Rất nhiều tác hại về lâu dài cho cơ thể chỉ vì một thói quen tưởng chừng rất nhỏ là nhịn tiểu.
ảnh minh họa
Thông thường, mỗi người cần phải đi tiểu khoảng 6 -7 lần một ngày. Đôi khi, chỉ vì quá bận rộn hoặc không gần nhà vệ sinh khiến bạn ngại đi. Điều này không hẳn là xấu nhưng nếu thường xuyên thì sẽ thực sự là vấn đề nghiêm trọng.
Đi tiểu không tự chủ
Bàng quang người trưởng thành chỉ có thể giữ được nhiều nhất khoảng 470ml nước tiểu. Với trẻ em, lượng này chỉ khoảng hơn 100ml.
Khi bàng quang phải làm việc quá sức, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những thứ khác: ví dụ như cơ sàn chậu. Các cơ sàn chậu giúp bạn có khả năng giữ được nước tiểu hay không vì vậy khi khả năng hoạt động của các cơ này bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến tình trạng đi tiểu không tự chủ.
Não mất khả năng nhận biết thời gian cần đi tiểu
Càng cố nhịn tiểu, bàng quang của bạn càng bị kéo giãn. Một khi bàng quang bị giãn, não có thể mất đi khả năng nhận biết khi nào bạn cần phải vào nhà vệ sinh, Tiến sĩ Chamandeep Bali, bác sĩ trị liệu tự nhiên tại phòng khám Naturopathic Toronto cho biết.
“Tè” dầm
"Khi bàng quang quá đầy, việc bạn không kịp đi đến nhà vệ sinh hoàn toàn có thể xảy ra”, Bác sĩ y khoa Lauren Streicher nói, dẫn đến tình trạng “tè” ra quần. Việc này có nhiều khả năng xảy ra với trẻ nhỏ và người cao tuổi nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể xảy ra với bạn nếu cứ để bàng quang căng đầy quá mức.
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
Khoảng một nửa phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) ít nhất một lần trong đời. Những nhiễm trùng này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiểu, sau đó gây ra các triệu chứng như bỏng rát, đi tiểu thường xuyên và đau vùng chậu…
Tuy UTI không hẳn là kết quả trực tiếp của việc việc nhịn tiểu nhưng nếu bạn không giải phóng bàng quang, cơ thể sẽ trở thành nơi sinh sôi của vi khuẩn và sau đó có thể gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Vi khuẩn có thể tạo ra các vấn đề khác
UTI không phải là vấn đề duy nhất có thể xảy ra khi vi khuẩn xuất hiện trong đường niệu. Các nguy cơ khác có thể bao gồm nhiễm trùng các vùng phụ cận, sốt, đau, chuột rút... Hãy tránh cho mình những rắc rối này bằng cách đứng dậy vào nhà vệ sinh.
Tổn thương thận
Bàng quang kết nối với hệ thống tiết niệu, bao gồm thận. Thận sản xuất nước tiểu bằng cách lọc chất thải. Nếu nước tiểu tràn ngược lại các ống nối bàng quang với thận, nó có thể gây nhiễm trùng và tổn thương thận.
Theo các chuyên gia, trong trường hợp nhịn tiểu kéo dài, các mô đàn hồi có thể bị hư hỏng và cuối cùng được thay thế bởi mô sẹo, có thể gây tổn thương thận sau này.
Đau bụng dữ dội
Không chỉ gây ra cảm giác khó chịu, nhịn tiểu còn khiến các cơ có thể bị siết chặt. Bác sĩ Streicher giải thích: "Tôi thấy rất nhiều người mắc chứng đau bụng dưới và nghĩ rằng có điều gì đó rất nghiêm trọng đã xảy ra. Một trong những điều tôi thường kiểm tra là bàng quang của người đó có bình thường hay không và trong nhiều trường hợp chúng đã không còn bình thường. Chính điều này gây đau phần bụng dưới kéo dài một thời gian".