Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) khi thảo luận Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sáng 15/11.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa lo lắng về sự áp đảo của các DN ngoại ngay tại thị trường trong nước. Ảnh: Quochoi.vn.
Doanh nghiệp “ngoại” ngày càng áp đảo
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phản ánh: Vừa qua nhiều cử tri, nhất là DN trong nước phản ánh nhiều điều bất hợp lý, bất công, đó là hàng hoá và dịch vụ Việt Nam đang vất vả giữ thị phần ở nước ngoài thì cũng đang phải đấu tranh gian khổ trong nước trước sức ép của các nhà đầu tư, tập đoàn bán buôn, bán lẻ nước ngoài.
“Chúng ta hội nhập, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài để làm gì? Câu trả lời phải là tăng cường nội lực Việt Nam, củng cố tăng cường chủ quyền để nước ta đuổi kịp thế giới bên ngoài, giữ vững và thậm chí mạnh hơn bên trong cả về chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh và quốc phòng, tăng cường nội lực chủ quyền quốc gia trước hết về kinh tế, đồng thời khai thác các nguồn lực và thị trường bên ngoài”- ông Trương Trọng Nghĩa nói.
Đại biểu đoàn TP.HCM nhấn mạnh: Chúng ta không kỳ thị DN nước ngoài và sẵn sàng đối xử tốt miễn là (DN nước ngoài) tuân thủ luật pháp quốc gia, các hàng rào kỹ thuật. Nhưng vấn đề là hàng trăm tỷ USD xuất khẩu mỗi năm, hàng trăm tỷ USD đầu tư FDI, hàng trăm tỷ USD đầu tư gián tiếp 20 năm qua đã đem lại gì cho nội lực nền kinh tế Việt Nam?
Theo đại biểu, nhiều nghiên cứu của các chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước đã chỉ rõ, chúng ta mất rất nhiều tài nguyên, mất rất nhiều lao động giá rẻ, mất rất nhiều ưu đãi về thuế, đất đai cho DN nước ngoài nhưng kết quả đem lại chưa tương xứng.
Đại biểu bày tỏ lo ngại: Gần đây nhiều DN trong nước ở lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, khám chữa bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá nổi lên là điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn đang báo động về việc đang từng bước bị loại khỏi thị trường trong nước, trong khi các cơ quan quản lý hầu như bất lực trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chuyển giá, mua bán sáp nhập ở tầng trên và ở bên ngoài Việt Nam, trốn thuế bằng công nghệ cao, điều khiển vốn giữa các công ty trong cùng tập đoàn...
“Thật đau lòng khi con em chúng ta thuộc nhạc ngoại, mê phim ngoại, thần tượng ca sỹ, diễn viên ngoại, để tóc, ăn uống theo phong cách ngoại trong khi đó không biết những kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch sử Việt Nam...”- ông Trương Trọng Nghĩa phát biểu đầy trăn trở.
Cùng nêu về tình trạng “lép vế” của DN trong nước ở lĩnh vực văn hóa, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề cập tình trạng hệ thống các rạp chiếu phim ở Việt Nam đang nằm chủ yếu trong tay 2 DN ngoại là hệ thống rạp chiếu CGV (chiếm 43%) và hệ thống rạp chiếu Lotte (chiếm 20%).
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng sức mạnh kinh tế của các sản phẩm văn hóa ngày càng lớn và dẫn ví dụ có bộ phim phát hành ở Hàn Quốc năm 2016 được đánh giá là có giá trị bằng 1,5 triệu chiếc ô tô Hyundai.
Cân nhắc việc thành lập Tổng cục Cạnh tranh
Giơ biển tranh luận với một số đại biểu, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm băn khoăn với một số ý kiến về thành lập cơ quan xử lý cạnh tranh, thậm chí đề xuất thành lập Tổng cục Cạnh tranh.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng không đồng ý quan điểm thành lập Tổng cục Cạnh tranh. Ảnh: Quochoi.vn.
“Nếu ủng hộ, tôi ủng hộ việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, không ủng hộ việc thành lập cơ quan xử lý cạnh tranh”- ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu nêu vướng mắc, quy định tố tụng cạnh tranh là hình thức tố tụng gì, có chồng lấn hay là một hình thức trong hình thức tố tụng tư pháp? Tại sao sau khi có kết quả xử lý của cơ quan tố tụng về cạnh tranh lại phải đưa ra tòa án để giải quyết?
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, nếu quy định như vậy sẽ dẫn đến 4 bất cập. Đó là: làm tăng thêm sự lòng vòng của việc xử lý; tăng tổ chức bộ máy, biên chế; có khả năng đi trái với nguyên tắc thực hiện quyền lực nhà nước là có phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực, đi ngược với quan điểm cải cách tư pháp là lấy cơ quan tư pháp làm công bằng, công lý xã hội.
Ông Lưu Bình Nhưỡng nói thêm, khoản 9 điều 3 (dự thảo Luật) quy định về các vụ việc cạnh tranh nói tất cả các vụ việc cạnh tranh, nhưng theo quan điểm của đại biểu vụ việc cạnh tranh có 2 loại. Thứ nhất là vi phạm về thỏa thuận cạnh tranh nhưng không vi phạm pháp luật và việc này sẽ được xử lý bằng việc khởi kiện ra tòa án kinh tế, tức là xử lý về thương mại vì là bản chất kinh tế; thứ hai, vi phạm pháp luật cạnh tranh thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
“Nếu phân loại như thế thì vi phạm phù hợp với cơ chế nào thì xử lý theo cơ chế đó, không nên lập cơ quan hội đồng cạnh tranh, vì tôi đọc toàn bộ thấy giống như một cơ quan tư pháp, chỉ thiếu sự tham gia của Viện kiểm sát. Nên cá nhân tôi thấy không ổn với hệ thống pháp luật của chúng ta nói chung cũng như Luật tố tụng nói riêng”- ông Lưu Bình Nhưỡng nhận xét.
Nói về kết quả xử lý của cơ quan xử lý cạnh tranh, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) phát biểu sau đó, cho rằng, dự thảo quy định kết luận của cơ quan xử lý cạnh tranh là kết luận cuối cùng, trường hợp doanh nghiệp không đồng ý mới khởi kiện ra tòa án, không phải sau khi có kết quả xử lý của cơ quan tố tụng về cạnh tranh lại phải đưa ra tòa án để giải quyết (như ý kiến đại biểu Lưu Bình Nhưỡng-PV).
Thông qua Luật Lâm nghiệp
Với 87,78% đại biểu tán thành, sáng 15/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp, có hiệu lực 1/1/2019.
Luật được thông qua gồm 12 chương, 108 điều với các quy định cụ thể về nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp; chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp; phân loại rừng; những hành vi bị nghiêm cấm; quy hoạch lâm nghiệp; quản lý rừng; bảo vệ rừng; sử dụng rừng; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm…