Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh nơi bão có thể đổ bộ sẽ hoàn tất việc cấm biển, đưa tàu thuyền vào nơi an toàn trước 17h hôm nay.
Ngư dân Nghệ An đưa tàu vào bờ. Ảnh: Văn Hải.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khoảng 4h sáng mai bão sẽ đổ bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, sức gió tối đa khoảng 90 km/h, tương đương cấp 8-9. Các tỉnh lân cận sẽ bị ảnh hưởng.
Tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đến 9h hôm nay toàn tỉnh vẫn còn hơn 1.700 tàu thuyền với trên 8.000 lao động hoạt động trên biển, nhưng đều giữ liên lạc với đất liền và đang tìm nơi tránh trú.
Ông Quyền lo ngại trước đó Thanh Hóa có mưa liên tục với lượng mưa phổ biến 100-200 mm. Bão vào sẽ gây mưa lớn, đe dọa an toàn hồ đập. Toàn tỉnh có tới hơn 610 hồ đập lớn nhỏ, trong đó 121 hồ không đảm bảo an toàn. Đối phó với bão, tỉnh đã chỉ đạo 18 hồ không tích nước, 103 hồ hạn chế tích.
Thanh Hóa đã có công điện chỉ đạo sẵn sàng sơ tán dân khi có lệnh ở vùng nguy cơ sạt lở, vùng cửa sông, ven biển; chủ động giải tỏa ách tắc lòng sông và các trục tiêu để bảo đảm tốt việc thoát lũ. Các huyện thị phải vận hành ngay trạm bơm tiêu, cống tiêu khi mưa lớn để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu.
Tại Nghệ An, ngay từ đầu tháng 7, Công ty cổ phần Công viên cây xanh thành phố Vinh đã huy động công nhân và máy móc chặt tỉa cây trên 44 tuyến đường. Đơn vị cấp thoát nước thành phố Vinh đã cử lực lượng tới những nơi khả năng xảy ra ngập nặng.
Ở Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu trong chiều nay, tất cả hệ thống cống của hồ đập phải được vận hành, kiểm soát tình huống, xây dựng kịch bản mưa 300 mm để có phương án xử lý lũ quét ở các vùng Hương Sơn, Vũ Quang.
|
Các địa phương hoàn tất việc ứng phó với bão trước 17 ngày 16/7. Ảnh: Văn Hải. |
Hoàn thành công việc chống bão trước 17h
Sáng 16/7, tại phiên họp trực tuyến với các tỉnh, thành, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng đề nghị các địa phương cấm biển, sơ tán dân vùng nguy cơ mất an toàn, hoàn tất mọi công việc trước 17 hôm nay.
Ông Thắng lo ngại 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có hơn 1.350 hồ lớn nhỏ, trong đó nhiều hồ có nguy cơ thiếu an toàn. Trường hợp mưa lớn, đập Hòa Bình dự kiến xả 3 cửa, khi đó nước sông Hồng sẽ lên cao, gây nguy cơ cho nhiều điểm đê xung yếu. "Quá trình xả lũ cần thông tin sớm cho chính quyền vùng hạ du để thông báo kịp thời tới nhân dân", ông Thắng nói.
Đại tá Lê Thanh Sơn, Phó tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng cho biết, hiện có khoảng 2.000 tổ bộ đội biên phòng xuống các địa phương cùng dân ứng phó với bão. Đến 7h hôm nay, toàn bộ tàu thuyền ngoài biển đã nhận được thông tin về bão. Trước 10h, Bộ đội biên phòng cùng địa phương sẽ sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh trú, không nhất thiết tàu tỉnh nào phải quay về tỉnh đó.
Ông Trương Trọng Nghĩa, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho rằng không nên chủ quan vì đây là cơn bão đầu tiên vào Việt Nam dù không mạnh nhưng diễn biến khó lường. Thời điểm này đang có nhiều công trình dang dở, nhất là thủy điện thủy lợi và lượng khách du lịch nhiều nên các địa phương cần chủ động theo dõi, đảm bảo thông tin để không gây thiệt hại.
Các thành viên Ban chỉ đạo cũng cảnh báo tình trạng nguy cơ sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi, khi nhiều qua tại đây đã có mưa kéo dài. Khu vực đồng bằng cần đề phòng ngập úng.
Clip Hàng trăm người dân vô tư tắm biển khi bão đang vào Thanh Hóa