13/7/17

Mưa lũ ở Bắc bộ: Đảm bảo an toàn tuyệt đối hồ chứa và vùng hạ du

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có công điện thượng khẩn gửi các đơn vị trực thuộc về việc chủ động phòng chống, hạn chế thiệt hại do đợt mưa lớn kéo dài trên diện rộng đang diễn ra ở khu vực Bắc bộ.


Mưa lũ ở Bắc bộ: Đảm bảo an toàn tuyệt đối hồ chứa và vùng hạ du
ảnh minh họa

Theo đó, EVN yêu cầu các đơn vị ngành điện khẩn trương triển khai phương án phòng chống để đối phó với mưa lũ, giông sét, xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân, chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra. 

Các đơn vị quản lý lưới điện tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, trạm và có phương án xử lý kịp thời.

Các Tổng công ty Điện lực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo cấp điện an toàn cho các trạm bơm tiêu úng; phối hợp với BCH PCTT và TKCN tỉnh cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng khi mất nguồn điện lưới; chỉ đạo các Công ty cổ phần thủy điện trực thuộc rà soát kiểm tra công trình, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thuỷ văn, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa và vùng hạ du.

Các Công ty thuỷ điện kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thuỷ văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, thông báo tình hình vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định, tăng cường cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và vận hành xả lũ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du.

Các Ban Quản lý dự án kiểm tra công trường, theo dõi sát diễn biến mưa lũ, tổ chức phòng, chống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị và công trình. Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h; tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống và xử lý ảnh hưởng của thiên tai; báo cáo các nội dung liên quan trên trang thông tin điện tử phục vụ công tác PCTT và TKCN EVN (phongchongthientai.evn.com.vn) trước 09h00 và 15h00 hàng ngày.

Trước đó, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, số người thiệt mạng do mưa lũ ở miền Bắc đang tăng lên rất đáng lo ngại.

Cụ thể, theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ từ ngày 6 đến 12.7 khiến 13 người chết, một người mất tích, hàng trăm ngôi nhà hư hại, gần 200 m3 đất đá, sạt lở. Trong đó, Hà Giang là địa phương có nhiều người thiệt mạng nhất với 8 người, Thái Nguyên 4 người, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình đều có người thiệt mạng.

Ngoài ra, mưa lũ còn nhấn chìm và cuốn trôi hàng trăm nhà cửa của người dân; thiệt hại nhiều diện tích lúa và hoa màu; nhiều công trình giao thông, cầu cống bị sạt lở, hư hỏng. Tổng thiệt hại vật chất ước tính 37 tỷ đồng.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đánh giá, trước tình hình mưa lũ chưa lớn nhưng số người thiệt mạng liên tục tăng là có lý do chủ quan, bất cẩn. Nhiều trường hợp bị lũ cuốn khi đi qua ngầm tràn vẫn diễn ra.

Để giảm thiểu thiệt hại về người, Cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) yêu cầu các địa phương cử người canh gác tại các khu vực ngầm tràn, khu vực ngập sâu và đang cho triển khai thí điểm đèn hiệu cảnh báo khi có mưa lũ.

Đồng thời, các địa phương tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống người dân; khắc phục tạm thời các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt…

Related Posts: