Việc HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo từ tạm giam sang được tại ngoại qua vụ án xét xử Hoa hậu Phương Nga, được xem là thể hiện đúng tinh thần cải cách tư pháp.
Phương Nga rời trại tạm giam ngày 29.6
Trong quá trình xét xử hai bị cáo Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Nga) và Nguyễn Đức Thùy Dung, qua xem xét, thẩm định các tài liệu, chứng cứ, tình tiết trong vụ án, HĐXX TAND TP.HCM nhận thấy dấu hiệu phạm tội của các bị cáo chưa rõ, không có dấu hiệu bỏ trốn, không gây cản trở quá trình điều tra bổ sung, không tiếp tục phạm tội và thời gian tạm giam cũng khá dài nên đã tạo điều kiện để bị cáo được tại ngoại, thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.
Phương Nga rời trại giam
Có quy định nhưng rất ít áp dụng
Luật sư (LS) Võ Hồng Nam (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Định) phân tích: Căn cứ điều 88 bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS năm 2003), việc tạm giam được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng; đối với trường hợp tuy phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng nhưng có thể bỏ trốn, gây cản trở hoặc có thể tiếp tục phạm tội thì vẫn có thể áp dụng biện pháp tạm giam. Đối với các vụ án kinh tế thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, việc HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú (được tại ngoại) là hy hữu xảy ra trong nước. Vụ án Phương Nga được xem là điển hình, thể hiện đúng tinh thần cải cách tư pháp.
Luật sư của Phương Nga: Tôi mong sớm đình chỉ vụ án
LS Hoàng Vinh Kim (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Phước) phân tích: Việc đặt tiền để đảm bảo không chỉ được áp dụng tại nước ngoài mà BLTTHS năm 2003 của VN cũng quy định rõ tại điều 93 về đặt tiền để bảo đảm trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, ở nước ngoài được áp dụng nhiều hơn, còn VN thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn lo sợ nhiều vấn đề không khả thi trong việc thực hiện.
Theo LS Kim, nếu bị cáo đủ điều kiện quy định về biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú” thì HĐXX có thẩm quyền thay đổi biện pháp từ tạm giam sang cho tại ngoại đối với bị can, bị cáo theo quy định.
Đại úy Nguyễn Nam Hào (Cơ quan CSĐT Bộ Công an) phân tích, với trường hợp của bị cáo Phương Nga, ban đầu biện pháp tạm giam được áp dụng vì Phương Nga bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 16,5 tỉ đồng với khung hình phạt cao nhất là chung thân, là trường hợp thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, khi thấy không còn cần thiết phải tạm giam hoặc có căn cứ bị can bị khởi tố oan thì cơ quan tiến hành tố tụng cần ngay lập tức làm thủ tục thay đổi biện pháp ngăn chặn, chứ không nên chờ đến lúc vụ án được đưa ra xét xử.
Cần thay đổi
Theo thạc sĩ Phùng Thị Hòa (nguyên Trưởng khoa Dân sự kinh tế, Trường cao đẳng Kiểm sát TP.HCM): Trong trường hợp các bị can bị truy tố theo khoản 4 điều 139 bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 12 năm, 20 năm đến chung thân, việc tạm giam có thể được áp dụng. Tuy nhiên, với diễn biến tại tòa có những vấn đề, có nhiều chứng cứ mới, chứng cứ buộc tội yếu, có khả năng oan thì biện pháp tốt nhất là HĐXX đề nghị cho bị cáo tại ngoại. Như vụ án Phương Nga, HĐXX cho tại ngoại đúng lúc, cần thiết với những chứng cứ mới mà không thể giải quyết ở tòa.
Phương Nga Tôi với anh Mỹ không phải quan hệ phục vụ nhận lương
Theo LS Hoàng Vinh Kim, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, tòa án quyết định mức tiền cụ thể từ 80 triệu đồng đến 200 triệu đồng mà bị can, bị cáo phải đặt tiền để bảo đảm thay thế cho biện pháp tạm giam.
Thạc sĩ Phùng Thị Hòa cho biết, ở các nước phát triển, đa số vụ án kinh tế cho bảo lãnh bằng tiền để được tại ngoại. Ở VN thì tình trạng chung là cứ phạm tội thì việc đầu tiên cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tạm giam. Luật của VN chỉ cho tại ngoại khi xét thấy không cần thiết phải tạm giam, nhân thân tốt, vụ án ít nghiêm trọng, không có khả năng bỏ trốn, đang mang thai.
Bà Hòa phân tích: “Luật quy định như vậy là không có điều kiện cụ thể, xét thấy thì ai xét thấy, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hay tòa án? Vì vậy, những vụ án không gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an toàn xã hội, thiết nghĩ nên cho tại ngoại điều tra”. Bà Hòa cho rằng: “Ở VN, ai được tại ngoại giống như được ban ân huệ. Phải sớm thay đổi tư duy của những người tiến hành tố tụng - nên xem xét việc tại ngoại cho những người có nhân thân tốt, đủ điều kiện, không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xét xử”.
Thạc sĩ Hòa cho rằng vụ án Phương Nga là vụ án có nhiều tình tiết mới phát sinh tại tòa, vụ án điển hình khi bị cáo sử dụng tối đa quyền im lặng. Tuy nhiên, các bị can, bị cáo trong vụ án khác không nên ngộ nhận và… bắt chước im lặng để HĐXX chấp nhận cho tại ngoại và trả hồ sơ điều tra bổ sung. Vì tại ngoại chỉ phụ thuộc vào chứng cứ, nội hàm của vụ án.