa làm được thì phải làm từng bước, cho dù mọi người dân, mọi nguồn thu nhập đều phải minh bạch. Ông Quốc cho rằng trước hết phải tập trung vào những người có khả năng liên quan đến Luật đang bàn đến, là những người có khả năng làm phương hại đến công quỹ quốc gia.
“Một người cảnh sát có thể lấy tiền của người dân thì đó không phải là tham nhũng, nó làm mất đi phong cách. Nhưng một công chức có quyền lực, dùng quyền lực ấy làm phương hại đến công quỹ thì đó là tham nhũng”, Đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Ông Quốc nhấn mạnh: “Tôi cho rằng chúng ta phải có phương thuốc đặc hiệu, chứ cứ pha loãng thế này thì chỉ là uống vắc-xin, mặc dù rất cần thiết nhưng không khắc phục được thực tế đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ”.
Đại biểu Quốc hội chưa chắc giàu bằng cán bộ địa chính xã
Đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) cho rằng cần mở rộng nhưng chỉ nên mở rộng trong khu vực nhà nước, đó là tham nhũng vặt, vì hành vi tham nhũng vặt gây bất an trong xã hội.
Theo Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), nên mở rộng đối tượng trong khu vực nhà nước, ông Hiểu lấy ví dụ một Đại biểu Quốc hội hay một Đại biểu HĐND chuyên trách chưa chắc tài sản đã có nhiều bằng một cán bộ địa chính cấp xã, hay một kế toán của bệnh viện, trường học.
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu.
Theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), tài sản của mọi công dân đều minh bạch chứ không chỉ cơ quan nhà nước. Hiến pháp bảo vệ tài sản hợp pháp của công dân, chứ không bảo vệ tài sản bất minh. Nếu làm không khéo sẽ gây phân tán nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Hiện nay có sự thông nhau giữa khu vực công và tư, tham nhũng cũng thông qua khu vực tư, nên nếu thả nổi hoàn toàn cũng không được khi tài sản tham nhũng thường được đứng tên bởi những người thân thích, bạn bè của người tham nhũng.
Băn khoăn về vấn đề mở rộng diện phòng chống tham nhũng ra ngoài nhà nước, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng tội phạm tham nhũng đòi hỏi chủ thể phải đặc biệt, không phải ai cũng tham nhũng được. Chủ thể có thể phạm tội đưa hối lộ nhưng không phạm tội đồng phạm của tham nhũng.
“Cần phải cắt đường dây kết nối giữa khu vực ngoài nhà nước và khu vực nhà nước, hay nói cách khác cắt nguồn dinh dưỡng của tham nhũng, nhưng không nhất thiết phải đưa vào luật này mà có thể sử dụng những quy định khác. Nếu kiểm soát tài sản của những người bắt đầu vào ngạch công chức, như vậy mới quan trọng”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Về kê khai tài sản, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng đối tượng phải kê khai chỉ nên là những người có chức, có quyền, những người làm việc ở nơi nhạy cảm như hải quan, thuế, cảnh sát khu vực, cảnh sát giao thông...
Theo Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng), cần trao thẩm quyền cho cơ quan chức năng kiểm soát có quyền truy lùng đến cùng nguồn gốc tài sản. Việc chuyển quyền sở hữu, xác lập sở hữu tài sản ban đầu không gặp phải sự kiểm soát của nhà nước cũng làm tài sản này trở thành nơi trú ẩn của tham nhũng.
“Phải chứng minh nguồn tốc tài sản, việc chứng minh là trách nhiệm của chủ tài sản. Nếu không chứng minh được Nhà nước có quyền tịch thu. Cần đưa vấn đề này thành quan điểm trong quá trình xây dựng pháp luật”, Đại biểu Nguyễn Bá Sơn kiến nghị.