Khi thấy gần khu vực cầu thang có cái chậu thường dùng cho con tắm vẫn đầy nước, chị Trinh thả cháu bé vào chậu nước trong tư thế úp mặt xuống rồi bỏ đi. Khi đi đến lối cầu thang lên tầng 2, người mẹ trẻ nhặt một viên than đen và viết dòng chữ “tao sẽ giết cháu mày…”.
Mẹ cháu bé bị giết.
Cả xóm làng sững sờ
Người dân sống gần gia đình ông Vũ Đình Lăng (SN 1948, ông nội cháu bé) cho biết, khoảng 5h45 sáng 12/6 khi mọi người thức dậy chuẩn bị đi thể dục buổi sáng thì nghe thấy tiếng đàn ông khóc.
Ông Nguyễn Văn Long (hàng xóm) cho hay: “Nghe tiếng khóc, tôi chạy sang thì thấy bảo cháu Việt Anh bị sát hại. Đau xót lắm chú ạ, thằng bé còn nhỏ quá, mới đầy tháng được mấy ngày”.
Trước đó, khoảng 2h sáng 12/6, mẹ của cháu Việt Anh thức dậy cho cháu bú và tiếp tục dỗ cháu ngủ. Tuy nhiên, không lâu sau sự việc đau lòng đã xảy ra.
Xác định đây là sự việc có tính chất phức tạp, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, khám nghiệm tử thi để phục vụ công tác điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ án.
Dòng chữ rợn người
Tại hiện trường, cạnh cầu thang nơi cháu Việt Anh bị sát hại, các cơ quan chức năng phát hiện thấy một chậu nước để tắm cho trẻ sơ sinh, hiện trường không bị xáo trộn nhiều.
Đặc biệt, trên lối lên cầu thang xuất hiện những dòng chữ với nội dung “TAO SẼ GIẾT CHÁU MÀY LĂNG” được ghi bằng than đen, ngay ngắn, rõ ràng khiến nhiều người không khỏi sợ hãi và làm xuất hiện nhiều đồn đoán khác nhau.
Được biết, cháu Vũ Việt Anh là con trai đầu của anh Vũ Đình Khải (SN 1988) và chị Phan Thị Trinh (SN 1997). Theo ghi nhận, vợ chồng anh Khải lấy nhau vào năm 2016. Từ khi về ở với nhau rất ít xảy ra cãi vã, mâu thuẫn. Anh Khải làm mộc ở xưởng gần nhà, còn vợ thì đi làm công nhân. “Vợ chồng nó chí thú làm ăn lắm, không mâu thuẫn, bất hòa với ai.
Lúc nó sinh được thằng bé kháu khỉnh, cả xóm mọi người ai cũng vui mừng, phấn khởi nhưng cuộc đời ai ngờ lại…”, một người dân cho hay.
Mẹ ruột là nghi phạm
Chiều 14/6, Công an Hà Nội đã có thông tin chính thức kết quả điều tra ban đầu vụ án bé Việt Anh bị giết hại. Điều khiến dư luận 1 lần nữa rúng động, nghi phạm không phải người lạ mà chính chị Trinh – mẹ của cháu Việt Anh.
Tại cơ quan điều tra, Trinh khai nhận vào khoảng 2h sáng ngày 12/6, khi cả gia đình đang ngủ say thì cháu Việt Anh quấy khóc nên chị đã dậy cho cháu bú và đi ngủ tiếp. Tuy nhiên, sau đó Trinh lên cơn đau đầu, tỉnh dậy và bế cháu Việt Anh ra cầu thang lối lên tầng 2.
Thấy có chậu nước tắm đầy nước, Trinh liền bỏ cháu Việt Anh vào chậu với tư thế nằm sấp. Khi thấy bé Việt Anh đã tử vong, Trinh vẫn bình thản lên ngủ cùng chồng ở tầng 2. Lúc lên cầu thang, thấy cục than hoa, Trinh liền cầm và viết lại dòng chữ dọc theo cầu thang “TAO SẼ GIẾT CHÁU MÀY LĂNG”. “Không hiểu sao nó (Trinh – PV) lại làm vậy với con đẻ của nó.
Các cụ bảo “hổ dữ không ăn thịt con” mà nó lại làm vậy với thằng bé, thật không thể chấp nhận được”, một người dân thôn Đình tỏ ra bất bình. Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu, động cơ gây án của Trinh là do bị mắc bệnh trầm cảm nặng, có vấn đề về tâm lý sau sinh nên nảy sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực.
Sáng 14/6, cơ quan điều tra đã tiến hành dựng lại hiện trường vụ án. Trinh cũng được đưa về nhà để thực nghiệm hiện trường, rất đông người dân hiếu kì đến xem.
Trách nhiệm của chồng và gia đình
Các nhà tâm lý học cho hay, trầm cảm xảy ra sau khi sinh là một chứng rối loạn tâm thần và bạo lực gia đình là một phần nguyên nhân khiến họ giết chính con cái của mình. Sau khi sinh, cơ thể mẹ có một sự thay đổi lớn về tâm, sinh lý. Khoảng 85% các bà mẹ có những cảm giác buồn thoáng qua, còn gọi là “baby blues”. Biểu hiện của chứng trầm cảm là như thế nào?
Không còn cảm thấy thích thú với con của mình nữa; Có những cảm xúc tiêu cực đối với con bạn như chán ghét con, không yêu con nữa; Lo lắng là bạn sẽ làm gì đó có hại cho con bạn; Không còn quan tâm chăm sóc bản thân; Không có sự hài lòng trong cuộc sống;
Bạn cảm thấy không còn sức lực và không có động cơ trong cuộc sống; Cảm thấy không có giá trị và có tội lỗi; Ăn không ngon miệng hoặc sút cân; Ngủ ít hoặc ngủ nhiều hơn bình thường; Thường có ý nghĩ đến cái chết hoặc tự sát. Có thể nói, trong giai đoạn nhạy cảm này, vai trò của người chồng chiếm vị trí rất quan trọng.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Như Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn sức khỏe sinh sản (CRCRH) phân tích, rất nhiều ông chồng nghĩ rằng, chỉ cần cung cấp vật chất cho vợ là đủ mà không hề nhận thức được sự quan tâm, bằng hành động và lời nói động viên có thể giúp người vợ tránh được nguy cơ trầm cảm.
Vì vậy, hơn ai hết, người chồng, gia đình, người thân… cần gần gũi với sản phụ trong thời kì hậu sản, để có thể tránh được những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra.