17/6/17

Tại ngoại sau 2 năm bị tạm giam

Sau 2 năm tù tội, 5 thanh niên từng kêu oan trong vụ án "Cố ý gây thương tích" ở Cà Mau được trở về đoàn tụ cùng gia đình


 Niềm vui của các bị can khi được tại ngoại, đoàn tụ gia đình
Niềm vui của các bị can khi được tại ngoại, đoàn tụ gia đình

Ngày 16-6, VKSND TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã trao quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cho gia đình bảo lãnh đối với Đặng Hữu Thời (SN 1990), Lâm Hải Long (SN 1999), Nguyễn Hoài Nam (SN 1996), Lê Phước Trung (SN 1987; cùng ngụ ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) và Nguyễn Anh Duy (SN 1996; ngụ ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau). Hơn 2 năm trước, cả 5 thanh niên này bị bắt tạm giam cùng hành vi cố ý gây thương tích.

Không cần thiết phải tạm giam

Trước đó, tại phiên sơ thẩm lần 2, ngày 26-4-2016, TAND TP Cà Mau đã tuyên 5 bị cáo tổng cộng 22 năm 6 tháng tù giam. Trong cả 4 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, các bị cáo đều kêu oan, khẳng định bị điều tra viên dùng nhục hình ép cung.

Cụ thể, Thời cho rằng do điều tra viên nói nhận tội rồi cho bảo lãnh về với gia đình nên đã nhận tội. Trong khi đó, Long cho rằng quá trình điều tra, do bị ép cung nhục hình, điều tra viên nêu ra những lời khai rồi bắt Long ký nhận.

Tại tòa, Nam và Trung cũng luôn cho rằng quá trình điều tra bị ép cung, phải khai theo hướng dẫn của điều tra viên. Trung bị đánh đến ngất xỉu, còn Nam bị cán bộ cầm điện thoại xáng lên đầu. Duy cũng không thừa nhận tội theo cáo trạng truy tố...

Tại phiên xử phúc thẩm (lần 1) ngày 4-11-2016, HĐXX TAND tỉnh Cà Mau nhận định cơ quan điều tra làm việc chưa hết trách nhiệm, nhiều chứng cứ có tại hồ sơ mâu thuẫn, không chặt chẽ, chưa đủ căn cứ buộc tội. Bên cạnh đó, cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng… nên đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về VKSND cùng cấp điều tra lại theo thủ tục chung.

Ngày 10-4-2017, Cơ quan CSĐT Công an TP Cà Mau tiếp tục có bản kết luận điều tra khẳng định cả 5 bị can có tội và đề nghị VKSND cùng cấp truy tố về tội "Cố ý gây thương tích", quy định tại khoản 3, điều 104 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, ngày 16-6, VKSND cùng cấp đã quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn đối với các bị cáo vì xét thấy: "Vụ án đã được kết thúc điều tra, bị can có nơi cư trú rõ ràng, gia đình bị can có đơn xin bảo lãnh đúng quy định pháp luật, việc tạm giam đối với các bị can là không cần thiết".

Mỏi mòn, kiệt quệ

Chiều 16-6, trước cổng trại giam Công an tỉnh Cà Mau, người thân của 5 thanh niên bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án "Cố ý gây thương tích" nước mắt ngắn dài đón con em mình được tại ngoại, về đoàn tụ gia đình sau hơn 2 năm.

Đằng sau niềm vui đoàn tụ vỡ òa là khoảng thời gian chờ đợi, kêu oan mỏi mòn của những bà mẹ, vợ và con thơ của các bị can.

Bà Lê Thanh Nhàn (mẹ của Lê Phước Trung) mới ngoài 50 tuổi mà đã gầy mòn như bà lão. Trong giây phút chờ nhìn thấy con được rời khỏi trại tạm giam, bà vẫn không khỏi ray rứt hướng về quê mẹ ở Kiên Giang đang làm lễ động quan tiễn bà nội của Trung về nơi an nghỉ. "Hôm qua, trong lúc bà nội của Trung đang hấp hối, cả dòng họ ai cũng muốn cháu đích tôn về nhìn bà lần cuối. Hôm nay, tưởng cháu được ra sớm để về quê chịu tang nội nhưng cũng không thành. Quyết định cho tại ngoại được ký lúc 9 giờ sáng nhưng đến 4 giờ chiều các cháu mới được về" - bà Nhàn khóc nghẹn.

Đến đón bị cáo Thời, ngoài cha mẹ còn có vợ và con gái 4 tuổi. Chị Huỳnh Kiều Diễm, vợ của Thời, kể lúc Thời bị bắt chị đang mang thai con trai vài tháng. Nay cháu đã được 2 tuổi nhưng chỉ được gặp cha có đôi lần khi còn chưa nhận thức được gì. Vì hoàn cảnh khó khăn nên đứa con gái 4 tuổi vẫn chưa được cho đi mẫu giáo. "Từ ngày anh Thời bị bắt giam, cuộc sống của mẹ con tôi lâm vào bế tắc chỉ dựa vào quán nước nhỏ đắp đổi qua ngày. Không có tiền cho con đóng tiền trường và không người đưa rước nên đành để con ở nhà" - chị Diễm nghẹn ngào.

Gia đình của Long, Duy, Nam cũng lâm vào cảnh ngặt nghèo, nợ nần chồng chất từ ngày các anh bị bắt giam. 

Related Posts: