Nghiên cứu mới cho thấy những người ăn nhiều chất béo bão hòa, vốn có nhiều trong những loại thực phẩm như bơ và thịt bò, dễ bị ung thư phổi hơn so với những người có chế độ ăn uống ít béo, theo Reuters.
ảnh minh họa
So với những người không hấp thu nhiều chất béo trong chế độ ăn uống, những người ăn nhiều chất béo tổng hợp và chất béo bão hòa có nguy cơ bị ung thư phổi tăng 14%. Với những người đang và từng hút thuốc, nguy cơ tăng thêm từ một chế độ ăn uống nhiều chất béo là 15%.
Đồng tác giả nghiên cứu Danxia Yu thuộc Trung tâm Y khoa Đại học Vanderbilt ở Nashville, thuộc bang Tennessee (Mỹ), nhận định dù cách tốt nhất để làm giảm rủi ro ung thư phổi là không hút thuốc, nhưng “một chế độ ăn uống lành mạnh cũng giúp đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh”.
“Cụ thể, phát hiện của chúng tôi cho thấy việc tăng hấp thu chất béo không bão hòa đa song song với việc giảm nạp chất béo bão hòa, đặc biệt ở những người hút thuốc và bỏ thuốc gần đây, có thể giảm không chỉ bệnh tim mạch mà cả ung thư phổi”, chuyên gia trên nói tiếp.
Trong cuộc nghiên cứu, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu của 10 cuộc nghiên cứu đã được công bố trước đó ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Những cuộc nghiên cứu này xem xét tác động của việc hấp thu chất béo qua ăn uống đối với nguy cơ ung thư phổi.
Các cuộc nghiên cứu trên được tiến hành với tổng cộng hơn 1,4 triệu người, bao gồm 18.822 trường hợp ung thư phổi được xác định trong thời gian theo dõi trong hơn 9 năm sau đó.
Theo các chuyên gia Trung tâm Vanderbilt, những người ăn nhiều chất béo không bão hòa nhất có rủi ro bị ung thư phổi thấp hơn 8% so với những người ăn ít nhất. Thay thế 5% calorie từ chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa có liên quan đến việc giảm 16% rủi ro ung thư phổi tế bào nhỏ và giảm 17% rủi ro bị loại nguy hiểm hơn là ung thư biểu mô tế bào vảy của phổi.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san Journal of Clinical Oncology.