20/6/17

Người bị oan không cần yêu cầu vẫn được xin lỗi

Sáng nay, trong phiên làm việc toàn thể tại hội trường Diên Hồng, Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)


Người bị oan không cần yêu cầu vẫn được xin lỗi
ảnh minh họa

454/458 đại biểu Quốc Hội tham gia biểu quyết (chiếm 92,46%) đã nhất trí thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Luật có 9 chương, 78 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

Theo Quy định của Luật, đối tượng được bồi thường là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định tại Luật này. 

Cũng theo quy định của Luật, người bị thiệt hại là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật này; Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án;

Người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại hoặc người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết hoặc tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại, có văn bản yêu cầu bồi thường.

Trước khi các ĐBQH bấm nút thông qua Dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cho biết, tại kỳ họp thứ 3, khi tham gia ý kiến xây dựng Luật, có ý kiến ĐBQH đề nghị, đối với thiệt hại về tinh thần, thì Nhà nước bồi thường, đồng thời tiến hành cải chính, xin lỗi công khai người bị oan mà không cần có yêu cầu của họ.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người bị oan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan bổ sung quy định như trên.

Về bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, Luật đã thông qua quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, quy định như vậy là kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước. Hơn nữa, bồi thường thiệt hại về bản chất là bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại, nhưng trong trường hợp người đó đã chết thì người thừa kế được hưởng. 

“Nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người đó còn sống thì không hợp lý và dễ phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện. Mặt khác, vấn đề này chưa được tổng kết, đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan”, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Related Posts: