Mỗi phiên bản Android mới đều được Google quảng cáo là cải tiến về hiệu năng và thời lượng pin.
Android O
Trên thực tế điều này tùy thuộc vào các tác vụ hay ứng dụng mà chúng ta sử dụng, do đó thời lượng pin cũng như hiệu năng của mỗi thiết bị trên tay mỗi người dùng là không giống nhau. Với Android Oreo, Google sẽ giới hạn khả năng chạy nền của ứng dụng phía thứ 3, từ đó giúp cải thiện và duy trì hiệu năng, kéo dài thời lượng pin.
Các loại ứng dụng được hệ thống cho phép chạy nền sẽ bị giới hạn trên Android O. Cụ thể là ứng dụng sẽ không còn được phép thu thập liên tục dữ liệu địa điểm hoặc khởi động dịch vụ (service) mới khi đang chạy nền. Riêng các ứng dụng phát nhạc và dẫn đường bằng giọng nói sẽ được hưởng ngoại lệ, Android O vẫn cho phép ứng dụng phát nhạc hay đưa ra chỉ dẫn trên bản đồ khi bạn sử dụng các ứng dụng khác. Ngoài ra, tin nhắn SMS cũng sẽ được gởi đi ngay lập tức thay vì phải chờ ngay cả khi ứng dụng nhắn tin đang chạy dưới dạng một dịch vụ nền. Các ứng dụng vẫn có thể giữ chế độ active khi đang chạy nền (khi mở lại thì không đợi load), chẳng hạn như các ứng dụng nhắn tin, nghe nhạc nhưng phải hiển thị một thông báo cho biết chúng đang chạy nền.
Thay vì chỉ phụ thuộc vào cơ chế gọi dịch vụ đang chạy nền như hiện nay thì Google khuyến khích các lập trình viên Android sử dụng API Job Scheduler để gom nhiều job lại với nhau để thực hiện đồng thời nhằm cải thiện hiệu năng tổng thể, từ đó giảm thiểu điện năng tiêu thụ trên lý thuyết. Ngoài ra, các ứng dụng sẽ không còn khả năng sử dụng wakelock - một khóa giúp giữ cho thiết bị luôn ở trạng thái hoạt động và thực hiện tác vụ liên tục. Một khi tiến trình được chuyển về dạng chạy nền thì wakelock sẽ được nhả ra, thiết bị sẽ có thể trở về trạng thái nghỉ.
Tại sao Google lại đưa ra những giới hạn này?
Trên đây là biểu đồ thể hiện sự suy giảm về hiệu năng và thời lượng pin bởi các ứng dụng chạy nền. Biểu đồ bên trái cho thấy thời lượng pin tối đa của một thiết bị khi tắt màn hình qua thời gian sử dụng (1 tháng đầu đến 8 tháng sau) và bên phải thể hiện tỉ lệ độ trễ khung hình trên mỗi 1000 khung hình - một thước đo về độ lag của giao diện Android qua thời gian sử dụng tương tự. Kết quả cho thấy khi càng nhiều ứng dụng được cài vào máy, thời lượng sử dụng pin càng giảm và khoảng thời gian từ 4 đến 8 tháng, thiết bị mất trung bình 8% thời lượng pin. Trong khi đó, độ trễ khung hình tăng từ 2,17 đến 3,48 khung hình.
Độ trễ khung hình này không lớn nhưng con người rất nhạy cảm với độ trễ và tình trạng giật hình. 3 đến 4 khung hình/mỗi 1000 khung hình là một tỉ lệ sai sót nhỏ nhưng vài khung hình này có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng trên giao diện Android. Google muốn giải quyết triệt để vấn đề này và thúc đẩy các nhà phát triển ứng dụng sử dụng tài nguyên hiện thống hiệu quả hơn.
Cần lưu ý là những giới hạn nói trên chỉ bắt buộc đối với các nhà phát triển ứng dụng tập trung vào Android O. Nếu một ứng dụng được phát triển cho các phiên bản Android cũ hơn thì sẽ không bị hạn chế. Như vậy hiệu năng và thời lượng pin sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng khai thác tài nguyên của các ứng dụng. Thế nhưng chúng ta sẽ phải chờ bởi Android O sẽ mất thời gian để xuất hiện trên các thiết bị hiện có.