Tic là một vận động hay phát âm không chủ ý, xảy ra nhanh, tái diễn, không có nhịp và thường liên quan đến một nhóm cơ nhất định.
Đã từ lâu, những triệu chứng của rối loạn Tic vẫn bị hiểu lầm là dấu hiệu của “tật hồi hộp”. Ảnh minh họa: Healthline
Tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau mà biểu hiện ở từng trẻ cũng có thể khác nhau. Tật máy giật các cơ (rối loạn Tic vận động) là triệu chứng đầu tiên gặp trong 80% các trường hợp và đa số là ở mặt, 20% còn lại rối loạn trong lời nói (rối loạn Tic âm thanh). Tất cả các bệnh nhân này cuối cùng đều có rối loạn Tic phối hợp giữa vận động và âm thanh.
Tật máy giật là điều mà người bệnh cảm thấy không thể cưỡng lại được và cuối cùng phải biểu hiện ra. Điển hình, tật máy giật cơ gia tăng khi bị căng thẳng hoặc áp lực tâm lý và giảm bớt khi thư giãn hoặc chú tâm làm một việc gì đó say mê.
Đã từ lâu, những triệu chứng của rối loạn Tic vẫn bị hiểu lầm là dấu hiệu của “tật hồi hộp”, thật ra thì không phải vậy.
Các biểu hiện này đầu tiên thấy từ nhỏ khoảng từ 2 đến 15 tuổi:
- Rối loạn Tic vận động đặc biệt hay xảy ra ở mặt, đầu và vai (như là khịt mũi, liếm mép, cau mày, nhún vai, gật đầu).
- Các rối loạn Tic âm thanh thường gặp là tiếng khìn khịt, tiếng sủa, kêu xì xì, hắng giọng, ho khúng, đôi khi cũng là từ tục tĩu (nói tục), đôi khi là nhắc lại lời (nhắc lại từ của người khác), lặp lại động tác (bắt chước động tác của người khác) và lắp lời.
- Có khi có các rối loạn Tic tự làm đau mình như cắn móng tay, nhổ tóc, hoặc cắn môi, lưỡi.
Bên cạnh các biểu hiện của rối loạn Tic vận động và rối loạn Tic âm thanh, trẻ có thể biểu hiện dưới hình thức tâm lý gồm:
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: trẻ sẽ cảm thấy mình phải làm một việc gì đó lặp đi lặp lại mới thấy thoải mái.
- Tăng động giảm chú ý: trẻ dễ bị phâm tâm, bốc đồng, không thể tập trung tư tưởng, thường gây ồn ào, có thái độ phản kháng lại nếu bị ngăn cản làm việc gì đó.
- Trở ngại trong học tập: loạn kỹ năng đọc, khó làm tính và nhận thức, chữ viết nguệch ngoạc.
- Những vấn đề về đạo đức: có thể bao gồm những hành động bất khả kháng và lặp đi lặp lại, khó tập trung, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, mặc cảm, học lực kém, lẻ loi, ghét đi học và không thích giao tiếp.
Đối với những trường hợp nặng, người bệnh có những hành động chống đối và ngang ngạnh, hung hăng và bất hợp tác.
Có thể phân biệt Tic với các rối loạn vận động khác qua các đặc điểm như: Tic xuất hiện đột ngột, nhanh, trong thời gian ngắn và giới hạn của vận động ở một nhóm cơ; không có tổn thương thần kinh; Tic là rối loạn lặp đi lặp lại, tái diễn; Tic (thường) biến mất trong lúc ngủ; Tic có thể dễ gây tái hiện hay làm mất đi một cách chủ ý; Tic không diễn biến có nhịp.
Đặc điểm này cho phép phân biệt Tic với múa vờn, với các vận động định hình (trong chứng tự kỷ, chậm phát triển tâm thần). Các vận động định hình của bệnh tâm thần phân liệt thường là các động tác kỳ dị, vận động thân mình hoặc mặt hay chân tay thường có nhịp và không đột ngột.
Một số hành vi ám ảnh, cưỡng bức có thể gần giống các Tic phức tạp nhưng thường là các hành vi có mục đích (ví dụ sờ mó hay lật lại một vật) với một số lần nhất định (đi tới 10 bước rồi lại đi lại 10 bước, lập lại nhiều lần trên một lối đi).