Vợ chồng ông Quý làm nghề bán hàng nước mưu sinh tại đây. Sau khi có sự cố, gia đình ông Quý đã chuyển đi nơi khác thuê nhà trọ sinh sống.
Sau khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng đã cắm biển báo nguy hiểm tại đây. Ảnh: Đời sống & pháp lý
Liên quan đến sự cố nứt mố cầu Đuống ảnh hưởng đến một số hộ dân của tổ Đuống 2 (thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội), mới đây, ông Nguyễn Xuân Cương, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên cho biết, có một hộ dân bị ảnh hưởng nặng đã tạm thời di dời.
"Còn 10 hộ dân khác vẫn đang chờ dự án kè bờ sông thực hiện sẽ di dời toàn bộ", ông Cương cho biết.
Được biết, cầu Đuống được giao cho Công ty CP đường sắt Hà Hải (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam VNR) phụ trách quản lý.
Về việc này, ông Đoàn Duy Hoạch, phó Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, sự cố nêu trên xảy ra vào ngày 3/10/2017. Mưa lớn kéo dài đầu tháng 10 tại các tỉnh miền núi phía Bắc làm nước sông dâng cao, tốc độ dòng chảy rất lớn đã gây ra sự cố xói lở tứ nón phía hạ lưu cầu Đuống.
Đáng chú ý là sự cố này đã tạo thành một vết nứt chạy dọc theo đê bắc sông Đuống khoảng 40m. Ảnh hưởng tới 11 hộ dân thuộc khu vực này. Sau khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng đã cắm biển báo nguy hiểm tại đây.
Theo phó Tổng giám đốc VNR, đơn vị này đã chỉ đạo Công ty CP đường sắt Hà Hải lập sổ tiến hành công tác quan trắc kiểm tra, theo dõi và chuẩn bị một số vật tư dự phòng đến công trình, lắp đặt tấm tôn trên phần mặt đường bộ, đặt mốc theo dõi các vết bị lún sụt.
Bố trí lực lượng ứng trực 24/24h để theo dõi, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra và phân luồn giao thông đảm bảo an toàn cho các phương tiện và các công trình lân cận.
Người dân tại đây cho biết, các vết nứt ở nhà cửa, sân và đường đi tại khu vực này đang có xu hướng rộng ra. Ảnh: ĐS&PL
"Chúng tôi đã thực hiện việc kiểm tra hiện trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của TP Hà Nội để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình lân cận, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh có thể xảy ra; thường xuyên báo cáo tình hình về Bộ GTVT", ông Hoạch thông tin.
Được biết, vợ chồng nhà ông Lê Đình Quý ở tổ Đuống 2 (thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm) làm nghề bán hàng nước mưu sinh tại đây. Sau khi có sự cố, gia đình ông Quý đã chuyển đi nơi khác thuê nhà trọ sinh sống tạm.
“Mố cầu sụt xuống làm ảnh hưởng đến nhà chúng tôi, nó kéo nhà bị nứt. Giờ chúng tôi có nhà nhưng không về được, rất khó khăn. Chúng tôi đề nghị các ngành chức năng nhanh chóng khắc phục để chúng tôi ổn định làm ăn”, ông Qúy nói.
Trong ảnh, vợ ông Quý đo vết nứt rộng bằng gang tay. Ảnh: ĐS&PL
Một số hộ dân khác có hoàn cảnh khó khăn, việc thuê nơi ở mới không dễ nên đành sống chung với nguy hiểm rình rập.
Cũng theo người dân tại đây cho biết, các vết nứt ở nhà cửa, sân và đường đi tại khu vực này đang có xu hướng rộng ra