Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Đại sứ quán Nhật Bản vừa kiến nghị lên các cơ quan chức năng, bày tỏ quan ngại về một số quy định mới với DN sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô. Theo các kiến nghị này, những vướng mắc mới này có thể sẽ khiến DN gặp khó, tốn kém chi phí, giá ô tô sẽ khó giảm, người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
ảnh minh họa
VAMA đã kiến nghị lên thủ tướng Chính phủ nêu những quan ngại về Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, có hiệu lực từ 17/10/2017.
DN nội kêu vướng mắc
Tại điểm a, khoản 2, điều 6 trong Nghị định 116 quy định, với ô tô chưa qua sử dụng, khi tiến hành kiểm tra thử nghiệm, DN nhập khẩu phải cung cấp bản sao Giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại ô tô nhập khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài.
Theo VAMA, yêu cầu mới này là vấn đề lớn đối với tất cả các thành viên, vì Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu không tồn tại ở nhiều quốc gia. Một số quốc gia áp dụng chính sách các nhà sản xuất tự chứng nhận. Một số quốc gia cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể cấp Giấy chứng nhận này, nhưng hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống với hệ thống ở Việt Nam. Vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể sẽ không chấp nhận do có sự khác biệt. Chẳng hạn như sự khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải, hay các đặc điểm kỹ thuật khác, giữa những xe bán ở các thị trường khác nhau.
Có thể xảy ra trường hợp xe của DN nhập khẩu đã đặt hàng trước đó, vận chuyền về Việt Nam thì bị ùn tắc tại cảng. Đa số thành viên VAMA đều nhập khẩu những mẫu xe từ công ty mẹ. Vướng mắc trong việc thực hiện các quy định mới của Nghị định 116 này, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN, quyền lợi của khách hàng và nguồn thu cho ngân sách.
Hơn thế nữa, quy định này không có nhiều ý nghĩa bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam đang thực hiện rất nghiêm ngặt các thủ tục kiểm tra, thử nghiệm, nhằm kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.
VAMA đề nghị Chính phủ chấp thuận cho nhà nhập khẩu thêm lựa chọn, làm thủ tục kiểm tra thử nghiệm bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam, thay vì chỉ chấp nhận Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
Cũng tại điểm a, khoản 2, điều 6 còn quy định, ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu, phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm đối với từng lô. Mỗi lô xe nhập về sẽ phải lấy mẫu đem đi kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.